Phóng to |
Căn nhà của bà Võ Thị Hoa (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định) bị sập và đổ nát sau cơn lũ - Ảnh: Duy Thanh |
Trả lời câu hỏi này, giám đốc thủy điện An Khê - Kanak Võ Lũy cho biết lãnh đạo nhà máy có báo cáo nhanh về Tập đoàn Điện lực VN (EVN). “8g sáng 16-11, chúng tôi fax báo cáo khẩn với EVN về sự cố. Quyền hạn của chúng tôi là báo về tập đoàn sớm để tập đoàn báo lên Bộ Công thương chứ không được báo cáo vượt cấp. Đồng thời báo cáo ngay về Sở Công thương Bình Định, do nhà máy nằm trên địa bàn Bình Định. Vừa fax văn bản, chính tôi gọi điện thoại cho giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Kim Phương nói rõ vụ việc và nhờ báo cáo lên UBND tỉnh Bình Định” - ông Lũy nói. Ông Lũy khẳng định “sẽ là dại dột nếu bưng bít thông tin sự cố”.
Giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Kim Phương cho biết đã nhận được thông báo sự cố thủy điện An Khê - Kanak. Đây cũng là thời điểm Bình Định đang ngập sâu trong lũ do nước từ sông Côn và hồ thủy điện Định Bình xả về hạ du. “Thông tin lúc đó chúng tôi tiếp nhận là thủy điện An Khê - Kanak gặp sự cố, tạm dừng hoạt động, không còn xả nước qua tuôcbin về sông Côn. Họ xả lũ trên sông Ba và tất nhiên họ phải thông báo xả lũ với tỉnh Gia Lai và các địa phương hạ du sông Ba” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng giải thích.
Theo ông Lũy, nhận được báo cáo của Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, EVN nhanh chóng điều ngay một nhóm cán bộ kỹ thuật vào giúp đỡ nhà máy khắc phục hậu quả. Cho đến ngày 20-11, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EVN vẫn đang làm việc tại đây.
Giải thích vì sao UBND tỉnh Gia Lai không nhận được báo cáo về sự cố thủy điện An Khê - Kanak bị vùi lấp trong lũ quét, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên cho biết nhà máy nằm trên địa bàn Bình Định nên họ báo cáo cho tỉnh Bình Định. “UBND tỉnh Gia Lai và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Gia Lai có nhận được các bản fax của thủy điện An Khê - Kanak thông báo lưu lượng xả lũ trên sông Ba. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa, họ phải thông báo thôi.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc xả lũ trên sông Ba ngày 15-11 là quá lớn, gây ngập và chia cắt thị xã An Khê nhiều giờ, thời gian thông báo đến khi xả lũ quá ngắn nên chính quyền và người dân không kịp chủ động ứng phó” - ông Liên nói. Thị xã An Khê bị ngập nhiều giờ trong tối 15-11, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường hỗ trợ về những thiệt hại của người dân? “Chúng tôi sẽ làm việc với thủy điện An Khê - Kanak, trước mắt sẽ vận động họ xem xét hỗ trợ ban đầu cho những người dân bị thiệt hại tài sản, hoa màu” - ông Đào Xuân Liên trả lời.
Xác minh danh mục fax của thủy điện An Khê - Kanak làm sáng tỏ một thông tin mới là Phòng kinh tế thị xã An Khê có nhận các bản fax thông báo xả lũ trên sông Ba của thủy điện An Khê - Kanak vào các thời điểm trong ngày 15-11. Chiều qua, trưởng Phòng kinh tế thị xã An Khê Mang Viên Tý cũng nói: “Chúng tôi có nhận được thông báo xả lũ của họ và tôi có báo cáo trực tiếp với chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tâm khi tôi và ông ấy đi kiểm tra lũ ở xã Song An. Ông Tâm lập tức báo qua bên công an thị xã để ngăn người và xe qua lại cầu An Khê, tránh được việc lũ cuốn chết người khi lưu thông qua cây cầu độc đạo này trên quốc lộ 19”.
BẢO TRUNG
Phú Yên không đồng tình xây dựng thủy điện An Khê - Kanak Đại biểu NGUYỄN THÁI HỌC - người đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng - cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 20-11. Ông nói: “Với thủy điện An Khê - Kanak thì trước đây Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên giám sát rồi. Thật ra mà nói ngay từ đầu Phú Yên không đồng tình với việc uốn dòng chảy, chuyển nước từ sông Ba sang sông Côn để xây dựng nhà máy này. Đọc báo phản ánh thủy điện An Khê - Kanak bị lũ vùi, tôi thấy chủ đầu tư, những người quản lý thủy điện này rất thiếu trách nhiệm, thiếu sự tôn trọng đối với chính quyền, nhân dân vùng hạ du trong việc xả lũ ở một thời điểm rất khó khăn. Tôi nghĩ cần phải làm rõ chuyện này. LÊ KIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận