17/12/2007 10:01 GMT+7

"Vua muỗng" Trần Quang Hải và tiếng đàn độc nhất vô nhị

Theo PHƯỚC VINHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 
Theo PHƯỚC VINHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 

Thanh âm phát ra từ hai chiếc muỗng của người chơi đã không còn là tiếng gõ nhịp khô khan, mà trở thành những giai điệu lạ, có cung bậc hẳn hòi. Tiếng nhạc muỗng có lúc suồng sã, có khi thăng trầm, có đoạn cao trào làm nền cho những phiên ngắt nhịp duyên dáng.

ziDHGMJM.jpgPhóng to
Kết hợp với môi, TS Trần Quang Hải đã tạo nên một thang âm hoàn chỉnh cho đàn muỗng
Thanh âm phát ra từ hai chiếc muỗng của người chơi đã không còn là tiếng gõ nhịp khô khan, mà trở thành những giai điệu lạ, có cung bậc hẳn hòi. Tiếng nhạc muỗng có lúc suồng sã, có khi thăng trầm, có đoạn cao trào làm nền cho những phiên ngắt nhịp duyên dáng.

Hơn 40 năm qua, chưa bao giờ GS TS Trần Quang Hải ngừng chinh phục khán thính giả thế giới với bộ nhạc cụ độc đáo - những chiếc muỗng - qua lối chơi có một không hai của mình.

Từ những ký ức tuổi thơ

Nhớ lại những ngày đầu tiên làm quen với bộ môn này, ông cho biết: “Lúc đó là năm tôi sáu tuổi. Trong một đêm hội ngộ của chiến sĩ kháng chiến, tôi hoàn toàn bị cuốn hút khi thấy một người lính giữ nhịp bài hát Tiểu đoàn 307 bằng muỗng. Hỏi ra mới biết anh nọ học được cách chơi này từ Liên Xô”. Cũng chính từ dạo ấy, Trần Quang Hải đã bắt đầu “kết thân” với những cái muỗng, thứ mà mọi người chỉ nhìn thấy chức năng lý tính, còn đối với riêng ông, nó là một nhạc cụ lạ cần được khám phá nghiêm túc.

Trong giai đoạn 1954-1960, khi lên học tại Sài Gòn, Trần Quang Hải lại phát hiện trên sân khấu phụ diễn tân nhạc, một nữ ca sĩ nhỏ tuổi cũng vừa hát vừa gõ nhịp muỗng. Rồi trong chuyến sang Pháp vào năm 1961, ông lại tiếp tục khám phá rằng kỹ thuật gõ muỗng không phải chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở Ireland, Anh, các nước ở châu Âu, Mỹ, Canada, Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay ở châu Á, tại các nước như Philippines, Indonesia, các nhạc công cũng dùng muỗng để gõ nhịp. Từ ý nguyện muốn đưa muỗng từ một dụng cụ giữ nhịp phụ trong dòng nhạc điện thanh (electro-acoustical music) đóng một vai chính trong dàn nhạc, ông đã bỏ công đào sâu nghiên cứu cách tạo âm từ những bộ gõ lạ lùng này.

Ông cho biết: “Vào năm 1965, tôi gặp nhạc sĩ Mỹ Roger Mason, một trong những tay đánh muỗng rất cừ. Vậy là từ đó, chúng tôi đã trở thành một đôi bạn diễn ăn ý trong các chương trình tại American Center ở Paris và một vài tụ điểm chơi dân nhạc (folk music) khác”. Kể từ đó, hai người bạn đồng cảm này có dịp tự nâng cao kỹ năng đánh muỗng bằng cách “mỗi lần biểu diễn là một lần thi đấu bằng những kỹ thuật và ngẫu hứng mới”, và cũng chính nhờ dịp này mà Trần Quang Hải đã tự sáng tạo cho mình một lối đánh muỗng đặc biệt.

4cJKtFaI.jpgPhóng to
Chơi đàn muỗng là phải vận dụng tất cả các chi trên cơ thể mình
Năm 1967, ông tham dự Đại nhạc hội dân nhạc Cambridge, Anh. Chưa hết xúc động khi nhớ lại những giây phút đăng quang trong cuộc thi này, TS Trần Quang Hải hóm hỉnh: “Cuộc thi gõ muỗng năm ấy thu hút trên 30 nhạc sĩ hàng đầu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Tôi đại diện Việt Nam mang đến cuộc thi 10 kỹ thuật biểu diễn mới tự sáng tác và đã biến cặp muỗng thành một dạng đàn synthetizer, có thể gõ bất kỳ dàn nhạc nào”. Ông đoạt giải quán quân và được tôn làm “Vua muỗng” trong cuộc thi năm ấy. Hơn 40 năm qua ông vẫn giữ được ngôi vị bá chủ về chơi muỗng.

Tại Liên hoan nhạc truyền thống ở thành phố Shiraz - Persépolis (Iran) năm 1970, một lần nữa tiếng đàn muỗng của TS Trần Quang Hải đã sánh vai một cách duyên dáng và đầy ngẫu hứng với giọng đàn kìm của Giáo sư Trần Văn Khê, thân sinh của ông, để khẳng định thêm sứ mạng chinh phục thế giới của bộ gõ lạ lùng này.

Đàn muỗng - một bộ gõ độc đáo

Chưa có một nhạc cụ nào mà tính ứng tác, ứng tấu lại đa dạng như đàn muỗng. Người chơi kẹp chặt hai chiếc muỗng trong tay, sao cho đầu muỗng đối xứng nhau tạo thành bộ gõ (tương tự như sinh tiền trong nhạc cụ dân tộc). Âm được phát ra khi người dùng đàn gõ vào tất cả các chi trên cơ thể.

Từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, người chưa biết chơi thì gõ chậm, rồi tăng tốc dần. Ngoài ra, còn phải biết sử dụng kỹ thuật đổi ngón tay, từ một ngón đến năm ngón, để thêm phần màu sắc cho giai điệu. Bộ đàn muỗng đơn giản mà cách sử dụng phức tạp, âm tiết phát ra ngỡ khô cứng mà huê dạng, biến hóa vô chừng.

Không dừng lại ở đó, Trần Quang Hải kết hợp cả miệng để tiếng tạo ra cho đàn muỗng thang âm đủ bảy nốt từ Đô đến Si, hay như việc thay đổi thể tích của muỗng qua cách cầm mà gõ được cả tiếng nhịp gõ mì. Nếu có thêm một chiếc muỗng thứ ba chen vào giữa, rồi di chuyển nó lên xuống thật nhanh, sẽ tạo ra một âm sắc hoàn toàn khác. Kiểu huyền âm ấy trầm đục mà ngân nga, vừa lả lơi lại vừa mê hoặc.

Sân khấu của “Vua muỗng” có thể là một đại hí viện nghiêm trang hay chỉ là một công viên nhỏ yên bình. Vì thế mà khán giả của bộ môn nghệ thuật này cũng không nhất thiết phải là những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc mà có thể là cô bé bán dạo, cậu bé đánh giày. Chỉ biết mỗi khi Trần Quang Hải “phiêu” với những chiếc muỗng thì dường như ông đã mặc kệ không gian xung quanh mình. Ông chuyển ngón tay. Ông chuyền bộ muỗng rồi lắc lư theo nhịp gõ để tiếng phách, tiếng nhạc được toát lên trọn vẹn, thi thoảng hơi điệu đàng. Ông nói: “Tôi là một người chơi muỗng cô đơn. Đi biểu diễn khắp nơi rồi trở về quê hương với bộ đàn độc đáo này, tôi cũng mong truyền được tình yêu âm nhạc đến với lớp hậu thế”.

Đến những hoài bão về sự phát triển của âm nhạc dân tộc

50GDFouH.jpgPhóng to
Cần phải tập luyện để những ngón tay di chuyển thật linh hoạt, làm tăng thêm độ biến hóa trong âm sắc đàn muỗng

Đối với Trần Quang Hải, đàn muỗng chỉ là cớ để ông có thể nêu lên được những khát vọng của mình về một nền âm nhạc dân tộc chỉn chu, đàng hoàng. Ông cho biết: “Tôi yêu âm nhạc từ bé và muốn con em mình cũng phải cảm, phải thương bộ môn nghệ thuật này.

Mà muốn cảm, muốn thương được thì trước tiên phải hào hứng, phải thấy rõ đâu là cái hay, cái đẹp, từ việc nhận thức cái muỗng không chỉ để ăn mà còn được dùng như một nhạc cụ. Nhạc cụ ấy, không chỉ gõ được nhịp đơn, nhịp đôi mà còn triển khai thành giai điệu hoàn chỉnh… Lớp trẻ yêu âm nhạc sẽ dẫn đến một thế hệ mới trân quý những giá trị của cha ông”.

Hỏi TS Trần Quang Hải về mong ước lớn nhất của ông sau những lần trở về quê hương, ông cười thật tươi và nói: “Âm nhạc dân tộc”. “Đó là một giá trị văn hóa vô hình, là dấu ấn của dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Đi nhiều, thấy nhiều, tôi tự hào khi hiểu được xứ mình giàu về những giá trị văn hóa như thế nào. Những nhạc cụ muôn màu muôn vẻ như đàn bầu, đàn đáy, đàn tranh, đàn k’ní, bên cạnh những loại hình biểu diễn nghệ thuật tuyệt vời như nhạc cung đình, nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, múa rối nước, ca trù, đàn tài tử Nam bộ, hát xẩm… Điều tôi băn khoăn là rất nhiều người vẫn còn thờ ơ với âm nhạc dân tộc. Cần phải xây dựng một chương trình học về âm nhạc dân tộc hoàn chỉnh ngay từ bậc tiểu học, rồi trung học, rồi cao hơn để các em mới có đủ sức, đủ tầm để bảo vệ và trùng tu những vấn đề văn hóa của dân tộc”.

GS TS Trần Quang Hải nghiên cứu đàn muỗng hơn 50 năm nhưng ông nói có thể dạy lại cho đệ tử “tuyệt chiêu” chỉ mất vài năm lẻ. Ông tin chắc “Rồi học trò của học trò tôi sẽ mất ít thời gian hơn nữa để lĩnh hội được bộ môn này. Đàn muỗng rẻ tiền nhưng có ý nghĩa. Nó giúp lớp trẻ thêm yêu quý và tự tin vào sức sáng tạo của người Việt, của dân tộc mình”.

Hiện tại ông vẫn đang tìm “ngọc” để “trác thành khí”. TS Trần Quang Hải tin rằng những nỗ lực của mình sẽ không bao giờ thừa, dù cho đến tận cùng, ông chỉ tìm thấy mỗi bản thân mình là chung thủy với sáng tạo nghệ thuật này.

Theo PHƯỚC VINHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp