Đoàn cán bộ ngoại giao VN tham dự phiên họp về Luật biển ở Liên Hiệp Quốc (ông Võ Anh Tuấn bìa phải) - Ảnh tư liệu |
Sau nhiều năm nhắc lại sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia này, ông Võ Anh Tuấn - cựu đại sứ và là trưởng đoàn đàm phán VN ở Liên Hiệp Quốc - nói rằng thế nước hồi ấy đang rất khó khăn với cuộc chiến biên giới phía Bắc và Campuchia, nhưng VN vẫn dành tâm sức tham gia ký kết Luật biển 1982 một cách sáng suốt. Dựa trên căn cứ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển này, tất cả tranh chấp biển đảo với VN hiện nay đều hoàn toàn không có cơ sở và bất hợp pháp.
Những phiên họp nóng về biển
"Tôi được Chính phủ cử làm trưởng đoàn đại biểu nước ta tham dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ ba về Luật biển. Đây là một công việc hoàn toàn mới và vô cùng khó khăn, phức tạp cả về chính trị và chuyên môn - kỹ thuật vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia và quyền lợi cơ bản của các nước..." Trích hồi ký Thanh thản một cuộc đời của cựu đại sứ Võ Anh Tuấn |
Mùa đông năm 1982, tiết trời Mỹ khá lạnh, nhưng đoàn VN tham gia hội nghị Liên Hiệp Quốc về Luật biển lúc nào cũng cảm thấy nóng bức. Khối lượng quá lớn công việc khiến họ không còn thời gian để nghỉ ngơi. Kể từ khi thành lập (năm 1945), Liên Hiệp Quốc đã ba lần tổ chức hội nghị chuyên đề về biển. Hai hội nghị đầu được tổ chức năm 1958 và năm 1960 đã có nhiều phiên thảo luận kéo dài, nhưng không thành công vì chưa soạn thảo được văn kiện pháp lý quốc tế được tất cả các nước chấp nhận.
Năm 1973, hội nghị về Luật biển lần thứ ba được tổ chức. Đây là hội nghị kỷ lục của Liên Hiệp Quốc vì nó kéo dài đến năm 1982 mới kết thúc thành công. Thời kỳ đầu, VN vẫn đang trong tình trạng tập trung chiến tranh nên chưa thể tham gia ngay được, mặc dù là quốc gia có bờ biển dài. Đến khóa họp thứ 6 của hội nghị ở New York từ ngày 23-5 đến 15-7-1977, VN mới bắt đầu tham dự.
Hồi tưởng những ngày tham gia các phiên họp nội dung Luật biển quốc tế, ông Tuấn tâm sự đó là một trong những lần hiếm hoi vào thời kỳ ấy hội nghị quốc tế không phân biệt “phe ta, phe họ”. Trước đây, VN đi họp quốc tế thường nhìn vào “khối xã hội chủ nghĩa” để tìm sự hậu thuẫn của bạn đối với mình hoặc ngược lại. Nhưng lần này, quyền lợi chính đáng của quốc gia đã được đặt lên trên hết. Không còn phía cộng sản, tư bản gì nữa, các “nhóm quyền lợi” mới xuất hiện với các quốc gia ven biển như VN, Ấn Độ, Pháp..., nhóm quốc gia quần đảo như Nhật Bản, Indonesia, Philippines..., nhóm quốc gia không biển như Lào, Mông Cổ, Nepal..., các quốc gia có thềm lục địa rộng như Mỹ, Canada, Sri Lanka...
VN tuy đi sau, họp muộn, không dự hai đợt hội nghị trước nhưng cũng cảm nhận rõ rệt không khí tranh luận nóng của các buổi họp dai dẳng. Trung Quốc tự đưa ra nhiều cơ sở biển đảo vô lý, không được quốc tế công nhận. Mỹ và các nước lớn có thềm lục địa rộng cũng đặt nhiều yêu sách cho mình. Các nước nhỏ cũng không kém cạnh khi thượng tôn quyền lợi quốc gia... Ông Tuấn cho biết ông và các thành viên trong đoàn VN luôn nhắc nhở nhau về quyền lợi chính đáng của quốc gia có bờ biển. Với các nước đã tham dự ngay từ hội nghị đầu, công việc nhẹ nhàng hơn. Còn đoàn VN chỉ riêng nghiên cứu hàng ngàn trang nội dung thảo luận của các hội nghị trước cũng hết cả thời gian.
Bên hành lang phiên họp, đoàn còn phải tranh thủ tìm hiểu thái độ và vận động các nước khác. Tình hình VN lúc ấy rất phức tạp, khi quốc gia láng giềng là Trung Quốc từ bạn bè trở thành đối đầu với chiến tranh biên giới ác liệt. Ở Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc tranh thủ bảo vệ mình và tìm mọi cách xuyên tạc, ngăn chặn quyền lợi của chúng ta. Tuy nhiên, lúc ấy VN tuy là nước nhỏ nhưng lại đang ở thế lớn, được nhiều nước quan tâm lắng nghe, vì vừa chiến đấu và chiến thắng những đối thủ nặng ký nhất thế giới...
Ngày ký kết lịch sử
“Năm 1977 cũng là lần đầu tôi công tác ở Mỹ, đối mặt với nhiều cái khó, từ tiền bạc đến cả vấn đề an ninh, bảo mật” - ông Tuấn cười kể thời làm đại sứ ở quốc gia thân thiện như Cuba, ngoại giao đoàn VN được bạn bao cấp tất cả. Nhưng qua Mỹ, tất cả đều phải móc tiền túi trong khi đất nước đang khan hiếm ngoại tệ. Cán bộ đi nước ngoài phải tính toán tiết kiệm từng đồng. Thậm chí, có lần ông Tuấn đi trình quốc thư mà chỉ đi một mình để tiết kiệm. Chi phí ở Mỹ lại đắt đỏ, đoàn VN chỉ dám thuê vài phòng khách sạn đàng hoàng một chút để ở ghép. Khi có người trong nước qua họp hành phải nhồi người thêm. Chật chội quá thì kiếm khách sạn hạng rẻ hơn để thuê thêm vài phòng. Mọi người lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, nhưng đâu ai biết họ đã tranh thủ mua đồ giảm giá ở vỉa hè.
An ninh ở quốc gia vừa mới chạm súng trên chiến trường cũng là vấn đề của đoàn VN. Thời kỳ đầu, phái đoàn VN bị giới hạn đi lại trong bán kính 25 dặm tính từ tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở New York. Muốn đi xa hơn phải xin phép cụ thể.
Trải qua nhiều phiên họp căng thẳng, cuối cùng hội nghị Luật biển cũng kết thúc thành công. VN là một trong những nước đầu tiên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Nó hoàn toàn phù hợp với đặc điểm và yêu cầu chính đáng của đất nước, bác bỏ hoàn toàn những tranh chấp chủ quyền bất hợp pháp sau này.
“Anh em ngoại giao đoàn chúng tôi đặt bút ký kết được Luật biển 1982 mà thở phào nhẹ nhõm vì cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc! Nó chính là cơ sở pháp lý được thế giới công nhận, để chúng ta bảo vệ chủ quyền chính đáng biển đảo, thềm lục địa hiện nay của mình” - ông Võ Anh Tuấn xúc động kết thúc câu chuyện.
Điều 77 của Công ước Luật biển 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Nếu quốc gia đó chưa thăm dò, khai thác thì không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển này. Sau khi ký và phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Quốc hội khóa IX Việt Nam đã tuyên bố: Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các hoạt động khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982... VN đã nghiêm túc hành xử chủ quyền biển, thềm lục địa của mình đúng với những nội dung đã phê chuẩn, ký kết. Còn Trung Quốc mặc dù cũng tham gia ngay từ đầu các hội nghị, đàm phán, phê chuẩn, ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, nhưng lại đã và đang tranh chấp biển, tiến hành những đòi hỏi chủ quyền bất hợp lý, đặc biệt hoàn toàn không dựa trên công ước quốc tế này. |
__________________
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Luật Quốc tế trường Đại học Luật Hà Nội:
Chính phủ Việt Nam có thể đứng đơn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án La Haye
Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982. Và tuân thủ Công ước Luật biển 1982, VN đã tận tâm, thiện chí áp dụng biện pháp hòa bình thông qua trao đổi quan điểm, đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển Đông.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, các bên có thể lựa chọn, theo hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều cơ quan tài phán sau để giải quyết tranh chấp: Tòa án luật biển quốc tế, Tòa công lý quốc tế, Tòa trọng tài, Tòa trọng tài đặc biệt. Nếu các bên không đưa ra tuyên bố lựa chọn thì được coi là chấp nhận thẩm quyền của Tòa án trọng tài.
Tuy nhiên, cả VN và Trung Quốc đều không có tuyên bố lựa chọn cơ quan tài phán nên được xác định là chấp nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của công ước. Vì vậy, VN có thể khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài quy định.
Hiện nay, nhiều vụ tranh chấp theo phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982 được giải quyết dưới sự bảo trợ của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Permanent Court of Arbitration - PCA). Vì vậy trong trường hợp khởi kiện, VN có thể yêu cầu Tòa trọng tài thường trực La Haye thành lập hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Công ước Luật biển 1982 giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, do vậy quốc gia (với đại diện là chính phủ) mới có quyền khởi kiện. Trong trường hợp khởi kiện, VN phải có thông báo và tuyên bố khởi kiện gửi Chính phủ Trung Quốc, đồng thời yêu cầu bằng văn bản gửi Tòa trọng tài thường trực La Haye (nếu VN yêu cầu tòa thành lập hội đồng trọng tài để giải quyết vụ việc).
Theo quy định của Công ước Luật biển 1982, trọng tài thành lập theo phụ lục VII có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước.
Tuy nhiên, công ước đồng thời quy định một số trường hợp ngoại lệ, cho phép các quốc gia không áp dụng thủ tục trọng tài theo phụ lục VII, bao gồm: tranh chấp liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển, liên quan đến các hoạt động quân sự, liên quan đến nghiên cứu khoa học biển và đánh bắt hải sản, và tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (điều 298).
Ngày 25-8-2006, Trung Quốc đưa ra tuyên bố về việc sử dụng các ngoại lệ nêu trên. Vì vậy, trong trường hợp khởi kiện Trung Quốc, VN có thể tập trung vào một số yêu cầu chủ yếu sau:
* Các quyền Trung Quốc yêu sách thiết lập ở biển Đông phải tuân thủ Công ước Luật biển 1982, vì vậy yêu sách đường “lưỡi bò” là vi phạm các quy định của công ước (phần III, V, VI về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).
* Trung Quốc vi phạm các quy định của công ước khi hạ đặt giàn khoan và thăm dò trái phép tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN (điều 56, 60, 77).
* Trung Quốc đã vi phạm pháp luật quốc tế khi cản trở tàu thuyền của VN thực hiện quyền tài phán hợp pháp trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN.
* Trung Quốc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra đối với tàu thuyền và công dân VN.
Những yêu cầu trên không thuộc các trường hợp ngoại lệ trong tuyên bố của Trung Quốc và liên quan trực tiếp đến giải thích, áp dụng Công ước Luật biển 1982; vì vậy VN có thể khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài quy định tại phụ lục VII của công ước. Việc còn lại là VN xây dựng hồ sơ pháp lý và chuẩn bị các điều kiện vật chất và nhân lực phục vụ quá trình khởi kiện.
HOÀNG ĐIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận