12/03/2019 09:49 GMT+7

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm giả hồ sơ, bán động cơ sai công suất

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Cơ quan điều tra kết luận vụ tàu vỏ thép của ngư dân bị hỏng hóc nằm bờ gây bức xúc dư luận thời gian qua nguyên nhân là do giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát đã làm giả hồ sơ, cung cấp động cơ sai công suất.

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm giả hồ sơ, bán động cơ sai công suất - Ảnh 1.

Những con tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ khiến nhiều ngư dân điêu đứng - Ảnh: T.L.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" liên quan đến việc tàu vỏ thép của ngư dân bị hỏng hóc, nằm bờ. Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Lê Hoàng Phong - giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Gia Phát (Công ty Hoàng Gia Phát).

Bán máy tàu không đúng công suất

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2015-2016, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, trụ sở tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã ký hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép theo nghị định 67 của Chính phủ cho 23 chủ tàu. Trong đó có 20 tàu tại Bình Định và 3 tàu tại Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Thanh Hóa.

Từ tháng 5-2015 đến tháng 3-2016, đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - đã ký 5 hợp đồng mua từ Lê Hoàng Phong - giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát - 13 máy tàu hiệu Mitsubishi, 2 máy hiệu Cummins KTA19 và 21 máy phát điện với tổng trị giá hơn 43 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Phong đã yêu cầu Nguyễn Ngọc Phú (nhân viên làm thời vụ) tìm đối tượng để làm giả các mẫu hồ sơ máy. Sau khi có hồ sơ giấy tờ giả này, ông Phong đã chỉnh sửa, bổ sung thông tin về công ty nhập khẩu máy, thông số kỹ thuật máy, làm giả tờ khai hải quan cho phù hợp với hợp đồng cung cấp máy móc cho Công ty Nam Triệu.

Cơ quan điều tra xác định ông Phong đã làm giả nhãn mác để cung cấp 15 máy động cơ cho Nam Triệu và hưởng lời bất chính gần 2 tỉ đồng.

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm giả hồ sơ, bán động cơ sai công suất - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Phong trong một cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định đã lớn tiếng quy chụp do ngư dân không biết vận hành mới xảy ra sự cố hư máy - Ảnh: Nongnghiep.vn

Tại cơ quan điều tra, ông Phong khai mục đích làm giả hồ sơ là do tìm kiếm tại thị trường Việt Nam không có các loại máy tàu đúng như hợp đồng với Công ty Nam Triệu. Nếu nhập từ nước ngoài không đảm bảo thời gian giao hàng nên ông Phong tìm mua loại động cơ có công suất không đúng như hợp đồng, sau đó làm giả hồ sơ, nhãn mác thay đổi công suất máy để cung cấp cho Nam Triệu.

Hậu quả vụ việc đã làm cho nhiều tàu cá lắp máy không đúng công suất và bị hỏng hóc. Công ty Nam Triệu đã phải chi gần 7 tỉ để thay máy mới cho 12 tàu cá lắp động cơ mua từ Công ty Hoàng Gia Phát.

Kết luận điều tra xác định bị can Phong đã làm giả 30 tài liệu hồ sơ để thực hiện hợp đồng với Công ty Nam Triệu nên cấu thành tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Chi cho tổng giám đốc Công ty Nam Triệu hàng chục tỉ?

Theo kết luận điều tra, bị can Phong từng khai đưa cho đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - một số khoản tiền. Cụ thể, đầu tháng 5-2015, trước khi thỏa thuận và ký hợp đồng cung cấp máy móc cho Công ty Nam Triệu tại nhà khách Phương Nam (Bộ Công an), ông Phong đã gặp và đưa cho ông Oanh 250 triệu đồng với lý do quà tặng đối tác để hợp tác làm ăn kinh doanh.

Quá trình thỏa thuận, ký kết hợp đồng, bị can Phong thống nhất với ông Oanh nâng giá hợp đồng so với giá thực tế mua bán máy móc. Sau đó ông Phong chuyển cho ông Oanh tiền chênh lệch gần 12,5 tỉ đồng.

Trong đó có hơn 5 tỉ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân kế toán trưởng Công ty Nam Triệu và hơn 7 tỉ ông Phong đưa trực tiếp cho ông Oanh thành nhiều lần, tại nhiều nơi. Ông Phong không nhớ thời gian xảy ra sự việc, đưa tiền không có biên nhận và không có người chứng kiến.

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm giả hồ sơ, bán động cơ sai công suất - Ảnh 3.

Toàn bộ máy tàu hư hỏng dưới tàu vỏ thép của ngư dân ở Bình Định được tháo ra sửa chữa - Ảnh: THÁI THỊNH

Cũng theo lời khai, sau khi xảy ra sự cố tàu vỏ thép của ngư dân hỏng hóc phải nằm bờ, ông Phong còn 4 lần đưa tiền cho tổng giám đốc Công ty Nam Triệu để khắc phục hậu quả và giúp mình không bị xử lý hình sự. Tổng số tiền bị can Phong khai đưa cho ông Oanh khoảng 15 tỉ đồng. Việc đưa tiền này cũng không có biên nhận, không có người chứng kiến.

Tuy nhiên trong quá trình điều tra, bị can Phong lại thay đổi lời khai, khẳng định không thỏa thuận với ông Oanh nâng giá trị hợp đồng mà tự làm những việc trên là vì lợi nhuận. Ông Phong cũng phủ nhận lời khai trước đây về việc chuyển các khoản tiền cho ông Oanh.

Theo kết luận điều tra, trước đây vì muốn lôi kéo ông Đặng Ngọc Oanh là cán bộ công an cao cấp cùng vào sự việc để cơ quan chức năng cân nhắc không xử lý hình sự nên ông Phong đã khai không đúng về việc đưa cho tổng giám đốc Công ty Nam Triệu các khoản tiền 250 triệu và gần 12,5 tỉ đồng. Cũng vì muốn chứng minh đã góp tiền khắc phục hậu quả để giảm nhẹ trách nhiệm bản thân nên ông Phong đã khai đưa 15 tỉ khắc phục sự cố cho ông Oanh.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh và kết luận không có căn cứ xác định ông Đặng Ngọc Oanh đã nhận các khoản tiền từ Lê Hoàng Phong như lời khai trước đây của bị can này.

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm giả hồ sơ, bán động cơ sai công suất - Ảnh 4.
Công ty đóng tàu kiện ngược lại chủ tàu vỏ thép

TTO - Công ty đóng tàu đã kiện ngược chủ tàu vỏ thép cũng như yêu cầu phải trả số tiền còn thiếu, lãi phạt do chậm thanh toán. Vụ việc xảy ra ở Quảng Nam.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp