28/12/2021 10:57 GMT+7

Vụ SADECO: Người đại diện phần vốn của Văn phòng Thành ủy khẳng định mình không sai

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Theo bị cáo Thiện, vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại SADECO là vốn của tổ chức chính trị. Bị cáo căn cứ vào Luật doanh nghiệp để quản lý nguồn vốn chứ không tuân theo Luật quản lý vốn.

Vụ SADECO: Người đại diện phần vốn của Văn phòng Thành ủy khẳng định mình không sai - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Công Thiện - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 28-12, HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 20 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại 669 tỉ đồng xảy ra tại Công ty SADECO. Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Công Thiện, người đại diện vốn góp của Văn phòng Thành ủy, khẳng định mình không sai khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Bị cáo Thiện: "Vốn (Văn phòng) Thành ủy không phải vốn nhà nước"

Trong phần trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Công Thiện, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, là người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại SADECO, khẳng định mình đã làm đúng theo quy định của pháp luật.

Cáo trạng nêu, bị cáo Trần Công Thiện đã căn cứ tờ trình số 12A ngày 3-4-2017 của bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (tổng giám đốc Công ty SADECO) để cùng với bị cáo Huỳnh Phước Long lập, ký tờ trình ngày 24-4-2017 gửi Văn phòng Thành ủy với tư cách đại diện vốn, đã trực tiếp biểu quyết đồng ý thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần tại cuộc họp hội đồng quản trị Công ty SADECO ngày 2-8-2017 với tư cách thành viên hội đồng quản trị.

Cáo trạng xác định hành vi của ông Thiện vi phạm khoản 5, điều 38 nghị định số 91/2015 khi bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá định giá gây thiệt hại cho Nhà nước 669 tỉ đồng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Thiện nói về trách nhiệm của người đại diện vốn, là quản lý phần vốn của Thành ủy tại SADECO. Theo bị cáo Thiện, vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại SADECO là vốn của tổ chức chính trị. Bị cáo căn cứ vào Luật doanh nghiệp để quản lý nguồn vốn, chứ không tuân theo Luật quản lý vốn.

Bị cáo Thiện lập luận, bị cáo đại diện phần vốn này là vốn ngoài nhà nước. Khi họp hội đồng quản trị của SADECO thì có bàn về nội dung Nguyễn Kim đang là đối tác chiến lược tham gia vào SADECO, bị cáo thấy Nguyễn Kim có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh.

"Bị cáo nghĩ, nếu đủ điều kiện và thực hiện theo đúng pháp luật, Nguyễn Kim có thể mua thêm cổ phần. Nếu không phát hành được cho Nguyễn Kim thì không phát hành được cho đơn vị nào nữa. Do đó, bị cáo đã làm tờ trình để gửi lên Văn phòng Thành ủy", bị cáo Thiện trình bày.

Vụ SADECO: Người đại diện phần vốn của Văn phòng Thành ủy khẳng định mình không sai - Ảnh 2.

Bị cáo Phạm Văn Thông tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ tọa hỏi, việc biểu quyết (với tư cách thành viên hội đồng quản trị) tại SADECO, bị cáo có thực hiện theo chỉ đạo của Văn phòng Thành ủy không. Bị cáo nói, tại cuộc họp ngày 12-8-2017 đã căn cứ vào nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, Luật doanh nghiệp và quyền của chủ sở hữu phần vốn để đưa ý kiến biểu quyết.

Trước câu hỏi, việc ấn định cổ đông chiến lược bán cổ phần có phải là bán chỉ định không, bị cáo Thiện nói do hội đồng quản trị chọn Nguyễn Kim thì bị cáo thấy đúng quy định của pháp luật, bởi khi đó đại hội đồng cổ đông thông qua, nên bị cáo nghĩ việc ấn định Nguyễn Kim là phù hợp.

Bị cáo khẳng định mình không gây thiệt hại cho Nhà nước

Bị cáo Thiện nói, SADECO là công ty cổ phần thì không tuân theo luật quản lý vốn. Bị cáo đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy thì vốn này không phải vốn nhà nước.

"Bị cáo suy nghĩ rằng, nếu các cổ đông nhà nước yêu cầu thì bị cáo thực hiện theo. Về nguyên tắc, bị cáo ưu tiên hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, vốn SADECO căn cứ vào quy chế quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy, do SADECO không phải là công ty nhà nước nên không tuân thủ Luật quản lý vốn, vì nếu vận dụng Luật quản lý vốn thì phải có văn bản hướng dẫn cụ thể", bị cáo Thiện trình bày.

Đồng thời, bị cáo khẳng định, đến thời điểm này, bị cáo không gây thiệt hại cho SADECO nên không đồng ý theo nội dung cáo trạng. Bị cáo Thiện nói, trong quyết định chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ Nhà nước cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành và các quy chế riêng của tổ chức.

Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Phạm Văn Thông, cựu phó chánh Văn phòng Thành ủy, phụ trách Phòng quản lý đầu tư - kinh doanh vốn và Phòng quản lý tài sản - dự án thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, về việc vận dụng pháp luật trong quản lý vốn của Thành ủy.

Bị cáo Thông nói, việc quản lý phần vốn của Thành ủy hay các tổ chức chính trị phải thực hiện theo nguyên tắc của Luật quản lý vốn nhà nước. Như vậy, với tư cách là người phụ trách phòng quản lý tài sản của Văn phòng Thành ủy, bị cáo nhận thấy việc mình thiếu sót khi không căn cứ vào nghị định 91.

Về nhận thức, ông Thông nói rằng, lúc đồng ý bán cổ phần cho Nguyễn Kim thì thấy mình làm đúng, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra và đến khi ra tòa thì bị cáo biết đã sai sót khi trình tờ trình lên phó bí thư lúc đó (bị cáo Tất Thành Cang). Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo thấy mình làm chưa đúng với nghị định 91 và xin nhận thiếu sót đó.

Vụ SADECO: Ông Tề Trí Dũng thừa nhận sai phạm Vụ SADECO: Ông Tề Trí Dũng thừa nhận sai phạm 'như cáo trạng đã nêu'

TTO - Chiều 27-12, phiên tòa xét xử vụ tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) bắt đầu xét hỏi. Ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc IPC) thừa nhận sai phạm.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp