Đào Kim Trang (thứ 3 từ phải qua) trong chuyến du khảo bằng xe đạp từ Sài Gòn ra quê Bác năm 1990 (ảnh lớn), và “vua du khảo” bây giờ (ảnh nhỏ) - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ông là người sáng lập Hội Du khảo trẻ TP.HCM rồi đặt dấu ấn của mình qua những chuyến đạp xe du khảo.
Sau 20 năm “lặn” dài để kinh doanh du lịch, giờ đây gã lữ hành đã 52 tuổi này xuất hiện trở lại bằng chuyến đạp xe từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ kéo dài 17 ngày cùng với một kế hoạch xin thành lập Hội Du khảo VN.
“Cha đẻ” Hội Du khảo trẻ TP.HCM
"Đào Kim Trang thật thà và gàn. Ông bảo tôi số mình lận đận. Ngày còn trẻ phải ba lần kết nạp ông mới được vào Đảng sau khi đích thân một cán bộ cách mạng lão thành lên tiếng trên báo chí. Trong cuộc đời của mình, ông có hai chân dung: một cán bộ Đoàn sôi nổi cống hiến và một gã lữ hành mải miết lang thang. Sao cũng được, miễn là ông được tự do trong niềm vui thú mà ông tìm thấy qua những chuyến đi" |
Vốn hoạt động Đoàn, Hội từ hồi đi học, cộng thêm những năm làm giáo viên ở Trường Đoàn Lý Tự Trọng và đi dạy ở trường Đoàn các tỉnh đã hình thành tính cách thích đi xa ở Đào Kim Trang. Do cần trang bị những kỹ năng cần thiết để đào tạo học sinh nên sau nhiều lần tham gia đạp xe rèn luyện sức khỏe với ban huấn luyện trường Đoàn, ông bắt đầu nghĩ đến những chuyến đi xa bằng xe đạp cho các đoàn viên thanh niên.
Năm 1990, ông bàn với mọi người trong nhóm tổ chức một chuyến đi xa bằng xe đạp nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ. Nhiều người e ngại vì “ý tưởng lạ quá”, thêm vào đó là đường xa, sức lực có hạn và cuộc sống lúc đó chẳng dư dả gì. Nhưng cuối cùng ngày 19-5-1990, 16 thanh niên của Sài Gòn đã thực hiện chuyến hành trình bằng xe đạp về quê Bác trong 36 ngày. Họ đạp xe đi mang theo tinh thần tuổi trẻ Sài Gòn qua các tỉnh thành. Họ gây ngạc nhiên cho mọi người và chuyến đi thành công. Được thể, năm 1991 ông tổ chức tiếp chuyến đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh và thu về những kết quả không ngờ. Lúc đó, cùng với phong trào về nguồn đền ơn đáp nghĩa, phong trào du khảo của giới trẻ Sài Gòn gây tiếng vang dữ dội, tạo sự chú ý của mọi giới mọi ngành. Năm1992 là hành trình du khảo về Pắc Bó (Cao Bằng) trong 42 ngày - chuyến này có hai nữ tham gia. Một làn gió đã thổi vào tầng lớp thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ và người ta nhắc đến Đào Kim Trang như người dẫn đầu của phong trào du khảo.
“Từ thành công của những chuyến đi và mong muốn của nhiều thành viên, ngày 23-5-1993 chúng tôi thành lập Hội Du khảo trẻ TP.HCM trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên thành phố và đây cũng là ngày bắt đầu chuyến đi theo đường dây 500kV trong 16 ngày” - ông Trang nói. Tôi hỏi ông về hai chữ du khảo, ông lý giải đó là những chuyến đi nhằm khảo sát, học tập, tìm hiểu truyền thống, văn hóa, hòa hợp với cộng đồng và thiên nhiên nơi mình đi qua. Ông chọn đạp xe vì ngoài tính thể thao, đó còn là cách nguyên sơ thể hiện ý chí con người và ví von những người đạp xe là những chiến binh, trong chiếc áo vàng đồng phục của Hội đã tạo nên những mùa vàng chinh phục mà mấy chục năm sau ôn lại họ vẫn nhớ đến thẫn thờ.
Không chỉ thanh niên Sài Gòn, thậm chí những ông già 60, 70 tuổi cũng “mê mẩn” tham gia tự nguyện những chuyến đi do Đào Kim Trang khởi xướng. Có năm cao điểm, số thành viên của hội lên đến gần 800 người! Để vào hội, hội viên phải tham gia một lần du khảo, trải qua ba tháng sinh hoạt mới được kết nạp và có những điều lệ phải thực hiện, trong đó có một điều bất thành văn là luôn nhớ mình đại diện cho thanh niên Sài Gòn.
Gã lữ hành mải miết
Xin thành lập Hội Du khảo VN Đã ấp ủ từ lâu, hiện ông Trang cùng một số bạn bè đang lên kế hoạch xin thành lập Hội Du khảo VN dành cho những người thích đi du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống, chủ yếu bằng xe đạp, đối tượng tham gia từ 18 tuổi trở lên. Ông cũng nói du khảo bây giờ sẽ kết hợp làm công tác xã hội vì có điều kiện tiếp xúc với bà con, trẻ em khó nghèo các nơi. Kế hoạch chi tiết đã có và ông cho biết các thành viên của Hội Du khảo trẻ TP.HCM rất ủng hộ chuyện này. |
Tính đến nay, ông Trang và hội du khảo đã thực hiện năm chuyến du khảo lớn, còn lại là những chuyến ngắn ngày tổ chức cho sinh viên các trường đi bằng xe máy với lộ trình đơn giản hơn. Năm 1997, ông rời hội về làm cho Công ty du lịch Thanh Niên thuộc Thành đoàn, rồi mở Công ty du lịch Lĩnh Nam. Trong thời gian đó, ông vẫn tổ chức những chuyến lữ hành như “Tôi đi khắp VN bằng xe gắn máy” (năm 2006), chuyến đi Campuchia, Lào (2007-2008) cũng bằng xe máy, rồi vô số lần rong ruổi khắp đất nước. Đào Kim Trang đã không thành công trong những năm tháng kinh doanh du lịch vì ông không phải là con người làm ăn. Ông là một người khám phá nên chỉ hợp với những cuộc du khảo tự do như những ngày còn ở hội du khảo. “Hình như tôi không có duyên làm kinh tế, có lẽ đời tôi chỉ hợp với những chuyến lữ hành mà thôi” - ông Trang cười bộc bạch.
Ngày 21-4 tới đây, Đào Kim Trang sẽ có mặt ở Hà Nội rồi đạp xe từ đây lên Điện Biên Phủ với hành trình dài 600km chủ yếu là đèo dốc. Ngày 7-5 ông sẽ có mặt ở thung lũng lịch sử này để chung vui lễ kỷ niệm chiến thắng 60 năm. Sau đó ông sẽ tặng chiếc xe đạp mình đi cho một trẻ em nghèo rồi đi xe khách về Sài Gòn. Ông kêu gọi một vài bạn bè trong Hội Du khảo trẻ TP.HCM ngày xưa tham gia nhưng nếu không có ai đi cùng, ông vẫn đi một mình. Có người muốn đi cùng ông bằng xe máy nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Du khảo mà không bỏ sức lực mình ra để cảm nhận thì còn gì là du khảo đích thực nữa!”.
Con người này cực đoan như vậy đấy. Với ông, không có phương tiện nào qua được chiếc xe đạp. Nó là bảo bối du lịch số một của ông, còn bảo bối thứ hai là bản đồ trong túi áo. Ông nói đi một mình sẽ cô đơn nhưng ông quen rồi, quen với những đêm ngồi đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Mã Pí Lèng hùng tráng, một mình đốt thuốc nhìn ngắm non sông tươi đẹp. Quen với cảm giác thắt bụng khi dừng xe đỉnh dốc ngó lại vòng đường như sợi chỉ dựng lên dựng xuống vực thẳm mà mình vừa đi qua. Ông cũng không ngại nếm nước biển những nơi mình đến và cho rằng ở VN, biển Cà Ná (Ninh Thuận) là mặn nhất. Những điều đó tạo nên ký ức riêng của ông mà không có gì phá vỡ được.
Những chuyến đi đáng nhớ Mỗi chuyến đi thường được ông Trang lên kế hoạch trước một năm. Ngày ấy ai cũng nghèo, các cá nhân dành dụm tiền đi du khảo bằng lương tháng, thậm chí ứng trước lương, còn hội thì đi xin tài trợ. Chuyến đi nào với ông cũng là một chuyến khám phá với cảm hứng trọn vẹn, không thể kể hết niềm hạnh phúc lẫn gian khó nhưng đó là những hành trình thành công. Ông nhớ nhất chuyến hành trình về Điện Biên Phủ tháng 4-1994 trong 46 ngày. Lúc khó khăn nhất của hành trình là khi ông cùng mọi người leo đỉnh Phanxipăng. Đường lên nóc nhà Đông Dương khi đó không có đường, nên những thanh niên dân tộc dẫn đường đã đưa họ đi đường tắt. Đường đi gian khổ và nguy hiểm đến độ có thể chết bất cứ lúc nào nếu lỡ trượt trên dốc núi cheo leo, bên dưới là vực thẳm! 1g sáng, cả đoàn đang mắc võng ngủ trên triền dốc cao 2.600m thì mưa đá ập xuống. Ai cũng ướt mèm trong bộ áo đi mưa với cái lạnh buốt rét xuyên thấu thịt da. Cơn mưa đá hủy hoại lương thực thực phẩm mang theo nên cả đoàn đành phải quay về, tan giấc mộng du khảo đỉnh núi cao nhất Đông Dương để trở thành những người chinh phục đầu tiên của VN. Rồi có khi họ phải khởi hành trong đêm cho kịp hành trình như ngày 7-5-1994, họ đạp xe trong mưa dầm từ lúc 2g sáng ở một bản làng heo hút cách Điện Biên Phủ 50km để đến Điện Biên Phủ lúc 9g sáng. Trong chuyến vượt Trường Sơn năm 1992, cảnh lội suối băng rừng ám ảnh cả đoàn. Lúc đó đường Trường Sơn chưa làm như bây giờ, khi cả đoàn ngủ đêm ở Đắk Glei (Kon Tum) đến sáng đi tiếp mới hay con đường đã “hóa rừng” và không thể nào băng nổi. Thanh niên địa phương phải ra mở đường cho họ đi. “Cái cực nhất lúc đó là tìm đường. Ngoài quốc lộ, những con đường thời ấy không có chỉ dẫn, phần lớn đường đất, đèo dốc nối nhau đạp xe đến há hốc miệng” - ông Trang nói. Phương tiện tìm đường chỉ là tấm bản đồ, là trí nhớ và đặc biệt là ý chí và tinh thần du khảo. Điều đọng lại nhiều nhất đối với ông và những thành viên hội du khảo ngày đó không hẳn là những nếm trải gió sương của kẻ lữ hành, mà lớn hơn là tình thân với những nơi đã đi qua, là sự kết nối với các tỉnh đoàn địa phương trong tinh thần thanh niên dám nghĩ dám làm. Dân địa phương những nơi ấy trong cảnh sống chân thật nghèo khổ của mình đã đón tiếp đoàn du khảo trong niềm vui lễ hội. Ông nhớ nắm cơm cá khô đồng bào dân tộc trao cho lúc sớm mai sau một đêm ca hát chuyện trò, nhớ hơi ấm những chiếc chăn mà các cô gái đã ủ ấm cho các thành viên ngủ trước khi đêm xuống, là những điệu nhảy dân tộc và không khí miền núi bập bùng lan xa mãi. Đến giờ, ông vẫn nuôi ước mong tìm lại những bản làng tình nghĩa mình đã đi qua 20 năm trước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận