Đó là trường hợp của ông Lâm Văn Tài (60 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 7). Ông Tài là bị can trong vụ án "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" xảy ra ngày 7-6-2019 tại tiệm làm tóc ở khu dân cư Jamona City (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM).
Thợ làm tóc bị thiếu nữ tố sàm sỡ trong lúc gội đầu
Theo hồ sơ vụ án, tối 7-6-2019, em T.T.N.N. (sinh ngày 30-7-2003) đi một mình đến gội đầu tại tiệm làm tóc của ông Tài.
Tại đây, ông Tài trực tiếp gội đầu cho em N.. Sau khi về nhà, N. kể lại cho chị T.T.N.P. (chị gái của N.) rằng trong lúc đang massage vùng vai, gáy thì ông Tài dùng tay sờ soạng cơ thể của N..
Thấy em N. sợ hãi không dám phản ứng, ông Tài định thực hiện hành vi xâm hại tình dục nhưng bị em hất văng xuống đất. Sau đó, N. đứng dậy mặc lại quần áo rồi kêu ông Tài sấy tóc, nhưng ông Tài không làm. Em N. trả tiền công 100.000 đồng cho ông Tài rồi ra về.
Nghe kể lại sự việc, chị P. đến công an trình báo. Tại Cơ quan điều tra Công an quận 7, ông Tài không thừa nhận hành vi dâm ô mà cho rằng chỉ gội đầu, đắp mặt nạ, massage vùng vai cổ trong khoảng 35 phút cho em N..
Kết luận giám định pháp y của Sở Y tế TP.HCM thể hiện "ADN của ông Tài có hiện diện trong mẫu dấu vết trên cổ áo phía trước và mặt trong, mặt ngoài vùng ngực áo dài tay...".
Tháng 9-2020, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, ông Tài cho rằng do ông làm nghề tóc, hai tay phải tiếp xúc trực tiếp lên vùng tóc, mặt, vai, tay của N. nên ADN của ông mới để lại trên áo của khách.
Tuy nhiên, sau đó tòa sơ thẩm đã tuyên phạt ông Tài 9 tháng tù, đồng thời buộc ông này bồi thường 50 triệu đồng theo yêu cầu phía bị hại.
Trước phiên tòa phúc thẩm, Trung tâm pháp y Sở Y tế TP.HCM có văn bản giải thích: "Hành vi bị cáo dùng tay gội đầu, sấy tóc, dùng tay luồng vào tóc bị hại có thể lưu lại tế bào chết. Tuy nhiên, trung tâm không có căn cứ xác định tế bào chết rơi vào vùng nào trên áo của bị hại".
Tháng 12-2021, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án và nhận định lời khai của bị cáo và các văn bản giải thích của các cơ quan giám định như trên là tình tiết mới, nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cùng các văn bản hiện có của cơ quan giám định pháp y thì không đủ căn cứ xác định có hành vi phạm tội hay không. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại.
Cuối năm 2023, ông Tài gửi đơn khắp các cơ quan, ban ngành để kêu oan. Ông Tài cho rằng kể từ ngày bản án sơ thẩm bị hủy thì Công an quận 7 nhiều lần mời ông làm việc (lần làm việc gần nhất là vào ngày 25-8-2022) nhưng từ đó đến nay đã gần hai năm vẫn chưa có kết luận nào.
"Tôi và luật sư đã trực tiếp đến Công an quận 7, Viện Kiểm sát quận 7 vào các ngày 26-10 và 8-11-2023 để yêu cầu làm việc nhưng không được giải quyết, không được cung cấp bất cứ thông tin nào", ông Tài nói.
Cơ quan điều tra khẳng định đã thông báo?
Mới đây, ngày 9-1, trong lúc đang ở nhà thì ông Tài bất ngờ nhận được một bì thư từ nhân viên bưu điện. Bên trong bì thư là văn bản thông báo kết quả giải quyết đơn từ Công an quận 7.
Thông báo đề ngày 5-12-2023 này được thực hiện từ phiếu chuyển đơn của văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM và đơn khiếu nại, kêu oan của ông Tài.
Thông báo thể hiện: "Ngày 8-8-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và quyết định tạm đình chỉ bị can đối với ông Tài với lý do là trước đó đã trưng cầu giám định lại dấu vết sinh học ADN của ông Tài trên quần áo của chị T.T.N.N. ở Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM nhưng chưa có kết quả.
Ngày 29-8-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 đã gửi thông báo về việc trên cho ông Tài qua chuyển phát nhanh bưu cục Phú Mỹ, quận 7".
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, người bào chữa cho ông Lâm Văn Tài, cho rằng ngày 8-8-2022 cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can nhưng đến ngày 29-8-2022 mới gửi thông báo là vi phạm tố tụng.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa.
"Công an quận 7 gửi thông báo việc tạm đình chỉ gửi tới ông Tài qua chuyển phát nhanh bưu cục Phú Mỹ, quận 7.
Nhưng đến nay đã hơn 1 năm 5 tháng kể từ ngày cơ quan điều tra ban hành các quyết định nêu trên nhưng bị can cũng như luật sư của bị can vẫn không nhận được các quyết định này.
Luật quy định việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản", luật sư Nhật nêu quan điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an quận 7 khẳng định cơ quan điều tra đã gửi thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Lâm Văn Tài qua bưu điện.
Còn về thời hạn trả lời kết luận giám định theo quyết định trưng cầu giám định lại, lãnh đạo này nói "phụ thuộc với cơ quan tiến hành giám định" (Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM - PV).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận