Chiều 12-3, phiên tòa xét xử kỳ án "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ của ba ngân hàng và nhiều cá nhân tiếp tục phần thẩm vấn.
Trợ giúp vì 'siêu lừa' là khách hàng VIP
Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Hà Thành câu kết cùng một số cựu cán bộ Ngân hàng VietABank (VAB) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là ngân hàng được xác định bị "siêu lừa" chiếm đoạt nhiều nhất với số tiền hơn 273 tỉ đồng, trong tổng số hơn 430 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định khoảng năm 2016, bị cáo Thành làm ăn thua lỗ, nợ 80 tỉ đồng. Sau đó Thành vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước. Bị cáo trả nợ đúng hạn, tạo lòng tin với người cho vay, trở thành khách VIP của nhiều ngân hàng.
Khi mất khả năng thanh toán nợ, Thành bắt đầu dàn dựng 26 vụ lừa đảo.
Tại VietAbank, Thành bị cáo buộc móc nối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (cựu trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, phòng giao dịch Đông Đô - VAB) và Quản Trọng Đức (cựu trưởng phòng giao dịch Đông Đô).
Thành thống nhất với Hương và Đức sẽ cùng người đồng sở hữu gửi tiết kiệm số lượng tiền lớn vào Ngân hàng VAB. Nhưng ngay sau khi gửi tiền, Thành sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm này để vay lại tiền của ngân hàng.
Khi Thành đề nghị gửi tiền, Thu Hương chỉ đạo giao dịch viên in, ký trước các hồ sơ để thủ tục được nhanh gọn hoặc ký khống chứng từ nộp tiền khi Thành còn chưa nộp tiền. Cùng với đó, Đức phổ biến với các nhân viên VAB rằng Thành "là khách hàng VIP" nên phải hỗ trợ tối đa.
Tại tòa, bị cáo Thu Hương thừa nhận thủ đoạn trên được thực hiện nhiều lần, với mục tiêu duy nhất là làm hài lòng khách hàng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chi nhánh.
"Thành là khách VIP do bị cáo chăm sóc, bị cáo có nhiệm vụ trợ giúp. Bản chất việc Thành vay tiền khách hàng khác chỉ diễn ra trong ngày, thậm chí vài giờ", bị cáo khai.
Thu Hương cũng cho hay để trấn an các đồng sở hữu, bị cáo đã lập các giấy xác nhận phong tỏa tài khoản, mục đích để họ yên tâm đi về và nghĩ rằng không ai ngoài họ rút được tiền.
Tuy nhiên, cáo buộc xác định các sổ tiết kiệm của khách sau đó đều bị Thành giả chữ ký để vay tiền Ngân hàng VAB. Hương và đồng phạm tại VietABank đều biết điều này nhưng vẫn giúp sức.
Bị cáo Thu Hương khai nhận thức hành vi của mình là sai, tuy nhiên bị cáo làm theo sự chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên là bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu trưởng phòng khách hàng cá nhân phòng giao dịch Đông Đô).
"Không dại gì lừa đảo tiền của chính mình"
Trả lời thẩm vấn sau đó, bị cáo Quỳnh Hương kêu oan và cho biết không biết việc bị cáo Thành và Thu Hương bàn bạc, lập kế hoạch.
"Chính bị cáo cũng tự bỏ tiền vào sổ tiết kiệm, góp với khách để cho Thành vay. Bị cáo không dại gì đi lừa đảo tiền của chính mình", nữ bị cáo khẳng định.
Bị cáo thanh minh, với chức danh trưởng phòng khách hàng cá nhân, bị cáo không thực hiện bất cứ giao dịch gì với khách, mà chỉ huy động, tìm khách hàng, không biết khách nào có bao nhiêu tiền.
"Bị cáo cũng như nhân viên của bị cáo, không có trách nhiệm gặp khách hàng hay thẩm định hồ sơ vay vốn, bộ phận khác làm", Quỳnh Hương nói.
Đối chất tại tòa, đại diện của một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho hay không biết Hà Thành là ai, cũng chưa từng gặp.
Người đại diện cho hay Quỳnh Hương là người gọi điện, nói Thành làm ăn lớn, có nhiều dự án đầu tư bất động sản. Sau đó Quỳnh Hương đề nghị cho Thành mượn sổ tiết kiệm 25 tỉ đồng để chứng minh năng lực tài chính.
Do tin tưởng Quỳnh Hương, lại muốn mở rộng quan hệ với Hà Thành để mua nhà đất giá ưu đãi sau này nên người này đồng ý, vì "tưởng nếu mượn sổ để chứng minh tài chính thì tiền vẫn nguyên trong đó nên yên tâm".
Hiện sổ tiết kiệm hơn 22 tỉ đồng của người này bị ngân hàng phong tỏa chiều rút, trong khi lãi suất đổ về mỗi năm chỉ 1%. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này đề nghị VietABank đền bù thiệt hại.
Đối chất lời khai trên, Quỳnh Hương phân trần, khách hàng này đúng là do mình giới thiệu cho Thu Hương, tuy nhiên toàn bộ việc giao dịch, mở sổ tiết kiệm đều do Thu Hương làm.
Được gọi lên đối chất, bị cáo Thành cho hay toàn bộ giao dịch đều thực hiện với Thu Hương.
"Các chị ấy sau đó làm việc với nhau thế nào tại ngân hàng, bị cáo không biết. Bị cáo chỉ quan tâm có vay được tiền hay không, không quan tâm các chị ấy làm thế nào".
"Vậy tại sao trong giai đoạn điều tra, bị cáo khai gặp cả Quỳnh Hương và Thu Hương tại quán cà phê để bàn bạc kế hoạch?", viện kiểm sát liền chất vấn.
Thành đáp: "Bị cáo nhớ nhầm, bây giờ nhớ lại, xin khai lại".
Ngày mai (13-3), phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận