Câu chuyện nêu trên thật ra chẳng cá biệt. Lâu lâu tôi thường đi cùng bạn bè đến thăm và tặng quà các cụ già ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già tàn tật 3... và thấy nhan nhản những câu chuyện con cái đẩy cha mẹ vào đấy để trốn tránh chữ hiếu. Chưa kể nhan nhản trên báo chí, bạn thường xuyên gặp những câu chuyện ngược đãi cha mẹ. Bạn tôi, một thẩm phán chuyên xử các vụ án dân sự, cho biết nhiều lúc cảm thấy hụt hẫng khi đối diện với quá nhiều vụ con cái đưa bậc sinh thành ra tòa vì căn nhà, vì một mảnh đất.
Thật là bi kịch cho xã hội nếu những câu chuyện trái luân thường đạo lý như thế ngày càng phát triển. Bởi không thể có một công dân tốt, biết yêu thương đồng loại nếu bản thân con người ấy không quý trọng chính những người mang nặng đẻ đau ra mình.
Nhưng liệu xã hội này đã bi kịch đến thế hay không? Không. Năm ngoái, tôi còn nhớ như in là vào ngày 19-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã diễn ra buổi lễ tôn vinh 341 người con hiếu thảo. Đó là buổi lễ lần thứ 7 mà thành phố tổ chức. Ở đó tôi đã được nghe những câu chuyện chẳng thua gì Nhị thập tứ hiếu. Ví dụ người thầy khiếm thị Nguyễn Phước Thiện không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn chăm sóc chu đáo cho mẹ già. Hay em Trần Thị Hồng Linh, một mình nuôi dưỡng mẹ bệnh nặng, chăm sóc bà ngoại già yếu và một người bác bị tâm thần. Linh tự kiếm tiền học đại học và lo cho em gái học đại học...Những câu chuyện ấy tôi đã ghi chép cẩn thận vào sổ tay để có dịp là kể cho học trò nghe.
Nhân nói đến chuyện học trò, máu nghề nghiệp lại nổi lên với câu hỏi: Trong nhà trường của chúng ta hiện nay, môn nào, sách gì giáo dục cho học sinh về lòng hiếu thảo? Ngày xưa, thời của chúng tôi (vào tầm 50 tuổi trở lên) ai chẳng biết sách Nhị thập tứ hiếu kể về 24 gương hiếu thảo. Vấn đề giáo dục cho học sinh về chữ hiếu hiện nay sao mà mờ nhạt. Chúng ta có môn giáo dục công dân. Nhưng môn này của chúng ta quá nặng về lý thuyết và thiếu những câu chuyện có thể đi vào lòng người. Tôi còn nhớ năm 2009, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần có hẳn một chuyên đề về dạy và học môn giáo dục công dân, và mọi người gọi đây là môn “3K” - khó, khô và khổ!
Vì vậy, không chỉ có môn sử mà thôi, giáo dục công dân cũng cần phải thay đổi sao cho nó mềm hơn, đời hơn. Tuy nhiên, không hay ho gì nếu sử dụng những câu chuyện trong Nhị thập tứ hiếu vì đó là vay mượn nước ngoài. Chúng ta đâu có thiếu những tấm gương hiếu thảo thời nay như đã kể trên. Hàng trăm gương hiếu thảo, chẳng lẽ không đủ chắt lọc để có những câu chuyện hay không thua Nhị thập tứ hiếu? Cần lắm những cuốn sách như thế để dạy cho học sinh biết yêu quý cha mẹ. Đó là đầu tư chính đáng và cần thiết cho tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận