Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo 6 bị cáo, gồm: bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group), Hồ Phương Quỳnh, Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Nguyễn Quốc Việt, Phùng Thị Dương, Hoàng Hà Anh.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đề nghị phương án khắc phục
Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga cho biết khi làm việc với cơ quan điều tra về một vụ án khác ở Tây Ninh, cơ quan điều tra xác định có một khoản tiền khoảng 33 tỉ đồng tiền mặt của bị cáo Nga là hợp pháp. Cơ quan điều tra hỏi ý kiến bị cáo về việc xử lý số tiền này như thế nào.
Theo bị cáo Nga, đến nay vụ án ở Tây Ninh chưa có kết luận giám định xác định thiệt hại. Tuy nhiên dựa trên giá trị hàng hóa thì thiệt hại của vụ án này chưa đến 10 tỉ, còn hơn 23 tỉ, bị cáo Nga đề nghị cơ quan điều tra cho chuyển số tiền này về cơ quan thi hành án TP.HCM để khắc phục cho vụ án này.
Bên cạnh đó, trong vụ Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo Nga có một khoản tiền 2,6 tỉ đồng và đề nghị chuyển cho cơ quan thi hành án ở TP.HCM để thi hành án.
Về phần dân sự, bị cáo Nga cũng đề nghị tòa triệu tập đại diện Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế.
Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Ngọc Hồng Phúc cũng từ chối luật sư được tòa chỉ định và xin hoãn phiên tòa để mời luật sư. Bị cáo này và hai bị cáo khác là Hồ Phương Quỳnh, Phùng Thị Dương cũng có đơn xin khắc phục hậu quả.
Hoãn phiên phúc thẩm tới cuối tháng 7, đầu tháng 8
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm để chờ văn bản trả lời của Hội đồng định giá của Bộ Y tế.
Việc bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trình bày về số tiền 23 tỉ trong vụ án ở Tây Ninh và 2,6 tỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, HĐXX cho biết sẽ mở lại phiên tòa vào khoảng cuối tháng 7-2023 - đầu tháng 8-2023, đề nghị luật sư và bị cáo liên hệ các cơ quan tiến hành tố tụng để yêu cầu kê biên đủ số tiền thiệt hại trong vụ án, còn phần tiền dư thì để khắc phục cho vụ án này.
HĐXX cho biết nếu số tiền đó được dùng để khắc phục cho vụ án này thì gần như hậu quả của vụ án đã được khắc phục hết.
HĐXX cũng lưu ý các bị cáo Phúc, Quỳnh, Dương rằng bản án sơ thẩm chỉ buộc một mình bị cáo Nga bồi thường, nên các bị cáo nộp tiền khắc phục thì xem như các bị cáo khắc phục thay bị cáo Nga. Và khi nộp phải ghi rõ là khắc phục thay cho bị cáo Nga.
Ngoài ra, việc nộp khắc phục thiệt hại không đương nhiên với việc được giảm án mà việc này sẽ do HĐXX xem xét, đánh giá.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đề nghị HĐXX mở phiên tòa sau ngày 15-9-2023 vì ngày 15-9 là ngày kết thúc điều tra vụ án ở Tây Ninh. HĐXX cũng cho biết sẽ xem xét việc này nhưng thời hạn tố tụng không cho phép hoãn phiên tòa dài ngày như vậy.
Theo nội dung vụ án, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2019, Sở Y tế Cần Thơ là chủ đầu tư thực hiện bốn gói thầu, tổng trị giá 89,9 tỉ đồng.
Các bị cáo Bùi Thị Lệ Phi - giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, Cao Minh Chu - phó giám đốc sở, và các bị cáo là cán bộ, nhân viên Sở Y tế Cần Thơ đã có hành vi không đảm bảo công bằng minh bạch, lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo mọi điều kiện để Công ty NSJ, Công ty Bình An được tham gia và trúng thầu.
Từ tháng 5-2011 đến tháng 12-2019, với vai trò là giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, trực tiếp quản lý vốn của Nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi bàn bạc, thống nhất với Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group) để các công ty của Nga trúng thầu với giá thiết bị do Nga đưa ra, gây thiệt hại cho Nhà nước 32,6 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Hoàng Thị Thúy Nga và bà Bùi Thị Lệ Phi (cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ) 8 năm tù; ông Cao Minh Chu, cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, 7 năm tù. Các bị cáo còn lại có mức án từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Công ty NSJ, Công ty Bình An chịu trách nhiệm bồi thường cho Sở Y tế thành phố Cần Thơ số tiền đã gây thiệt hại là 27 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận