Đỗ Quang Thiện trong vòng tay yêu thương, vui mừng của gia đình, thầy cô và bạn bè - Ảnh: Trung Tân |
Lệnh này được thực hiện sau khi TAND tối cao có quyết định tạm đình chỉ thi hành án, đồng thời kháng nghị bản án trước đó của TAND tỉnh Đắk Lắk phần trách nhiệm hình sự đối với Thiện.
Bên cạnh đó, dư luận những ngày vừa qua đang đặt vấn đề có hay không việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở Đắk Lắk đã “bỏ quên” một chứng cứ quan trọng liên quan đến bệnh lý của người bị hại trong vụ án là ông Lê Phước Thọ?
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk vừa cung cấp cho các cơ quan báo chí một văn bản trả lời Viện KSND TP Buôn Ma Thuột về thương tích của ông Lê Phước Thọ (70 tuổi, TP Buôn Ma Thuột, bị hại trong vụ án này) do bác sĩ Y Bliu Arul - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk - ký ngày 26-9-2013 (công văn 696).
Công văn này khẳng định các thương tích của ông Thọ là “đột quỵ liệt 1/2 người trái do xuất huyết não, nguyên nhân có thể do tăng huyết áp hoặc vỡ mạch máu não do dị dạng”; “đây là bệnh nội khoa không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quỵ xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường”...
Trước đó, bản kết luận pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk ngày 8-10-2012 lại xác định “ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người trái, thương tích 50% (tạm thời ba tháng) do tai nạn giao thông”. Liệu văn bản mà chứng cứ hoàn toàn trái ngược với căn cứ duy nhất để truy tố, xét xử Thiện 9 tháng tù giam có bị “bỏ quên”?
Ông Nguyễn Văn Luyến - viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột - khẳng định không thể dùng công văn 696 để làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử đối với Đỗ Quang Thiện được.
“Đó là một văn bản của cơ quan chuyên môn, có tính chất tham khảo, còn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp này bản giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk là căn cứ vững chắc, quan trọng nhất” - ông Luyến nói.
Cũng theo ông Luyến, khi nhận bản kết luận pháp y thương tích của ông Thọ, viện có làm công văn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để mong được giải thích về chuyên môn. Bệnh viện đã làm văn bản 696 gửi viện để “giải thích một số vấn đề liên quan đến việc điều trị bệnh nhân Lê Phước Thọ tại bệnh viện” (như đã dẫn trên).
Khi nhận được công văn có chứng cứ hoàn toàn trái ngược với bản kết luận giám định pháp y, viện đã yêu cầu Công an TP Buôn Ma Thuột phải làm rõ. Tuy nhiên, Trung tâm Pháp y tỉnh có văn bản phúc đáp là vẫn giữ nguyên quan điểm “ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người trái do tai nạn giao thông”.
“Từ trả lời này, đối chiếu với quy định pháp luật, chúng tôi phải dùng bản kết luận pháp y để truy tố, xét xử Thiện tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Việc bản giám định có sai hay không thì trách nhiệm cũng thuộc Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, viện phải làm theo quy định” - ông Luyến khẳng định.
Về việc văn bản 696 có được đưa vào hồ sơ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không, ông Luyến nói: “Vì vụ án đã quá lâu, số lượng hồ sơ nhiều nên không nhớ”.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột - cũng nói không nhớ văn bản 696 có trong hồ sơ hay không. “Tuy nhiên khi xuất hiện các chứng cứ khác nhau trong vụ án thì thường phải được đưa ra tranh luận, làm rõ trong quá trình tố tụng tại phiên tòa. Hiện bộ hồ sơ đang ở TAND tối cao nên sẽ được xem xét chứng cứ này theo thủ tục giám đốc thẩm” - ông Hoàng nói.
Sáng 25-5, bác sĩ Y Bliu Arul khẳng định ông Thọ không bị tổn thương khi nhập viện. Theo bác sĩ Y Bliu Arul, sau khi nhận được công văn trưng cầu về thương tích của ông Lê Phước Thọ từ Viện KSND TP Buôn Ma Thuột, bệnh viện đã họp tổng kết hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Dựa vào quá trình thăm khám, điều trị... các bác sĩ khẳng định ông Thọ không bị sây sát, tổn thương bên ngoài, cho thấy cú té ngã không mạnh. Quá trình chụp phim cơ thể, đầu ông Thọ cũng không thấy tổn thương sọ não hay các tổn thương khác. Việc chụp phim chỉ thấy ông Thọ bị xuất huyết máu bao trong, không hề bị tác động ngoại lực.
“Trong chấn thương sọ não thường phải có tổn thương vỡ sọ não, tụ máu ngoài màng cứng. Vì ông Thọ không bị các dấu hiệu trên nên các bác sĩ mới khẳng định việc xuất huyết não của ông Thọ là do đột quỵ, không có tác động từ vụ tai nạn giao thông. Việc đúng sai như thế nào của vụ án thì không biết, chúng tôi chỉ khẳng định về mặt chuyên môn như thế” - bác sĩ Y Bliu Arul khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Y Bliu Arul, thông thường việc giám định pháp y phải phối hợp với bệnh viện để xem xét trên hồ sơ hoặc thăm khám trên bệnh nhân. Tuy nhiên trong vụ án này, Trung tâm Pháp y tỉnh không liên hệ với bệnh viện.
Sáng cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk để trao đổi thêm về những trái ngược trong kết luận pháp y và công văn 696, ông Từ Công Hiển - giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk - từ chối trả lời.
Giúp Thiện tập trung cho kỳ thi Sáng 25-5, một ngày sau khi ra tù, học sinh Đỗ Quang Thiện đã mặc áo trắng trở lại Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để thi bù học kỳ II và ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay. Những ngày này trường đã nghỉ hè, các bạn cùng lớp đã kết thúc chương trình học nên Thiện được các thầy cô giáo ôn tập riêng. Khi chúng tôi đến, Thiện đang chăm chú làm bài kiểm tra môn tin học. Cô giáo chủ nhiệm Võ Thị Hoàng Anh - người trực tiếp ôn thi cho Thiện môn tiếng Anh - cho biết: “Buổi sáng, bốn thầy cô giáo môn hóa học, sinh học, tiếng Anh, địa lý đã ôn trọng tâm cho Thiện những bài bạn bỏ dở. Rất may là Thiện mất bài cũng không nhiều lắm. Dự kiến trong hai ngày, Thiện sẽ kiểm tra bù học kỳ II xong để bắt tay ngay vào ôn thi tốt nghiệp THPT”. Cùng ngày, thầy Phan Văn Vinh - hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột - cho biết thầy cô giáo ở trường cũng đang tích cực giúp Thiện ôn thi, ổn định tâm lý để có tâm thế tham dự kỳ thi một cách tốt nhất. “Tôi mong báo chí khép lại sự việc đến sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để em Thiện trở về cuộc sống hằng ngày của mình. Có như thế em mới tập trung chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời” - thầy Vinh nhắn gửi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận