Nhiều tiểu thương bức xúc cho biết họ không hề được lấy ý kiến thăm dò về việc xây dựng chợ mới - Ảnh: L.Sơn |
Trong khi đó, nhiều tiểu thương cho rằng mức bồi thường 30 triệu đồng cho mỗi sạp chỉ bằng vài ngày buôn bán tại chợ.
“Có nghe thông báo gì đâu?!”
Một trong những chợ sỉ chuyên về vải lớn của TP.HCM Chợ Tân Bình là một trong bốn chợ sỉ về quần áo, vải vóc lớn nhất tại TP.HCM và cả nước hiện nay. Chợ đã tồn tại hơn 50 năm, có diện tích lên tới 22.000m2. Tại chợ, hiện có 3.336 sạp với 2.956 tiểu thương. Theo thông tin từ ban quản lý chợ, có khoảng 10.000 lượt khách đến chợ mua sắm mỗi ngày. Khách hàng đến chợ chủ yếu là khách sỉ, đưa hàng đi các chợ đầu mối khác hoặc chợ tại các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung và miền Bắc. |
Có mặt tại chợ Tân Bình sáng 21-9, chúng tôi tiếp tục nghe được khá nhiều bức xúc của tiểu thương liên quan đến kế hoạch xây dựng chợ mới.
Theo nhiều tiểu thương, chủ trương này được UBND Q.Tân Bình triển khai từ năm 2003, nhưng hơn 10 năm qua họ chưa từng được lấy ý kiến về việc xây dựng mới.
Tất cả thông tin tiểu thương đều chỉ được nghe “truyền miệng” giữa người này và người khác, mù mờ và không đồng nhất.
Ông N.N.P., chủ một sạp kinh doanh ở đây, cho biết sau hơn chục năm thuê sạp buôn bán, đầu năm 2014 ông đã quyết định bỏ 2 tỉ đồng mua lại sạp quần áo, vải vóc. Công việc kinh doanh đang tiến triển bình thường, ông bật ngửa khi hay tin chợ Tân Bình có quyết định xây mới.
“Thật không thể hiểu nổi, nếu có quyết định xây mới sao không thông báo cho chúng tôi hay. Thực tế suốt chục năm kinh doanh tại chợ, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo chính thức nào về chính sách mới này” - ông P. bức xúc.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Hùng cùng vợ vừa chân ướt chân ráo khai trương sạp vải mới mua lại được một tuần tại chợ đã sốc nặng trước tin chợ cũ đập bỏ.
Trước đó, vợ chồng anh Hùng vừa mới chuyển nhượng sạp tại Trung tâm thương mại An Đông để “tìm đường sống” tại chợ Tân Bình do tình hình kinh doanh quá ế ẩm. Theo anh Hùng, điều bức xúc nhất là việc anh không hề có thông tin nào về chính sách mới của chính quyền.
Tiếp xúc với chúng tôi, hàng chục tiểu thương cũng bày tỏ việc chính quyền ra một quyết sách ảnh hưởng đến hàng ngàn tiểu thương cùng gia đình nhưng không hề được lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của họ.
Chị Lê Mộng Ngà - sạp KT 20, đường Tân Tiến - khẳng định vừa nhận được thông báo về việc xây chợ mới từ ngày 18-9, trước đó chỉ nghe người này người kia nói.
“Mượn đầu heo nấu cháo”
Trước đó, khi trả lời báo chí, đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết kinh phí xây dựng chợ mới do chủ đầu tư bỏ ra chỉ như “bỏ tiền tỉ, thu tiền lẻ” nhưng theo các tiểu thương, thực chất nhà đầu tư đang “mượn đầu heo nấu cháo”.
Bởi, theo kế hoạch chợ mới sẽ khởi công xây dựng tháng 5-2016 và đưa vào sử dụng tháng 11-2018. Tuy nhiên, các tiểu thương nếu muốn thuê sạp mới phải đóng tiền từ tháng 3-2016 đến tháng 9-2018 thì hoàn tất khoản tiền thuê sạp trong 30 năm.
“Rõ ràng chúng tôi tự bỏ tiền ra xây dựng sạp cho chính chúng tôi chứ đâu phải chủ đầu tư. Bởi theo tính toán, chủ đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng xây dựng thì số tiền đóng tiền thuê sạp cũng tương đương, thậm chí nhỉnh hơn số tiền này. Vậy mà chúng tôi không biết mặt mũi “đứa con” mình bỏ tiền ra tròn hay méo thế nào” - nhiều tiểu thương bức xúc.
Bên cạnh đó, việc bồi thường 30 triệu đồng/sạp có giá trị thị trường từ 2-10 tỉ đồng, theo tính toán của họ, là chưa bằng doanh số 10 ngày bán hàng của họ.
“Công việc buôn bán bây giờ rất khó khăn, nhưng vẫn là chỗ để bà con bám trụ, nuôi sống cả gia đình” - chị Trần Thị Lợi, chủ một sạp tại đây, cho biết. Theo chị Lợi, thống kê tiền lời lỗ bán hàng từng ngày là rất khó, nhưng sạp như của chị đã nuôi sống hai vợ chồng chị cùng ba người làm thuê.
“Hơn chục con người sống dựa vào sạp chợ, bây giờ bảo bồi thường 30 triệu đồng mỗi sạp là quá khó cho chúng tôi” - chị Lợi cho biết.
Chiều 21-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua điện thoại, lãnh đạo ban quản lý chợ Tân Bình cho biết hiện không thể trả lời báo chí liên quan đến việc xây dựng chợ Tân Bình mới do thường trực UBND Q.Tân Bình đã thống nhất phát ngôn cho báo chí.
“Hiện chúng tôi không thể trả lời được” - vị lãnh đạo này khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận