Bản chất dòng tiền do bà Trương Mỹ Lan sử dụng
Tại tòa, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết bà Lan có đưa các tài sản như Times Square, An Đông vào Ngân hàng SCB để thực hiện tái cơ cấu.
Theo bà Dung, các khoản vay của nhóm bà Lan về mặt hồ sơ là không sai nhưng thực tế là sai, bởi các hoạt động theo hồ sơ vay đều không có thật.
Ví dụ như Công ty Lavifood có hoạt động kinh doanh nhưng về bản chất dòng tiền là do bà Lan sử dụng. Bị cáo Dung thừa nhận mình sai khi không theo sát dòng tiền nên không biết cụ thể tiền dùng như thế nào.
Theo quy định thì tài sản trên 20 tỉ đồng phải được định giá độc lập, còn đối với các tài sản nhỏ thì bà Lan không chỉ đạo cụ thể là tìm công ty định giá nào. Tuy nhiên, với các dự án lớn như Mũi Đèn Đỏ thì bà Lan chỉ đạo tìm các công ty định giá lớn, uy tín.
Các chỉ đạo của bà Lan đều là chỉ đạo miệng.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) cho biết bà Lan là người đỡ đầu Ngân hàng SCB, có ảnh hưởng đến các quyết định của SCB.
Về ký tự HSTT (ký tự để chỉ các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát) đã hình thành từ trước khi bị cáo tham gia vào ngân hàng.
Bị cáo thừa nhận phê duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo chỉ đạo của bà Lan, đa phần đều có thiếu sót nhưng bị cáo biết là của bà Lan nên phê duyệt.
Theo bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), trong giai đoạn 2012 Chính phủ có chủ trương lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, việc tái cơ cấu đều phải xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện.
Việc tái cơ cấu các khoản nợ vay tại SCB thực chất là do tình hình nợ xấu tăng cao, tài sản thế chấp giá trị thấp, pháp lý lỏng lẻo nên chủ trương là đưa các tài sản có giá trị, pháp lý bảo đảm, gia hạn các khoản nợ...
Bà Trương Mỹ Lan tin có thể giúp SCB tái cơ cấu?
Trả lời các câu hỏi của luật sư, bà Trương Mỹ Lan cho rằng hoàn cảnh khi hợp nhất SCB là khi ba ngân hàng đang bị rút tiền, Nhà nước vận động nhiều doanh nghiệp nhưng không ai dám vào.
Bị cáo từ chối rất nhiều lần nhưng Ngân hàng Nhà nước đề nghị bị cáo cố gắng mua được 65% để ổn định ngân hàng, kêu gọi đối tác (ưu tiên các đối tác nước ngoài...), cho mượn tài sản.
Bị cáo thấy trách nhiệm của mình cũng chỉ cho mượn tài sản, tìm kiếm đối tác nên đồng ý.
“Bị cáo cho mượn khách sạn Windsor trị giá hơn 1 tỉ đô. Bị cáo phải vay mượn dùng hết toàn bộ tài sản gia đình để thực hiện tái cơ cấu, tài sản bị cáo không đủ, bị cáo phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè”, bà Lan trình bày.
Bị cáo Lan nói lúc đó tham gia vì tin mình có thể giúp SCB thực hiện tái cơ cấu, tin với tư duy bất động sản của mình thì có thể tái cơ cấu thành công.
Bà Lan cho biết cũng hiểu nếu tái cơ cấu không thành công thì sẽ mất hết, nhưng vẫn tin rằng mình làm được nên mới mạo hiểm tham gia tái cơ cấu.
Bà Lan mong tòa xem xét nếu bà muốn thâu tóm thì phải đưa toàn bộ người của mình vào quản lý nhưng bà chỉ thực hiện đúng vai trò nhiệm vụ của mình khi hứa tham gia tái cơ cấu, các cổ phần không phải của bà mà còn là của bạn bè bà.
“Để cứu SCB thì phải có nhà đầu tư, nhà đầu tư thì phải có ngân hàng bảo đảm nên bị cáo phải nhận mình là cổ đông của SCB để có sự tin tưởng.
Những tài sản bị cáo đưa vào, rút ra chỉ là nhằm tái cơ cấu SCB”.
Bà Lan mong hội đồng xét xử xem xét lại định giá bất động sản theo giá thị trường, xem xét lại về số tiền quy buộc là chiếm đoạt, gây thiệt hại, xem xét các tội danh quy buộc đối với bà.
Bị cáo vẫn giữ nguyên các cam kết khắc phục hậu quả và đề nghị chuyển 1.000 tỉ đồng của ông Nguyễn Cao Trí cho SCB để khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận