Chiều ngày 28-3, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Shopee đã lên tiếng giải thích về chính sách hoàn tiền 15 ngày mà sàn này vừa áp dụng từ đầu tháng 3, gây ra nhiều phản ứng những ngày qua.
Người bán nhẹ nhõm... khi tiền về
"Khoảng 1/3 số tiền của tôi bị giữ hơn 15 ngày đã được hoàn về. Mặc dù chưa được hoàn hết nhưng con số 1/3 cũng "an ủi" tinh thần những người bán như tôi. Vì ít nhất mình lên tiếng được Shopee lắng nghe. Tôi mong sắp tới Shopee sẽ có điều chỉnh mới để công bằng cho người bán, bảo vệ người mua, bảo vệ uy tín của sàn, tức là công bằng trong môi trường kinh doanh online" - anh Tuấn (chủ shop quần áo) cho hay.
Cũng vui mừng vì được hoàn gần 100 triệu đồng, chị K.H. (gồm 2 shop mỹ phẩm và quần áo) cho biết chị ngủ sớm nên không biết tiền về tài khoản, nhưng vào mạng xã hội thấy mọi người chia sẻ. "Kiểm tra lại, tôi được hoàn gần 100 triệu đồng, còn hơn 200 triệu đồng nữa. Nhưng như thế cũng vui rồi. Cũng giống như bạn mua hàng trực tiếp, ít nhiều phải đưa chứ mua nợ hoàn toàn thì làm sao vui vẻ bán buôn cho được", chị K.H. nói.
Theo chị K.H., dù không ngại chính sách giữ hàng 15 ngày để khách trải nghiệm nhưng Shopee phải hoàn tiền cho người bán sau khi người mua hài lòng, thanh toán tiền cho shop trong thời gian sớm nhất, như các sàn khác, chứ không "giam" tiền của nhà bán hàng quá lâu như thời gian qua.
Tương tự, nhóm "Shopee - chia sẻ kinh nghiệm bán hàng nghìn đơn" trên Facebook cũng có nhiều tài khoản chia sẻ cảm xúc vui vẻ khi tiền về. "Giữ tiền thì ghét cay ghét đắng, giờ nhả nhả tí thì lại thấy yêu anh S quá hà", quản trị viên nhóm này đăng dòng trạng thái.
Trước đó, như Tuổi Trẻ phản ánh, trong khi nhiều người mua hàng lên tiếng ủng hộ chính sách kéo dài thời gian đổi trả hàng của Shopee, nhiều nhà bán hàng lại bức xúc cho biết đã bị sàn này giữ tiền quá lâu. Bạn đọc Tung cho biết: "Shopee còn nợ tiền hoàn của tôi mấy trăm mà khiếu nại 4-5 lần chưa trả kìa. Lần nào cũng trả lời sẽ hoàn tiền vào tài khoản trong vòng 3-5 ngày làm việc mà gần 3 tháng rồi chưa thấy tiền đâu".
Trong khi đó, bạn đọc Kelly cho rằng: "Việc giam vốn không cần thiết phải giam đến 15 ngày, chỉ dành cho một số mặt hàng thôi như đồ công nghệ điện tử, máy móc rẻ tiền mà shop không bảo hành thì nên lâu lâu chút".
Điều chỉnh chính sách
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chính sách mới, đại diện Shopee cam kết các chính sách mới nhằm tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bán. Theo sàn này, với những nhà bán hàng có lịch sử kinh doanh tốt và đều đặn trên sàn, chính sách này không ảnh hưởng đến thời gian nhận được tiền và kinh doanh.
"Riêng với các nhà bán hàng còn lại, chúng tôi luôn có những quy trình lắng nghe và điều chỉnh chính sách phù hợp để hỗ trợ các nhà bán hàng kinh doanh một cách tốt nhất ở trên Shopee", sàn này nhấn mạnh. Cũng theo đại diện Shopee, dù quy định tăng thời gian trả tiền cho người bán, nhưng đến nay đại đa số người bán đều nhận được tiền đơn hàng sớm hơn 15 ngày.
Trong khi đó, đây là chính sách gây phản ứng nhiều nhất những ngày qua, khi người bán cho rằng việc "giam" tiền lâu hơn kèm nhiều quy định tính ngày khiến tiền của người bán về tài khoản lâu, có dấu hiệu "chiếm dụng vốn". Với người tiêu dùng, Shopee cho biết từ khi chính sách này được công bố, những đơn hàng và giá trị đơn hàng đều tăng, chứng tỏ nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng, đồng thời giúp nhà bán hàng gia tăng doanh số.
Theo chính sách cũ, người mua chỉ được phép gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền trong thời gian dao động 3-7 ngày (thời hạn này phụ thuộc vào sản phẩm đó được niêm yết trên Shopee Mall hay shop thường) và người dùng được phép trả lại/hoàn tiền linh hoạt đã có sẵn trên các gian hàng Shopee Mall.
Với chính sách hoàn trả và hoàn tiền mới, Shopee cho phép người mua được yêu cầu trả hàng/hoàn tiền trả hàng do "đổi ý" trên tất cả các ngành hàng. Nhằm giúp bảo vệ người bán, hạn chế các trường hợp người mua tận dụng chính sách và cố tình đổi trả hàng hóa không nguyên vẹn, gây thiệt hại cho người bán, Shopee cũng đưa ra những ràng buộc cụ thể về trả hàng.
Theo sàn này, các sàn thương mại điện tử lớn ở các nước phát triển thậm chí cho phép người mua có thể trả hàng với bất kỳ lý do nào trong thời gian lên tới 90 ngày, cụ thể Amazon là 30 ngày, Temu là 90 ngày. Tuy nhiên, với bất kỳ một chính sách nào, sẽ luôn có những đối tượng cố tình trục lợi, nên đội ngũ nhân viên của sàn phải thường xuyên nâng cấp hệ thống nhận diện hành vi nhằm đảm bảo được sự cân bằng về chi phí và rủi ro cho sàn và người bán.
Cần bảo vệ cả người mua lẫn người bán hàng
* Tỉ lệ khách chọn trả hàng hoàn tiền chỉ cao lắm 4-5% trên tổng đơn bán, một shop đang hoạt động lúc nào cũng có tiền của đơn hàng đang giao chưa trả về có cấn trừ thì Shopee có thể cấn của những đơn này. Tự nhiên giam tiền 100% đơn hàng trong 15 ngày là chiếm dụng vốn rõ ràng, ai không có tiền xoay lại bắt đi vay 1,7%...
(Bạn đọc Thao trang)
* Các bạn cần hiểu rõ việc bảo vệ người mua không cần thiết là phải chiếm dụng tiền của người bán đến tận 18 ngày (thực tế). Người bán lừa đảo không chiếm số đông, và người mua lừa người bán cũng không là số nhỏ. Do đó, cần có sự công bằng để bảo vệ hai phía, không dùng nó làm công cụ phục vụ chỉ cho lợi ích của Shopee.
(Bạn đọc Người bán hàng)
* Mua hàng trên sàn thương mại điện tử cũng rất nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm điện tử. Bản thân tôi mua khi có vấn đề để chứng minh sản phẩm lỗi cũng rất khó cho người dùng vì đâu có thiết bị chuyên dụng kiểm định. Nhưng 7 ngày là hợp lý, chứ 15 ngày thì quả thật chi phí lưu động của người bán phải tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ...
(Bạn đọc Thanh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận