Cuộc đoàn tụ trực tuyến của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc - Ảnh: Tư liệu
Ông Đặng Văn Hùng - phó chánh án TAND TP Cần Thơ - đã chia sẻ như vậy tại hội thảo đánh giá chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018.
Chương trình do Hội LHPN TP Cần Thơ và Trung tâm chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc (KOCUN) tổ chức tại Cần Thơ ngày 28-12.
Khắc phục khác biệt
Ông Đặng Văn Hùng cho biết tính từ năm 2016 đến nay, phụ nữ ly hôn và đơn phương ly hôn với nam công dân Hàn Quốc mỗi năm trung bình khoảng 25 vụ mà nguyên đơn đều là phụ nữ Việt.
Ngoài ra, những năm gần đây tại Cần Thơ, số vụ ly hôn với người nước ngoài ngày càng tăng: năm 2016 là 89 vụ, năm 2017 là 148 vụ và năm 2018 là 199 vụ. Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn do bất đồng ngôn ngữ, bất đồng quan điểm sống, không hòa nhập phong tục tập quán dẫn đến mâu thuẫn.
"Tuy nhiên hiện nay nhiều vụ ly hôn vẫn còn tồn đọng do thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp kéo dài trên 8 tháng mới có kết quả, nên các vụ án ly hôn giữa công dân nữ Việt Nam và nam giới Hàn Quốc thường kéo dài rất lâu" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng phần lớn cô dâu Việt lấy chồng Hàn ở vùng quê, vì mục đích báo hiếu, muốn thay đổi hoàn cảnh sống của gia đình mà quên đi bản thân mình, không trang bị chút kiến thức giao tiếp gì.
"Giáo dục định hướng cho những phụ nữ này là cần thiết cho bản thân và con cái họ trong cuộc sống sau này. Thứ nhất là để phụ nữ lấy chồng ngoại có thêm sự tự tin, hai là con cái cũng được có lý lịch, hộ tịch rõ ràng" - ông Hùng nói.
Một đám cưới tập thể của đàn ông Hàn Quốc với cô dâu người nước ngoài - Ảnh: UPI
Hạn chế hôn nhân không vì tình yêu
Bà Lê Thị Thúy Hằng - phó chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ - cho biết khi thống kê từ các học viên tham gia lớp học định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với nam giới Hàn Quốc, có hơn 68% học viên có độ tuổi dưới 25, trong khi chồng Hàn Quốc của học viên đã ở độ tuổi trên 40.
Trong đó có đến 105 trường hợp tuổi của học viên và chồng cách nhau hơn 30 tuổi. Cũng theo bà Hằng, các học viên lấy chồng Hàn Quốc là do mai mối chiếm 66,9%, và khi hỏi lý do kết hôn thì phần lớn đều trả lời muốn sống ở một đất nước phát triển, muốn đổi đời, muốn giúp đỡ gia đình.
Gần một nửa số học viên chúng tôi trao đổi trực tiếp cho biết họ chưa từng thấy hồ sơ của chồng bằng tiếng Việt. Điều này cho thấy các công ty môi giới hôn nhân vẫn không muốn phụ nữ biết được thông tin về chồng. Hoặc ngay cả trường hợp xác nhận đã xem hồ sơ bằng tiếng Việt của chồng thì họ cũng không biết được chính xác trình độ, nghề nghiệp, thu nhập, hộ khẩu, tình trạng sức khỏe và lý lịch tư pháp.
Bà Lê Thị Thúy Hằng (phó chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ)
Đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết khó khăn của ngành hiện nay là đối với trẻ không có các giấy tờ hộ tịch theo quy định nên khó khăn trong việc đến trường. Nếu trẻ được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn; còn đối với trẻ sinh ra ở nước ngoài có cha là công dân nước ngoài và có hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài thì cơ quan đăng ký hộ tịch của Việt Nam không có thẩm quyền đăng ký khai sinh.
"Để được cấp giấy tờ hộ tịch theo quy định thì gia đình trẻ phải liên hệ với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên người thân trẻ không có điều kiện đi lại, kinh tế khó khăn. Hiện Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP Cần Thơ tạo điều kiện cho trẻ đến trường, khám chữa bệnh theo quy định tại địa phương", vị này nói.
Bà Trần Thị Thùy Linh - đại diện KOCUN tại Hà Nội - chia sẻ thêm một điểm đáng quan tâm hiện nay là tình trạng phụ nữ Việt tái hôn với người nước ngoài tăng (năm 2018 là 34%).
"Nếu như đôi bên đồng thuận vì tình yêu thì không bàn cãi, còn kết hôn vì mục đích khác thì chính con cái là điều khó khăn khi không được nuôi dạy đàng hoàng. Những đứa trẻ này cũng là nhóm cần được quan tâm", bà Linh nói.
Định hướng cho phụ nữ di cư diện kết hôn
Ngày 28-12, Hội LHPN TP Cần Thơ và KOCUN đã tiếp tục ký kết chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc giai đoạn 2019-2021.
Trước đó, giai đoạn 2015-2018 đã có hơn 4.000 học viên đến từ các tỉnh ĐBSCL tham gia các buổi học với những nội dung dành riêng cho phụ nữ di cư theo diện kết hôn như: phong tục tập quán, kỹ năng sống, gia đình, tình dục, mang thai, việc làm, phương án xử lý bạo lực gia đình, thông tin pháp luật.
Ngoài ra, các học viên còn được giảng dạy về đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, kỹ năng sống, kiến thức tổ chức gia đình hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận