11/03/2020 06:27 GMT+7

Vụ thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật: Sở kêu khó xử dứt điểm!

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
THU DUNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện 83 giáo viên sử dụng chứng chỉ, bằng giả để dạy trong các trường đào tạo lái xe. Tại sao những người này đã "qua mặt" Sở GTVT TP.HCM và được cấp giấy chứng nhận giáo viên đào tạo lái xe thực hành?

Vụ thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật: Sở kêu khó xử dứt điểm! - Ảnh 1.

Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới tại số 46 Tản Đà, P.10, Q.5, TP.HCM và Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát bị phát hiện có 38 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - về vấn đề trên cũng như công tác xử lý, chấn chỉnh đào tạo sát hạch giấy phép thời gian tới ra sao... 

Ông An cho biết nhu cầu học lái xe của người dân TP.HCM rất lớn. Năm 2018 và 2019, Sở đã cấp hơn 1 triệu giấy phép lái xe, chiếm tỉ lệ khoảng 23% giấy phép của cả nước. Nhu cầu như trên cũng gây áp lực rất lớn đối với sở trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Thời gian tới, sở tiếp tục giám sát các trường, cơ sở sai phạm, có thể rút giấy phép nếu tái phạm.

Ông Bùi Hòa An

Quản lý bằng cấp giáo viên chưa chặt

* Nhu cầu cấp giấy phép lái xe tăng có khiến các cơ sở đào tạo tuyển giáo viên dạy lái xe ồ ạt, bất chấp chất lượng?

- Đến nay, tại TP.HCM có 73 cơ sở dạy lái xe, trong đó có 56 cơ sở dạy lái xe ôtô và 17 cơ sở dạy lái xe môtô, với 6.576 giáo viên dạy thực hành. Những năm trở lại đây, nhu cầu học lái xe tăng đột biến, số lượng các cơ sở đào tạo lái xe lại bị hạn chế do quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe 2016-2020 của Bộ GTVT (hiện nay đã được bãi bỏ). 

Việc này dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo lái xe bị quá tải. Áp lực bổ sung đội ngũ dạy thực hành lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhiều cơ sở dạy lái xe buông lỏng công tác xác minh, rà soát đối với đội ngũ giáo viên.

* Liệu đó có phải là lý do lọt sổ 83 giáo viên xài bằng giả nộp cho Sở GTVT TP để được cấp chứng chỉ dạy lái xe thực hành?

- Theo quy định, việc tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên dạy lái xe do các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu để chủ động thực hiện. Sở GTVT TP là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn giáo viên do cơ sở đào tạo đề xuất. Từ đó, sở căn cứ các quy định để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy lái.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành không yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức xác minh đối với các văn bằng chứng chỉ của giáo viên. Do đó, giáo viên trước tiên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu họ thiếu ý thức, có chủ đích xài bằng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhưng sở cũng sớm nhận thấy nhiều điểm không ổn nên đã gửi văn bản đến các trường ghi trong văn bằng chứng chỉ đề nghị xác nhận tính xác thực của các bằng cấp. Qua trả lời của các trường, hai năm qua các đơn vị phát hiện thu hồi một số bằng cấp giả, không đúng quy định, đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo chấn chỉnh, siết chặt kiểm tra.

Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng chỉ được một phần nào đó; mặt khác, khi gửi hồ sơ xác minh nhiều cơ sở có tỉ lệ phản hồi rất thấp. Trong khi đó, vấn nạn mua bán bằng cấp giả lại tràn lan trên mạng, bản thân tôi cũng nhiều lần nhận được tin rao bán bằng cấp. Suốt hai năm nay, tháng nào sở cũng gửi văn bản đề nghị công an hỗ trợ điều tra các đường dây mua bán bằng giả nhưng thực sự rất khó xử lý dứt điểm.

* Liệu giáo viên xài bằng giả có đào tạo được học viên chất lượng?

- Vấn đề thâm niên, kinh nghiệm là một yếu tố cốt lõi để người giáo viên dạy thực hành truyền đạt kỹ năng lái xe cho học viên. Chính vì quan điểm đặt nặng kỹ năng dạy thực hành lái xe như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo dường như xem nhẹ đối với các tiêu chuẩn khác của người giáo viên.

Thực tế hiếm có ai có bằng cao đẳng trở lên mà đi dạy lái xe, trong khi đó có những người họ thiếu một số chứng chỉ nhưng lại rất giỏi về kỹ năng lái xe, truyền đạt cho người khác. Ví dụ bằng trung cấp, cao đẳng họ đáp ứng đủ, nhưng lại thiếu bằng tin học... nên họ đi mua giấy tờ giả để đầy đủ hồ sơ mà trường yêu cầu. Như 83 giáo viên sử dụng bằng cấp giả mới phát hiện vừa qua, họ đã mua một số loại giấy tờ như trên.

Vụ thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật: Sở kêu khó xử dứt điểm! - Ảnh 3.

Đồ họa: Tấn Đạt

Rút giấy phép nếu sai phạm lần 2

* Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị chuyển cơ quan điều tra vụ các giáo viên xài văn bằng, chứng chỉ giả. Sở GTVT TP có được công an nhờ hỗ trợ việc này?

- Việc phối hợp điều tra là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo có giáo viên sử dụng bằng cấp giả. Sở GTVT TP sẽ hỗ trợ khi được cơ quan công an yêu cầu. Hiện nay, sở chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ việc này.

* Liệu có thu hồi giấy phép các trường đào tạo sử dụng giáo viên có bằng giả, nhằm chấn chỉnh chất lượng đào tạo lái xe?

- Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, sở đã đình chỉ tuyển sinh đối với 5 trường có 83 giáo viên xài bằng giả với thời hạn 2 tháng và phạt 4 triệu đồng/cơ sở. Hết hạn đình chỉ, sở sẽ tiếp tục kiểm tra các điều kiện về đào tạo, nếu đạt mới cho tuyển sinh trở lại. Sở sẽ buộc các trường hạ số lượng học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo, sau khi cho thôi việc nhiều giáo viên xài bằng giả. Theo nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, các cơ sở đào tạo sẽ bị tước giấy phép đào tạo nếu vi phạm 2 lần trong vòng 18 tháng.

* Quá trình sát hạch có để "lọt" cửa học viên kém chất lượng?

- Trên thực tế, khâu sát hạch do hội đồng sát hạch của Sở GTVT TP thành lập. Hiện nay, khâu sát hạch đã được siết chặt, từ đó hai năm qua tỉ lệ thi đậu bằng lái giảm. Cụ thể, thi bằng lái xe hai bánh đạt từ 75 đến 78%, xe bốn bánh tầm 62 đến 65% so với các năm trước. Dù quá trình học của học viên như thế nào, khi sát hạch muốn đậu cũng phải đảm bảo kiến thức theo quy định.

Chúng tôi khẳng định hiện nay quá trình sát hạch được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Tất cả các phòng sát hạch, phương tiện đều được gắn camera, được truyền trực tiếp đến phòng chờ cho các thí sinh khác giám sát. Dữ liệu hình ảnh còn chuyển trực tiếp về trung tâm giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở ngành theo dõi, giám sát. Như vậy, kể cả người dân cũng có thể giám sát các khâu thi cử, sát hạch lái xe nhằm hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra.

* Từ việc khó khăn xác minh văn bằng giả, ông có kiến nghị gì?

- Khó khăn nhất là việc phối hợp xác minh bằng cấp, có đến 80% gửi đi không được phản hồi. Thế nhưng, do nhu cầu sát hạch lái xe ở các trung tâm đào tạo lái xe, đến đúng thời hạn phải tổ chức tuyển sinh, đào tạo mới dẫn đến những vấn nạn vừa qua.

Trong tháng 3-2020, sở sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát lại tổng thể quá trình hoạt động của các trường. Đây là hoạt động hỗ trợ các cơ sở dạy lái xe bởi vì họ không đủ khả năng xác minh giáo viên của mình.

Quy trình cấp chứng chỉ giáo viên dạy thực hành lái xe

Đầu tiên, cơ sở đào tạo tuyển giáo viên, học viên. Tiếp theo, cơ sở đào tạo kiểm tra và xác minh tính hợp lệ bằng cấp, hồ sơ để gửi qua Sở GTVT TP. Sở GTVT tiếp tục kiểm tra và xác minh hồ sơ. Nếu đạt yêu cầu, cho học viên tham gia chương trình tập huấn. Sau tập huấn nếu đạt sẽ được sở cấp chứng chỉ giáo viên dạy thực hành. Như vậy, các giáo viên sau khi có chứng chỉ mới được đi dạy tại cơ sở đào tạo lái xe.

Thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật! Thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật!

TTO - Chuyện lạ này đang xảy ra tại các trường đào tạo lái xe ở TP.HCM vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố từ kết quả xác minh theo đơn tố cáo. Các đơn vị đào tạo và cấp bằng lái xe nói gì về việc này?

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp