25/02/2015 08:03 GMT+7

​Vùng hoa Đà Lạt: kẻ khóc, người cười

MAI VINH
MAI VINH

TT - Phần lớn người trồng hoa tại Đà Lạt và vùng trồng hoa layơn xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) tiếp tục thua lỗ nặng, nhiều nông dân trồng hoa tại địa phương này lại thắng lớn.

Nhiều nhà vườn đã bắt đầu nhổ bỏ hoa cúc trồng cho thị trường tết - Ảnh: Mai Vinh

Họ biết chọn cho mình hướng đi riêng, không “đụng hàng”.

Đến thời điểm này, tại các làng hoa ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, không khó để thấy cảnh những vườn hoa lyly bị bỏ mặc mọc xiêu vẹo, những đống hoa cúc bị nhổ bỏ bên đường hay những chiếc xe thô sơ chở hoa layơn mang về cho bò ăn.

Ngay tại các vườn hoa cúc trồng trong nhà kính ở làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, hoa cũng vàng rực, nở toét.

Bà Trần Thị Hồng (làng hoa Thái Phiên) - người chỉ bán được khoảng 30% số hoa cúc trong vườn - cho biết mới 25 tết, chủ vựa hoa ở miền Trung đã thông báo không mua tiếp, bà phải năn nỉ các chủ vựa cho ký gửi mỗi ngày một thùng hoa gọi là “ưu ái cho bạn hàng quen”.

“Tiền bán hoa chưa nhận được mà tiền vay mượn để trả cước vận chuyển đã hơn 20 triệu đồng” - bà Hồng kể.

Ông Nguyễn Tấn Triệu (làng hoa Thái Phiên) trồng 500m2 hoa lyly nhưng bị nở muộn. Đến khi hoa đủ điều kiện xuất bán, chủ vựa thông báo thừa hàng, ông Triệu đành phải dùng xe máy chở hoa đến Ninh Thuận rao ngoài đường nhưng tiêu thụ không đáng kể.

Còn theo ông Lê Tuấn (làng hoa Thái Phiên), với khoảng 400m2 hoa lyly trồng bán tết bị ứ lại, tính ra gia đình ông mất trắng 200 triệu đồng.

“Cứ 10 người trồng hoa (lyly và cúc) tại làng hoa Thái Phiên có tám người thua lỗ, ít cũng vài trăm triệu, nhiều thì mất hàng tỉ đồng bởi loại hoa này có mức đầu tư lớn” - ông Tuấn cho biết.

Những người trồng hoa layơn tại xã Hiệp An càng thê thảm hơn, gần 200ha hoa không bán được phải dùng làm thức ăn cho bò hoặc phải cắt bỏ dọn vườn chuẩn bị xuống giống.

Trong lúc hàng nghìn nông dân trồng hoa khốn đốn, không ít người đầu tư cho giống hoa mới lạ hoặc những loại hoa chỉ có thể trồng ở Đà Lạt lại thắng. Chẳng hạn, những người trồng lan hồ điệp tại Đà Lạt bội thu nhờ lan hồ điệp chậu nhỏ.

Ông Đỗ Văn Ẩn (chủ trang trại trồng hoa lan Ngọc Ẩn) cho rằng kinh tế khó khăn nên nhu cầu trang trí tết của người dân cũng giảm, chưa kể nhiều người sống ở chung cư nên hoa chậu nhỏ dễ bán hơn, còn hoa chậu lớn khó tiêu thụ. “Đến 26 tết, chúng tôi đã bán sạch các chậu lan, cửa hàng chỉ lo tổ chức đi giao hàng” - ông Ẩn nói.

Ông Vũ Nhuần (làng hoa Hà Đông) cho biết trong nhiều loại hoa được gia đình ông đầu tư như cúc, đồng tiền, salem, cát tường..., riêng hoa cúc bị lỗ đến 50% vốn nhưng các loại hoa khác đã tiêu thụ hết từ 24 tết.

Theo ông Nhuần, cả nước đều trồng được hoa cúc, năm nay các tỉnh phía Bắc và miền Trung cũng tham gia trồng hoa lyly nên các loại hoa này dội chợ là khó tránh khỏi.

“Hoa lyly Đà Lạt đẹp hơn nhưng giá bán (bao gồm phí vận chuyển) lên tới hơn 200.000 đồng/bó, trong khi hoa trồng tại chỗ có giá chỉ bằng một nửa, làm sao cạnh tranh nổi” - ông Nhuần nói.

Liều mình

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc hợp tác và thu mua Công ty Dalat Hasfarm, cho biết doanh số của công ty trong vụ hoa tết năm nay tiếp tục tăng, do công ty chỉ sản xuất các loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như thu hải đường, tulip, trường sinh chậu nhỏ, đồng tiền...

Trong khi đó, theo ông Nghĩa, nhiều người dân Đà Lạt lại trồng các loại hoa mà ở đâu cũng trồng được, giá trị lại thấp nên khó tránh khỏi thất bại.

“Muốn tham gia thị trường hoa tết, nông dân Đà Lạt nên thay đổi cách thức, đó là sản xuất những loại hoa có thể bán trong và cả sau tết chứ không đặt cược vào hoa tết mà không đầu tư giống mới, đặc trưng của Đà Lạt. Chứ làm hoa tết theo kiểu hiện nay của nông dân Đà Lạt là “liều mình” kiếm sống, có nhiều nguy cơ thua lỗ” - ông Nghĩa nói.

 

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp