Một góc khu biệt thự Thanh Bình - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Vì sao dân đã có nhiều đơn đề nghị xử lý nhưng đến nay ông giám đốc Công ty Thanh Bình không bị xử lý theo pháp luật?
Ông MAI VĂN ĐÔNG
Dự án này do Công ty TNHH tư vấn - dịch vụ - thương mại Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Thanh Bình, TP.HCM) làm chủ đầu tư. Hiện đang xảy ra tranh chấp giữa một bên là khách hàng ký hợp đồng sang nhượng với chủ đầu tư và một bên là doanh nghiệp mua lại khoản nợ của Công ty Thanh Bình từ ngân hàng.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho công an điều tra về dự án.
Không tách được sổ hồng vì sổ đỏ thế chấp
Gần đây, tại dự án trên, nhiều người đang đẩy nhanh tiến độ xây nhà để giữ đất. Trong khi đó, công ty mua lại khoản nợ của chủ dự án Thanh Bình từ ngân hàng cũng thuê vệ sĩ đến bảo vệ đất. Chính quyền và ngành chức năng đã phải cử lực lượng đến đây ngăn chặn xây dựng trái phép và giữ gìn an ninh trật tự.
Theo khách hàng của Công ty Thanh Bình, từ năm 2006 họ ký hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà thô của công ty này. Đến nay, họ đã đóng 90-95% giá trị hợp đồng nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng từ chủ đầu tư. Lý do là bởi Công ty Thanh Bình đã đem sổ đỏ chung của dự án đi thế chấp ở ngân hàng và không trả được nợ, nên không thể tách sổ hồng cho từng khách hàng.
Theo những người dân mua dự án, Công ty Thanh Bình đã có dấu hiệu lừa đảo khi vừa ký hợp đồng sang nhượng đất biệt thự cho họ vừa đem đi cầm cố, thế chấp ở ngân hàng. Ông Mai Văn Đông - khách hàng của Công ty Thanh Bình - cho rằng hành vi vừa sang nhượng đất cho dân vừa đem thế chấp ngân hàng của chủ đầu tư là hành vi "ăn cắp".
Theo hồ sơ, từ năm 2010 Công ty Thanh Bình đã đem sổ đỏ khu B thế chấp ở ngân hàng tại TP.HCM. Đến tháng 10-2018, ngân hàng này đã có quyết định thu giữ tài sản bảo đảm, sau đó tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Thanh Bình.
Ngày 21-5-2019, phiên đấu giá được tổ chức tại TP.HCM và trúng đấu giá là một công ty bất động sản ở TP.HCM. Đến ngày 29-5, sổ đỏ thế chấp ngân hàng của Công ty Thanh Bình đã được ghi "thay đổi bên nhận thế chấp mới" là công ty đã trúng đấu giá, mà không còn là ngân hàng.
Thời điểm ngân hàng bắt đầu làm thủ tục đấu giá, xử lý nợ của Công ty Thanh Bình, hàng chục hộ dân mua đất của công ty này cũng có đơn yêu cầu dừng việc đấu giá nhưng không được.
"Bất kể chủ đầu tư đem sổ đỏ đi thế chấp vào thời điểm nào cũng đều là lừa dối chúng tôi. Vì hoặc là đã sang nhượng cho chúng tôi nhưng vẫn thế chấp, hoặc là đã thế chấp mà vẫn sang nhượng cho chúng tôi" - một người dân mua đất ở dự án Thanh Bình nói.
Xóa được lãi ngân hàng hay "thoát xác"?
Ngày 8-6, hàng chục hộ dân mua nhà thô - đất biệt thự tại dự án khu biệt thự Thanh Bình, phường 10, TP Vũng Tàu đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền, ngành chức năng và chủ đầu tư. Tại đây, nhiều khách hàng đã trình bày bức xúc và bất an.
Ông Mai Văn Đôngđặt câu hỏi với ngành chức năng vì sao dân đã có nhiều đơn đề nghị xử lý nhưng đến nay ông Phạm Quốc Dũng (giám đốc cũ của Công ty Thanh Bình - PV) không bị xử lý theo pháp luật? Tại sao đất có dân đang ở, có hộ khẩu nhưng ngân hàng lại có thể nhận thế chấp, giải ngân cho Công ty Thanh Bình, hay Công ty Thanh Bình dùng sổ đỏ để bảo lãnh cho các công ty khác vay tiền?
Tại sao cơ quan chức năng có thể cho phép Công ty Thanh Bình thế chấp ở ngân hàng trong khi đất đã chuyển nhượng cho dân được pháp luật cho phép? Tại sao ngân hàng nhận thế chấp đất mà không thẩm định vì trên đất thực tế đã có tài sản là nhà, đường giao thông, hạ tầng?
Tại cuộc gặp gỡ với hàng chục hộ dân Thanh Bình sáng 8-6, ông Phạm Quốc Dũng cho biết hiện tại ông không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thanh Bình, mà đã chuyển giao cho người khác.
Ông Dũng nói: "Quyền lợi và tài sản của bà con không có gì thay đổi, vẫn được đảm bảo, chỉ là chuyển nợ từ ngân hàng sang cho một chủ nợ mới". Ông Dũng lý giải việc xử lý nợ của Công ty Thanh Bình là thực hiện theo nghị quyết 42 của Chính phủ và mục đích là để công ty giảm lãi tại ngân hàng và có điều kiện "chuộc sổ đỏ ra". Ông Dũng cũng cho biết sau khi chuyển nợ từ ngân hàng sang doanh nghiệp trúng đấu giá thì "may mắn là tiền lãi xóa gần hết".
Ông Dũng cũng khẳng định với người dân: "Người mua khoản nợ không có quyền lấy đất của bà con, trừ khi có sự đồng ý của bà con".
Tuy nhiên, khi người dân hỏi về vai trò của mình, ông Dũng cho biết ông đến đây để chia sẻ với người dân, còn người đại diện theo pháp luật của Công ty Thanh Bình hiện là người khác. Một khách hàng nói thẳng với ông Dũng rằng: "Anh đã thoát xác rồi".
Cũng tại buổi tiếp xúc này, đại diện công ty mua khoản nợ của Công ty Thanh Bình và trở thành bên "nhận thế chấp" cho biết đã có công văn gửi ngành chức năng và chính quyền thông báo về quyền của công ty với khu đất. Vị này cũng khẳng định: "Tiền chúng tôi đã bỏ ra nên chúng tôi muốn bảo vệ tài sản này, vì trên sổ phía chúng tôi được quyền nhận thế chấp".
Ông này cũng đề nghị người dân "những nhà nào đã ở cứ ở bình thường, những nhà nào đang xây dựng thì dừng". Sau cùng, người này đề xuất: "Em đấu giá trúng bao nhiêu em muốn nhận lại, bà con cô bác gom tiền lại trả cho em". Lời đề nghị này đã bị người dân phản đối, không đồng ý.
Trước thực tế phức tạp và rắc rối xảy ra tại dự án Thanh Bình, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Công an tỉnh điều tra.
Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết nếu chủ đầu tư dùng sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng sau khi đã ký hợp đồng sang nhượng đất cho khách hàng thì thế chấp đó là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Còn thế chấp rồi mà mang bán cho dân thì hợp đồng với dân là vô hiệu. Do đó, quan trọng trong vụ việc này là xác định thời điểm của từng bên và quyền của chủ đầu tư có được sang nhượng cho dân hay thế chấp cho ngân hàng.
Trong trường hợp hợp đồng thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng vô hiệu, việc ngân hàng bán đấu giá khoản nợ của chủ đầu tư cũng vô hiệu luôn.
Nếu ngân hàng nhận thế chấp khu đất đã được chủ đầu tư bán cho khách hàng mà không thẩm tra thì có dấu hiệu của việc vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng. Và bên mang đi thế chấp cũng vi phạm vì gây thiệt hại cho ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận