Bị hại xin không là bị hại
Theo bản án sơ thẩm, ông Đinh Hồng Hải là giám đốc Công ty Tân Hồng Uy. Cuối năm 2000, Công ty Tân Hồng Uy nhận chuyển nhượng 14.753m2 tại phường Bình An, quận 2, TP.HCM từ Công ty Xây dựng Dầu khí để làm dự án khu nhà ở.
Công ty Tân Hồng Uy đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và ký hợp đồng chuyển nhượng hết 41 lô đất, nhà ở cho 31 hộ dân, đã thu tiền 90-100% giá trị hợp đồng, bàn giao đất cho người mua xây dựng nhà ở.
Sau đó, 41 lô đất được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Tân Hồng Uy.
Mặc dù đã bán đất cho người dân, ông Hải vẫn sử dụng 15/17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng để vay tiền của 5 cá nhân (gồm: ông Trần Đức Tuân, ông Vũ Đăng Phúc, ông Đặng Minh Tú, bà Huỳnh Thị Thanh Thảo, bà Phan Thị Thanh) và Công ty Otran, tổng cộng 264,5 tỉ đồng.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Đinh Hồng Hải mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, ông Hải kháng cáo, xin xem xét lại tội danh. Tuy nhiên, hôm nay, ông Hải bất ngờ xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị tòa phúc thẩm xem xét phần dân sự.
Tại tòa, ông Đinh Hồng Hải cho rằng trước khi bị khởi tố, trong tất cả các buổi làm việc với các bị hại và ngân hàng, bị cáo đều nói nợ là phải trả chứ không trốn tránh.
Đối với các cư dân, khi có giấy báo của ngân hàng, cư dân biết bị cáo nợ ngân hàng và cũng có nhiều buổi làm việc và nói bị cáo xoay tiền để trả cho ngân hàng. Rất tiếc, thời điểm đó tài chính của bị cáo khó khăn nên không giải quyết công nợ được.
Bị cáo Hải cho biết gia đình ông đã thay mặt giải quyết với 1 bị hại là Công ty Otran, nên công ty này đã rút kháng cáo.
Ngoài ra, bị hại Vũ Đăng Phúc cũng cho biết đã thỏa thuận về việc khắc phục một phần thiệt hại với gia đình ông Đinh Hồng Hải và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Hải. Ông Phúc xác định đó là hợp đồng vay mượn giữa ông và ông Hải, nên đề nghị tự thỏa thuận với ông Hải.
Bị hại Huỳnh Thị Thanh Thảo kháng cáo cho rằng mình không phải là bị hại, đề nghị tòa công nhận các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa mình với Công ty Tân Hồng Uy.
Xem xét kiến nghị xử lý hình sự đối với cá nhân thuộc ngân hàng
Đối với các ngân hàng nhận thế chấp từ Công ty Tân Hồng Uy, bản án sơ thẩm cho rằng lãnh đạo, nhân viên BIDV Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp là 15 lô đất thuộc 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty Tân Hồng Uy.
Từ đó dẫn đến không phát hiện các thửa đất đã được chuyển nhượng cho người dân (một số thửa đã xây nhà) trước khi dùng làm tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Tuy nhiên, do các tài sản thế chấp bổ sung có giá trị lớn hơn dư nợ hiện tại của Công ty Otran nên chưa gây thiệt hại cho BIDV Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Do đó, hành vi của các cá nhân nêu trên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tại tòa phúc thẩm, Ngân hàng BIDV vẫn giữ nguyên kháng cáo, BIDV cho rằng chỉ nhận thế chấp đất nên không quan tâm việc có nhà đang xây trên đất.
Còn đối với cán bộ, nhân viên với Agribank, bản án sơ thẩm cũng cho rằng quá trình thẩm định, giải ngân cho Công ty Otran đã làm đúng quy định. Những người nêu trên không biết ông Hải làm giả biên bản họp hội đồng thành viên Công ty Tân Hồng Uy để thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm cho khoản vay của Công ty Otran tại Agribank chi nhánh 4; không biết việc 2 thửa đất này đã được Tân Hồng Uy chuyển nhượng cho bà Trần Thu Hằng và ông Lê Việt.
Do đó, mặc dù dư nợ vay 29,9 tỉ đồng của Công ty Otran đến nay xác định không được bảo đảm bằng tài sản theo hợp đồng thế chấp, nhưng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên.
Sau bản án sơ thẩm, Agribank cũng có kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho Agribank khởi kiện Công ty Otran.
Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng việc cho vay này có thiệt hại. Hội đồng xét xử sẽ xem xét để kiến nghị xử lý hình sự đối với các cá nhân có trách nhiệm trong việc cho vay này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận