14/10/2022 08:51 GMT+7

Vụ sai phạm 132 thửa đất ở TP Phan Thiết: Quyền lợi người dân giải quyết hướng nào?

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Sai phạm đất đai hơn bốn năm trước, tòa xử đã lâu nhưng quyền lợi của hàng trăm người dân liên quan bị "treo" đến nay. "Số phận" 132 thửa đất trong vụ sai phạm ở Phan Thiết sẽ được định đoạt thế nào?

Vụ sai phạm 132 thửa đất ở TP Phan Thiết: Quyền lợi người dân giải quyết hướng nào? - Ảnh 1.

Khu dân cư tự phát được hình thành trên diện tích đất chuyển đổi mục đích sai phạm trong vụ án ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Đ.TRONG

Đây là một trong những hậu quả lớn liên quan đến các sai phạm đất đai đã xảy ra trên địa bàn TP Phan Thiết từ năm 2016 đến 2018.

"Treo" đến khi nào?

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận từng đề nghị tạm dừng giao dịch, giữ nguyên hiện trạng đối với 132 thửa đất (gần 18ha) tại ba xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi thuộc TP Phan Thiết. 

Phần đất này có liên quan vụ án sai phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng, đất nông nghiệp đã được phân lô tách thửa và xây nhà.

Tòa đã tuyên phạt hàng loạt bị cáo nguyên là những lãnh đạo cao nhất của TP Phan Thiết trong giai đoạn sai phạm trên, nhưng quyền lợi của hàng trăm người dân liên quan bị "treo" đến nay. 

Nhiều người dân muốn bán, xây nhà ở, cho tặng trên mảnh đất của mình nhưng không được. Có trường hợp đi vay mượn tiền để mua, đất không thể bán nên phải gồng mình trả nợ và cũng không xây nhà hợp pháp được.

Trong số 132 thửa đất trên, sau khi được chuyển mục đích sai phạm, người dân đã tự tách ra thành hàng trăm thửa nhỏ hơn, đấu nối hạ tầng, kéo điện nước và xây dựng nhà ở, hình thành nên nhiều khu dân cư tự phát. 

Thế nhưng, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Phan Thiết đã được tỉnh phê duyệt, đây là đất trồng cây, đất thủy lợi, đất giao thông, đất sinh hoạt cộng đồng...

Đảm bảo quyền lợi của người dân

Cái khó nhất của việc khắc phục hậu quả vụ án này là đất sau khi tách thửa đã chuyển nhượng sang người khác. Các sở ngành chức năng tỉnh và UBND TP Phan Thiết phải rà soát lại từng trường hợp để đưa ra phương án xử lý tốt nhất. 

Cụ thể, địa phương đã chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất có 90 thửa (gần 10ha) đã chuyển nhượng sang người khác. Nhóm còn lại gồm 42 thửa chưa chuyển nhượng, tức vẫn còn tên ban đầu của người chuyển đổi mục đích.

Một lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cho rằng những trường hợp đã chuyển nhượng thì giao dịch của họ đã có hiệu lực trong dân sự và đất đai. Vì vậy, địa phương phải giải quyết thừa nhận để đảm bảo quyền lợi cho họ. 

"Giao dịch đã phù hợp theo quy định Luật đất đai, Luật dân sự cho nên phải sớm mở ngăn chặn. Người dân sẽ đương nhiên có các quyền sử dụng đất. Còn việc có được xây dựng trên thửa đất này hay không lại là chuyện khác. Sau khi gỡ bỏ ngăn chặn, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch. Nếu quy hoạch sau này là đất công viên hay cây xanh thì khi Nhà nước thu hồi cũng phải bồi thường cho người dân", vị lãnh đạo Sở Tư pháp giải thích thêm.

Hai hướng giải quyết

Theo thông báo kết luận cuộc họp của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận về khắc phục hậu quả 132 thửa đất sai phạm tại TP Phan Thiết, địa phương đã thống nhất phân loại và phương án xử lý để vừa đúng quy định vừa phù hợp tình hình thực tế, quyền lợi của người dân và hạn chế thấp nhất khiếu nại khiếu kiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Sơn - phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết - cho biết các phòng chức năng đang thực hiện việc gỡ bỏ biện pháp ngăn chặn cho người dân sau khi đã có kết luận của tỉnh về khắc phục hậu quả.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, UBND TP Phan Thiết thực hiện các bước khắc phục hậu quả như sau: Đối với 90 thửa đã chuyển nhượng, bản án của tòa không tuyên thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân sẽ tiếp tục được thực hiện theo quyền lợi của mình.

Địa phương sẽ giữ nguyên hiện trạng, hồ sơ cho phép chuyển mục đích, tách thửa và thể hiện lên bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2020.

Đối với nhóm 42 thửa chưa chuyển nhượng, địa phương sẽ hủy toàn bộ quyết định cho phép chuyển đổi mục đích, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kể cả những trường hợp đã xây dựng nhà ở không phép trên đất.

Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Rà soát từng trường hợp để khắc phục hậu quả Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Rà soát từng trường hợp để khắc phục hậu quả

TTO - Ngày 18-4, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp với các sở ngành liên quan và UBND TP Phan Thiết bàn việc khắc phục ngăn chặn biến động 132 thửa đất trong vụ sai phạm vừa qua.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp