15/07/2024 10:13 GMT+7

Vung mái chèo hướng đến Olympic

Ở tuổi 34, VĐV rowing Phạm Thị Huệ sẽ có lần đầu tham dự một kỳ Olympic. Còn ở môn canoeing, Nguyễn Thị Hương đã trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt vé tham dự Olympic.

Nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Phạm Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Hương đoạt vé đến Olympic Paris - Ảnh: Quý Lượng

Nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Phạm Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Hương đoạt vé đến Olympic Paris - Ảnh: Quý Lượng

Khoảng 10 năm trở lại đây, hình ảnh Phạm Thị Huệ đứng trên bục nhận huy chương ở SEA Games, Asiad không còn xa lạ với người hâm mộ VN.

Giấc mơ của bà mẹ 2 con thành sự thật

Đến nay, Phạm Thị Huệ đã đoạt 4 HCV SEA Games, 2 HCB và 2 HCĐ Asiad. Dù vậy, chị chưa một lần thi đấu tại Olympic. Nói vậy bởi chị đã hai lần lỡ hẹn với đấu trường danh giá này.

Cụ thể, tại vòng loại hai kỳ Olympic Rio 2016 và Tokyo 2020, Phạm Thị Huệ đều đạt thành tích tốt và có suất tham dự. Tuy nhiên với quy định mỗi quốc gia chỉ có một suất tham dự, nên đội tuyển đua thuyền Việt Nam đã ưu tiên cho các VĐV nội dung thuyền nữ hạng nhẹ. Vì vậy, với sở trường thuyền hạng nặng, Huệ đành ngậm ngùi nhìn các đàn em lên đường.

Phải đến Olympic Paris 2024, người phụ nữ quê Quảng Bình mới được lần đầu góp mặt. Tháng 4 vừa qua, cô về đích trong top 5 ở đợt bơi chung kết thuyền đơn nữ hạng nặng tại vòng loại rowing châu Á - Thái Bình Dương. Thành tích này giúp Phạm Thị Huệ đại diện cho rowing Việt Nam thi đấu tại Olympic. 

Người đàn chị mẫu mực

Do phải tổ chức ở những vùng sông nước nên tại SEA Games, Asiad hay Olympic, địa điểm tổ chức rowing thường ở cách xa trung tâm. Tại Asiad 19 diễn ở Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2023, nơi thi đấu rowing cách trung tâm thành phố hơn 1 giờ di chuyển. Điều này khiến giới truyền thông thường "bỏ quên" các VĐV rowing. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao một VĐV giàu thành tích như Phạm Thị Huệ lại không quá nổi tiếng.

Tại Asiad 19, sau khi đoạt HCĐ cùng các đồng đội ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng một mái chèo, Huệ từng đứng trước câu hỏi về việc giải nghệ khi đang ở đỉnh cao. Ở độ tuổi 34, có một mái ấm hạnh phúc và bảng thành tích đáng nể, chuyện giải nghệ là điều hết sức bình thường. 

Mặt khác, cô cũng chia sẻ về những khó khăn khi phải gửi con nhỏ ở nhà để đi thi đấu. Thế nhưng, người phụ nữ 2 con này lại gây bất ngờ khi trả lời: "Tôi vẫn chưa muốn dừng lại. Tôi vẫn còn muốn thi đấu và cống hiến".

Vé tham dự Olympic là động lực giúp cô nỗ lực. Cô luôn là người động viên các đàn em nỗ lực khi thi đấu ở những nội dung đồng đội. Cách mà Huệ hai lần nhường suất dự Olympic càng thể hiện khí chất cư xử của một đàn chị cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu của mình. Vì vậy khi Huệ đăng tải bài viết về vé dự Olympic Paris 2024 lên Facebook, rất nhiều VĐV trẻ đã gửi những lời chúc mừng.

Ở tuổi 34, chiếc vé tham dự Olympic dù muộn màng nhưng là món quà xứng đáng với Phạm Thị Huệ.

Đàn chị mẫu mực Phạm Thị Huệ giành vé đến Olympic Paris 2024 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Đàn chị mẫu mực Phạm Thị Huệ giành vé đến Olympic Paris 2024 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Cô gái đa tài Nguyễn Thị Hương

Lần đầu tiên Việt Nam có một VĐV canoeing góp mặt ở Olympic. Cuối tháng 4 vừa qua, cô gái 23 tuổi Nguyễn Thị Hương đem về tin vui bất ngờ cho thể thao Việt Nam. Tại phần thi chung kết thuyền đơn nữ C1 200m tại vòng loại canoeing Olympic châu Á ở Nhật Bản, cô về đích thứ 2, với thời gian 49 giây 351 và giành vé đến Olympic Paris 2024.

Hành trình đến với canoeing của Hương dù chông gai nhưng cũng lắm chuyện thú vị. Đầu tiên, Hương bắt đầu sự nghiệp thể thao với môn... đẩy gậy. Khi còn học cấp II, Hương bắt đầu được chú ý khi tham gia các giải thể thao học đường tại quê nhà Vĩnh Phúc. Năm 14 tuổi, Hương tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và giành giải nhất. Từ đây, cô được các HLV của Trung tâm đào tạo VĐV tỉnh Vĩnh Phúc định hướng thành VĐV chuyên nghiệp.

Dù có thể hình nhỏ nhắn, nhưng Hương lại sở hữu một tố chất đặc biệt với sức mạnh tuyệt vời. Do đó năm 2015, cô chuyển sang môn vật và tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh (nay là Trung tâm Đào tạo VĐV tỉnh). Nhưng vận đen lại sớm đến với Hương khi Vĩnh Phúc quyết định ngừng đào tạo môn vật. Chơ vơ khi đội vật giải tán, Hương nghe theo lời các thầy để tiếp tục rẽ sang canoeing.

Hương chia sẻ cô từng trải qua rất nhiều khó khăn khi đến với môn canoeing. Đầu tiên Hương không biết bơi dù đây là một trong những yêu cầu cơ bản với VĐV canoeing. Rồi chuyện làm quen với mái chèo, với canoe và các trang thiết bị tập luyện... Ngay gia đình Hương cũng nhiều lần ngăn cản vì sợ con gái thường xuyên xa nhà, vất vả. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, Hương đã vượt qua tất cả để trở thành VĐV canoeing Việt Nam đầu tiên giành quyền tham dự Olympic.

Cô gái vàng của thể thao Việt Nam

Trước khi giành vé dự Olympic Paris 2024, Hương đã đoạt nhiều huy chương ở các giải trong nước và trở thành một trong những VĐV canoeing hàng đầu cả nước. Nhưng phải đến SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam năm 2021, cái tên Nguyễn Thị Hương mới dần được biết đến.

 Trước đó, dù được triệu tập lên đội tuyển quốc gia từ năm 2019 nhưng cô không có được điều kiện tập luyện tốt nhất vì dịch COVID-19. Dù trải qua quãng thời gian không được thi đấu nhưng Hương vẫn có màn trình diễn xuất sắc và mang về 5 HCV cá nhân và đồng đội.

Đến SEA Games 32, do môn canoeing không được đưa vào thi đấu nên Hương chuyển sang thi đấu môn đua thuyền truyền thống (thuyền rồng). Một lần nữa, cô gái quê Vĩnh Phúc cho thấy sự đa tài bằng việc mang về thêm 3 HCV dù thi đấu trái sở trường.

Khởi đầu gian nan, vất vả nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chiếc vé đến với Olympic Paris 2024 đã được điền vào cái tên: Nguyễn Thị Hương.

Nguyễn Thị Hương - niềm tự hào của thể thao Vĩnh Phúc - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Nguyễn Thị Hương - niềm tự hào của thể thao Vĩnh Phúc - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Những cột mốc trong sự nghiệp Phạm Thị Huệ

- 4 HCV SEA Games, 2 HCB, 2 HCĐ Asiad

- Số lần vượt qua vòng loại Olympic: 3 (2016, 2020 không tham dự).

Thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Hương

- 8 HCV SEA Games (5 canoeing, 3 thuyền truyền thống)

- Giành suất tham dự Olympic Paris 2024.

Hà Thị Linh - bà mẹ 2 con quả cảmHà Thị Linh - bà mẹ 2 con quả cảm

"Bà mẹ 2 con quả cảm" là cụm từ mà làng boxing Việt Nam dành cho Hà Thị Linh. Năm 2018, khi sinh bé thứ hai được 4 tháng, cô đã sớm quay trở lại tập luyện. Dù vậy, Linh quyết không cai sữa vì muốn con được mạnh khỏe nhất từ dòng sữa mẹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp