Các nhà báo nước ngoài đưa tin tại buổi phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hôm 24-5 - Ảnh: REUTERS
Báo Nikkei (Nhật) ngày 26-5 dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên sẽ khó xác nhận nếu không có sự giám sát chặt chẽ kèm theo.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 25-5 đã đăng tải các hình ảnh cùng tuyên bố khẳng định bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã "bị phá hủy hoàn toàn" trong ngày trước đó. Các nhà báo đến từ năm quốc gia là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc cũng đã có mặt tại đây để đưa tin.
Thuốc nổ được kích hoạt vào lúc 11h sáng 24-5 ở đường hầm nơi 5 vụ thử hạt nhân gần nhất của Bình Nhưỡng được tiến hành. Tiếp theo đó, hoạt động phá hủy được thực hiện tại một đường hầm mới xây được một nửa, và một đường hầm đã xây xong nhưng chưa sử dụng.
Đường hầm được Triều Tiên dùng để thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên hồi năm 2006 đã được cho dừng hoạt động trước đó.
Bằng việc cho nổ tung từ khu vực sâu nhất của đường hầm cho đến cửa hầm, các công trình đã sập đổ, đi kèm theo là khói bụi và tiếng nổ lớn. Các đoạn video được các nhà báo đưa tin đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các hình ảnh được đăng tải chỉ chứng minh rằng các cấu trúc gần cửa hầm bị phá hủy, trong khi các cấu trúc sâu bên trong vẫn có thể "bình yên vô sự". Điều này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ cho tu sửa bãi thử sau đó.
"Họ muốn chúng tôi chứng kiến các vụ nổ, nhưng chúng tôi chỉ có thể xác nhận họ đã cho nổ tung các cửa hầm. Nếu các đường hầm trong núi vẫn còn tồn tại, bãi thử này có khả năng vẫn được sử dụng cho các vụ thử hạt nhân trong tương lai" - phóng viên Ben Tracy của Đài CBS News (Mỹ) tường thuật.
Một số căn nhà gỗ bên trong khu vực bãi thử bị phá hủy bằng thuốc nổ - Ảnh: REUTERS
Lúc đầu, Triều Tiên cam kết sẽ mời các chuyên gia hạt nhân Mỹ và Hàn Quốc tới giám sát lễ phá hủy bãi thử Punggye-ri. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ các nhà báo mới được phép đi tới bãi thử này. Họ chỉ có thể đưa tin và không thể kiểm tra liệu bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên có bị "phá hủy hoàn toàn" như Bình Nhưỡng tuyên bố hay không.
Một số chuyên gia cho rằng kiểu né tránh mời chuyên gia này có thể là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12-6 ở Singapore.
Các quan chức Triều Tiên cũng bác bỏ các lo ngại về việc phơi nhiễm phóng xạ tại khu vực. Để chứng minh điều đó, họ chỉ thẳng tay về phía những cây xanh, chim, kiến... sống trong khu vực bãi thử.
Tuy nhiên, không rõ tại sao phía Triều Tiên lại tịch thu các dụng cụ đo bức xạ được một số nhà báo đem theo trước khi họ lên đường đi tới Punngye-ri. Chỉ một vài nhà báo mang mặt nạ, trong khi không nhà báo nào mặc quần áo bảo hộ.
"Triều Tiên cho phép chúng tôi đi thẳng tới các đường hầm ở bãi thử và nói rằng không có lo ngại gì về phóng xạ. Họ nói rằng họ chưa bao giờ phát hiện phóng xạ tại đây. Tuy nhiên, thứ duy nhất mà họ tịch thu từ hành lý của chúng tôi là thiết bị phát hiện bức xạ" - phóng viên Ben Tracy kể lại.
Lee Byung Ryung, một chuyên gia về công nghệ phản ứng hạt nhân tại Viên nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc, đặt nghi vấn: "Nếu không có vấn đề liên quan tới sự an toàn, tại sao họ lại tịch thu các dụng cụ đo bức xạ chứ?".
"Không thể loại trừ khả năng các nhà báo bị nhiễm phóng xạ" - ông Lee đánh giá. Trước đây, từng có các báo cáo cho biết nhiều người dân sống gần bãi thử Punggye-ri bị các căn bệnh liên quan tới nhiễm phóng xạ.
Một số chuyên gia thì cho rằng việc phá hủy bãi thử Punggye-ri giờ cũng đã vô ích trong việc ngăn chặn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi lẽ, Triều Tiên đã thu được các dữ liệu cần thiết từ 6 vụ thử hạt nhân trước đây và có thể sẽ dùng chúng để tiếp tục phục vụ chương trình vũ khí của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận