Từng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhưng Tống Hữu Nhân vẫn quyết tâm thi vào ngành bác sĩ đa khoa để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Chàng thủ khoa dễ mến này tiết lộ bí quyết ôn tập và làm bài cùng các thí sinh năm nay.
Nhuần nhuyễn các kỹ năng
Học sinh Trường THPT tư thục Hồng Đức, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trong giờ học môn hóa - Ảnh: Như Hùng |
Hữu Nhân quan niệm thời gian ôn thi đại học là giai đoạn cực kỳ quan trọng mà các thí sinh phải trang bị cho bản thân đầy đủ ba yếu tố: kiến thức vững vàng, sức khỏe tốt và tâm lý tự tin. Trong ba yếu tố đó, kiến thức là nền tảng quan trọng nhất.
Cách học Hữu Nhân hay áp dụng là ôn tập lý thuyết, nắm vững các định nghĩa, tính chất, công thức, sau đó tiến hành giải đề thi những năm trước, các đề thi thử. Qua việc giải đề, Hữu Nhân củng cố lại lý thuyết và rèn những kỹ năng như bấm máy tính, phản xạ, phán đoán, vẽ hình, canh thời gian...
Cứ hai, ba ngày, Hữu Nhân đọc lại một lượt nội dung sách giáo khoa để thật "thấm" phần lý thuyết. Hữu Nhân chủ động tìm nhiều đề thi, cố gắng mỗi ngày tiếp xúc với những dạng bài mới, tìm ra phương pháp giải nhanh hơn. Mỗi khi giải xong đề, bạn lại tự đánh giá, rút kinh nghiệm những thiếu sót khi làm bài để tránh lặp lại lần nữa.
Theo Hữu Nhân, để đạt kết quả cao trong một kỳ thi nhiều thử thách như thi ĐH thì phải rèn sao cho nhuần nhuyễn các kỹ năng làm bài, đọc đề xong là phải nhận diện được dạng bài và hình dung ra cách giải ngay chứ không loay hoay suy nghĩ nữa.
Đánh giá cao vai trò sức khỏe và tâm lý, Hữu Nhân chia sẻ: "Các bạn nên giữ thói quen ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Hãy sắp xếp thời gian biểu khoa học giữa học tập và giải trí, nhưng đừng để mất thì giờ vào thứ vô ích, cũng đừng để quá căng thẳng. Hãy giữ quyết tâm, động lực để tập trung vào việc học. Khi cảm thấy căng thẳng, hãy nghỉ ngơi một lát, nghĩ về những thành công mình từng đạt được trước đây sẽ giúp các bạn tự tin, thoải mái hơn”.
Cẩn thận khi làm bài
Tống Hữu Nhân - thủ khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM và là một trong bốn thí sinh đạt điểm số cao nhất cả nước với 29,25 điểm |
Trước ngày thi, Hữu Nhân chuẩn bị giấy tờ, dụng cụ đầy đủ rồi đi ngủ sớm để có sức khỏe tốt, ngày mai tỉnh táo làm bài. Bạn cho rằng thi tốt hay không là do quá trình ôn luyện trước đó, cận kề ngày thi rồi nên thả lỏng, không lo lắng, tuyệt đối không tin vào những tin đồn, dự đoán đề thi trên mạng.
Hữu Nhân cũng lưu ý thêm: “Không nên đến phòng thi quá sớm, chờ đợi lâu sẽ khiến bạn dễ mất bình tĩnh và xuống sức. Nên mang theo chai nước, khăn tay và đồng hồ để canh giờ làm bài, nhớ tuyệt đối không mang theo điện thoại di động”.
Trong phòng thi nên nghe kỹ những nội dung giám thị phổ biến, đừng quá lưu tâm đến những thí sinh khác. Lúc đọc đề, nếu đề có khó hơn dự đoán cũng đừng mất bình tĩnh, tuyệt đối không sợ đề, mình phải hiểu đề thi nếu khó sẽ khó với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng mình.
Đối với môn toán nên đọc qua tất cả các câu hỏi, nhận dạng các dạng bài, đánh dấu lên đề những câu có thể làm được rồi bắt đầu giải. Tùy đặc điểm từng bài mà liên hệ đến những phương pháp, công cụ đã học để giải quyết.
Với phần giải tích, khi thấy biến đổi nào thực hiện được đừng ngại viết ra, vì nhiều bài chỉ cần làm một chút là xong. Trước khi quyết định sử dụng lời giải cồng kềnh rất dễ sai, hãy nhìn nhận lại một chút xem có hướng khác ngắn hơn không.
Với phần hình học, hãy biểu diễn tất cả dữ kiện đề bài lên hình vẽ, dùng thước kẻ, thước đo góc để kiểm tra những tính chất suy đoán.
Chiến thuật chung khi làm bài môn toán của Hữu Nhân là làm phần sở trường trước rồi đến sở đoản sau. Làm đâu chắc đấy, trình bày gọn gàng, rõ ràng, sạch sẽ, trân trọng từng điểm, nghĩ được gì ghi nấy, không bỏ trắng và cố gắng thi hết sức.
Với hai môn trắc nghiệm là hóa và sinh, Hữu Nhân ưu tiên làm những câu hỏi lý thuyết trước, những câu bài tập làm sau, câu nào không biết tạm bỏ qua, không sa lầy vào làm mất nhiều thời gian giải các câu dễ hơn.
Theo Hữu Nhân, khi làm bài thi trắc nghiệm, quan trọng nhất là phải cẩn thận, đọc kỹ đề, tránh trường hợp chỉ đọc lướt qua, đề yêu cầu cái này mà nhầm thành tính cái kia. Nhiều khi chỉ bỏ sót một, hai từ là đề thi đã thay đổi, phải lưu ý đổi các đơn vị đồng nhất. Lúc đọc đề đừng vội giải ngay, hãy nhìn xuống bốn đáp án, nhiều câu có thể nhìn đáp án là loại suy ra câu đúng ngay.
Hữu Nhân quen làm đâu chắc đó, trong lúc làm bài bạn thường xuyên kiểm tra lại đáp án so với điều kiện của đề bài, kiểm tra xem có tô lệch đáp án trong phiếu trắc nghiệm không. Với câu hỏi dễ bạn vẫn cảnh giác để tránh "mắc bẫy", bị mất điểm oan. Tính cẩn thận, tỉ mỉ này hẳn sẽ là một tố chất quan trọng giúp Hữu Nhân trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận