11/10/2008 09:01 GMT+7

Vụ phá miếu thờ đạo học ở Nha Trang: Cái giá của việc... lỡ phá

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TT - Theo một cán bộ văn hóa, việc phá hủy văn chỉ Vĩnh Xương là sự “phá hoại nghiêm trọng” đối với di tích văn hóa lịch sử tại Khánh Hòa.

4K8Ew8BT.jpgPhóng to

Toàn bộ gạch cổ của văn chỉ Vĩnh Xương đã bị phá dỡ đưa vào Đồng Nai - Ảnh do Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hòa cung cấp

Ngày 10-10-2008, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Khánh Hòa đã đến UBND tỉnh báo cáo về việc văn chỉ Vĩnh Xương (123 đường Phương Sài, phường Phương Sơn, TP Nha Trang) bị phá dỡ vào tháng 9-2008 theo nghị quyết của HĐND phường. Đồng thời sở cũng kiến nghị đề xuất chi ngân sách mua lại toàn bộ hiện vật đã bị đem bán đấu giá để khôi phục miếu thờ này (Tuổi Trẻ ngày 10-10).

Nỗi đau… phế tích

Vĩnh Xương (bao gồm khu vực từ Diên An của huyện Diên Khánh xuống TP Nha Trang hiện nay) là một trong năm huyện xưa kia của Khánh Hòa, đồng thời là một trong ba huyện vinh dự có “văn chỉ Vĩnh Xương” được xây dựng theo chỉ dụ của nhà vua (vào năm thứ 5 của triều vua Tự Đức - 1849). Đó là một biểu hiện cho niềm tự hào về truyền thống hiếu học của con người vùng đất Nha Trang xưa.

Theo Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, căn cứ tiêu chí xếp hạng di tích thì văn chỉ Vĩnh Xương đủ các điều kiện để được công nhận là một di tích văn hóa. Thế nhưng suốt mấy chục năm qua, văn chỉ Vĩnh Xương đã bị bỏ ngoài “sổ sách” quản lý di tích văn hóa. UBND phường không thực hiện kiểm kê, báo cáo lên các cơ quan quản lý cấp trên theo đúng quy định và luật định.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Thích cho rằng việc phá dỡ miếu thờ đạo học là việc làm “rất bậy bạ và rất đau”. Bởi theo các thiết chế giáo dục xưa, hệ thống văn miếu quốc tử giám - văn miếu - văn chỉ - văn từ là một hệ thống tiêu biểu của nền giáo dục cổ. Ngoài các chức năng thờ tự, biểu hiện tinh thần hiếu học, khuyến học, tôn sư trọng đạo… thì đó cũng chính là hệ thống trường học đào tạo hiền tài, thầy đồ nho ở các cấp. Trong đó văn chỉ được coi như là một trường huyện trong hệ thống này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thích, văn chỉ Vĩnh Xương có nhiều điểm có giá trị gấp mấy lần so với hai văn miếu khác hiện còn trên địa bàn tỉnh. Bởi toàn bộ hệ thống kiến trúc gồm giàn gỗ cột, kèo, đòn tay, trụ lỏng… đã được xây dựng cách đây trên cả trăm năm nhưng hầu như còn nguyên vẹn.

Trên các kiến trúc gỗ đó có chạm trổ rất nhiều họa tiết, hoa văn, chạm đầu rồng theo kiến trúc miếu đình cổ của người Việt rất đẹp và tinh xảo. Đặc biệt, phần đáy kê trụ lỏng đoạn xà ở chánh điện được khắc linh vật hình con tôm lần đầu tiên được tìm thấy ở Khánh Hòa. Ngay cả loại gạch ghè dùng xây văn chỉ Vĩnh Xương cũng là loại gạch cổ rất quý…

Nhưng giờ đây văn chỉ Vĩnh Xương đã trở thành một phế tích…

Phá di tích, bán “rẻ như cho”

Trong thực tế, suốt mấy chục năm qua văn chỉ Vĩnh Xương đã bị chính quyền địa phương chuyển công năng phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Cho đến trước ngày bị phá hủy, hai nhà tả, hữu của văn chỉ Vĩnh Xương được sử dụng để làm lớp học mẫu giáo và lớp học tình thương của phường. Còn miếu thờ phía bắc bị đem cho một gia đình bên cạnh thuê làm nhà kho…

Sau khi tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng trạm y tế mới, HĐND phường Phương Sơn đã có nghị quyết xin chuyển các lớp học thành trạm y tế. Trong hồ sơ đề nghị, phường không hề nói rõ là có cả phần chánh điện cổ của văn chỉ Vĩnh Xương. Đề nghị đó của phường đã được lãnh đạo UBND thành phố Nha Trang “chuẩn y”. Sau đó, toàn bộ di tích văn chỉ Vĩnh Xương sau khi phá dỡ đã bị đem ra bán đấu giá với giá khởi điểm 20 triệu đồng và đã bán được 23 triệu đồng.

Khi tiến hành đập dỡ văn chỉ Vĩnh Xương, theo chị Phạm Thị Hồng Khanh (50 tuổi) - con gái của ông Phạm Thanh - nguyên là ông từ (đã mất) của miếu thờ đạo học, mấy người mua di tích đã cho thu nhặt cả chiếc râu tôm khắc trong trụ gỗ bị gãy ra gói lại mang đi. Từng viên gạch cổ gỡ ra từ di tích cũng được gom nhặt (đến 8.000 viên) để xe di chuyển hết.

Sau đó toàn bộ di vật của văn chỉ Vĩnh Xương đã được những người trúng đấu giá bán lại cho một người ở tỉnh Đồng Nai. Theo các cán bộ văn hóa đã gặp người mua vừa nêu ở Đồng Nai, ông này cho biết đã chi ra 60 triệu đồng để nhờ tìm mua giàn gỗ nhà cổ về làm quán cà phê. Thế nhưng sau khi vừa nhận được giàn gỗ của văn chỉ Vĩnh Xương, qua một đêm bị mất ngủ không rõ vì sao, ông vội vàng thuê xe chở toàn bộ gỗ đem tặng lại một chùa ở Xuân Lộc (Đồng Nai) chứ không dám giữ lại sử dụng…

Giá đắt cho việc phục dựng

Vụ phá di tích, bán di vật văn chỉ Vĩnh Xương được một nhà nghiên cứu sử học ở địa phương phát hiện, vụ việc vỡ lỡ. UBND thành phố Nha Trang liền lập một tổ công tác truy tìm. Tổ công tác đã vào tận Đồng Nai để thương thảo với đại diện của chùa đang cất giữ toàn bộ di vật ấy. Đại diện của chùa đã đưa ra mức “tiền chuộc” là 220 triệu đồng - bao gồm nhiều chi phí phát sinh liên quan cùng thời hạn phải trả lời về việc mua bán này là 15 ngày, kể từ ngày hai bên thỏa thuận.

Ngay sau đó, Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cùng UBND TP Nha Trang đã họp liên ngành và thống nhất kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chi ngân sách nhà nước mua lại toàn bộ di vật để phục dựng văn chỉ Vĩnh Xương vừa bị đập phá chỉ hơn một tháng. Ngoài việc phải mua lại với chi phí gấp gần mười lần số tiền đã bán trước đó, chi phí phục dựng văn chỉ Vĩnh Xương chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Theo Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, văn chỉ Vĩnh Xương là “di tích của một nền giáo dục cổ đáng được trân trọng, giữ gìn”. Bởi “rất có giá trị về nhiều mặt như lịch sử truyền thống nền giáo dục cổ; về tín ngưỡng, tâm linh; về kiến trúc nghệ thuật cổ; về dấu tích khoa học kỹ thuật xây dựng cổ…”. Do đó, việc phục dựng là rất cần thiết.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp