Kiểm tra máy trên tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Lý (Bình Định) - Ảnh: THÁI THỊNH |
Mấy ngày qua, lãnh đạo Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát, trụ sở TP.HCM) đã đến từng nhà ngư dân là chủ ở Bình Định để năn nỉ, thuyết phục họ sửa chữa cải hoán chiếc máy được cho là không đúng chủng loại đã lắp vào tàu.
Sửa máy cũ, hứa đưa thêm tiền
Ông Nguyễn Chí Công - phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định cho biết sáng 15-6, bà Nguyễn Thị Sinh, vợ ông Lê Hoàng Phong (giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát) đã đi cùng 5 chủ tàu vỏ thép đến gặp ông xin được sửa chữa máy tàu để đi biển.
Cả 5 tàu này đều do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) đóng.
Ông Công cho biết bà Sinh nói nếu thay toàn bộ 9 máy thủy Mitsubishi mới như trong cam kết thì Công ty Hoàng Gia Phát không đủ khả năng vì đang bị ngân hàng phong tỏa, do vậy xin được sửa chữa, cải hoán máy hiện tại để dân đi biển.
“5 chủ tàu vỏ thép được bà Sinh thuyết phục nên có vẻ xuôi lòng, đề nghị UBND huyện cho Công ty Hoàng Gia Phát sửa chữa máy. Nhưng tôi cương quyết không đồng ý” - ông Công cho hay.
Ông Trương Hoài Khánh, chủ tàu BĐ 99279 TS ở TP Quy Nhơn, cho biết: “Bà Sinh cam đoan công ty sẽ lắp ráp các bộ phận đảm bảo máy hoạt động như máy thủy, sau khi lắp xong sẽ tăng thời gian bảo hành thêm 1 năm nữa.
Bà ấy nói máy hiện nay là 2,5 tỉ đồng, còn máy mới định thay là 2,7 tỉ đồng, sau khi sửa máy cũ xong, trừ tiền mua thiết bị, còn khoảng trên 100 triệu/máy, Công ty Hoàng Gia Phát sẽ gởi vào ngân hàng để giảm bớt nợ cho tôi...”.
Đại diện Hãng Mitsubishi kiểm tra máy tàu vỏ thép của ông Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - Ảnh: D.THANH |
“Nam Triệu phải chịu trách nhiệm”
Theo ông Hà Ngọc Tân - phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), ngư dân ký hợp đồng trọn gói đóng con tàu với Công ty Nam Triệu nên công ty này có trách nhiệm.
Công ty Hoàng Gia Phát có đền máy mới cho dân không thành vấn đề, mà bên phải đền vì làm sai hợp đồng là Công ty Nam Triệu.
“Mấy hôm trước tôi có điện thoại cho anh Oanh (đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu) đề nghị công ty phải ra văn bản cam kết thay máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho dân như trong hợp đồng, vì công ty đã lắp máy không đúng chủng loại, gây thiệt hại cho dân.
Ông ấy cũng đã hứa rồi nhưng đến giờ tôi chưa nhận được văn bản đó của Công ty Nam Triệu” - ông Tân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - thẳng thắn: “Việc Công ty Hoàng Gia Phát tiếp xúc riêng, thuyết phục ngư dân cho sửa chữa, cải hoán máy đã lắp không đúng chủng loại là sai.
Dù Công ty Hoàng Gia Phát có cam kết thay máy mới, nhưng tỉnh không biết công ty này, chỉ biết ngư dân ký hợp đồng đóng tàu với Công ty Nam Triệu nên Nam Triệu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Cũng theo ông Châu, sau khi có kết luận thẩm định độc lập và ý kiến của UBND tỉnh, nếu xác định những chiếc máy đã lắp vào các con tàu vỏ thép của ngư dân mà không đúng chủng loại, dùng máy bộ lắp thay cho máy thủy thì Công ty Nam Triệu phải ngay lập tức thay thế cho dân, không được để trì hoãn, kéo dài, rất ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, chuyện trả nợ ngân hàng của dân.
Bị kiện vì bán máy phát điện không đúng hợp đồng Không chỉ cung cấp máy tàu cá “không phải hàng chính hãng”, Công ty Hoàng Gia Phát còn bán máy phát điện không đúng như hợp đồng và bị một đối tác ở TP.HCM kiện ra tòa, đến nay vẫn chưa chịu thi hành án. Ngày 3-6-2016, Công ty VB (trụ sở tại Q.3, TP.HCM) ký hợp đồng mua của Công ty Hoàng Gia Phát một tổ hợp máy phát điện diesel hiệu Cummins HC880SE công suất 800 kVA gồm động cơ xuất xứ từ Ấn Độ và đầu phát điện Stamford do Anh sản xuất. Theo hợp đồng, toàn bộ tổ hợp máy phát điện và phụ kiện mới 100%. Theo giao kết, Công ty VB phải thanh toán đợt 1 cho Công ty Hoàng Gia Phát gần 790 triệu đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng. Trong vòng 55-60 ngày sau khi nhận được tiền đợt 1, Công ty Hoàng Gia Phát phải giao máy phát điện cho bên mua. Sau khi Công ty VB chuyển tiền đợt 1 ngày 27-7-2016, quá thời hạn quy định nhưng Công ty Hoàng Gia Phát vẫn trì hoãn việc giao máy. Đến tháng 1-2017, do bên bán vẫn không tiến hành giao hàng nên Công ty VB gửi thông báo chấm dứt hợp đồng và khởi kiện Công ty Hoàng Gia Phát tại TAND quận 2. Đến đây thì Công ty Hoàng Gia Phát mới đề nghị thương lượng và ký phụ lục hợp đồng về việc giao hàng, theo đó Hoàng Gia Phát chấp nhận chịu phạt 8%. Đồng thời hai bên thống nhất mời Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) giám định chất lượng máy. Kết quả giám định của Quatest 3 cho thấy máy mà Công ty Hoàng Gia Phát định giao cho Công ty VB “không đạt công suất danh định được công bố theo máy 800/880 kVA”. Đặc biệt, theo Quatest 3, do Công ty Hoàng Gia Phát không cung cấp đầy đủ các giấy tờ về nhập khẩu nên không đủ căn cứ để đánh giá tình trạng mới - cũ của máy. Công ty VB từ chối nhận hàng, đồng thời đề nghị TAND quận 2 giải quyết vụ kiện dân sự theo thủ tục quy định. Ngày 4-4-2017, TAND quận 2 ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành giữa hai bên. Theo đó, Công ty Hoàng Gia Phát có trách nhiệm trả cho Công ty VB hơn 933 triệu đồng, bao gồm tiền đã tạm ứng 40% và tiền phạt 8% giá trị hợp đồng. Việc trả tiền được chia làm ba lần với thời hạn cuối cùng là ngày 14-7-2017. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, đại diện Công ty VB cho hay đến nay đã quá thời hạn trả tiền lần thứ hai (ngày 30-5-2017) nhưng phía Công ty VB vẫn chưa nhận được đồng nào từ Công ty Hoàng Gia Phát. Ngày 15-6, phóng viên Tuổi Trẻ nhiều lần gọi điện thoại cho ông Lê Hoàng Phong - giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát - để tìm hiểu thêm thông tin nhưng không liên lạc được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận