16/10/2019 09:17 GMT+7

Vụ nước sạch có mùi lạ: Câu hỏi về trách nhiệm vẫn lơ lửng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Chiều 15-10, cuộc họp báo về vụ việc nước sạch có mùi lạ khép lại mà các câu hỏi về trách nhiệm của TP Hà Nội, các sở, ngành và Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã không được trả lời.

Vụ nước sạch có mùi lạ: Câu hỏi về trách nhiệm vẫn lơ lửng - Ảnh 1.

Nhà máy nước Sông Đà - Ảnh: LÊ HOÀNG

Và phải đợi tới 6 ngày từ khi người dân phát hiện nguồn nước sạch có mùi lạ, Hà Nội mới khuyến cáo người dân chỉ dùng nguồn nước này cho tắm giặt, không dùng cho ăn uống.

Nước không đảm bảo chất lượng... vẫn để dân dùng

Ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị được TP giao chủ trì đoàn liên ngành kiểm tra vụ việc - cho biết có việc đổ trộm dầu nhớt thải tại khe núi xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).

"Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối, rồi chảy vào hồ Đầm Bài - hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước mặt Sông Đà. Một số cán bộ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc tràn dầu vào hồ, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội".

Ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Chưa hết, theo ông Dục, Viwasupco cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu theo quy định, cứ để mặc, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

"Sau khi phân tích mẫu nước, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép. Quy chuẩn Việt Nam do Bộ Y tế ban hành quy định hàm lượng tối đa stylen trong nước ăn uống là 20mg/l, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy cao gấp 1,3 - 3,65 lần. Các chỉ tiêu giám sát nước độ A cũng có chỉ tiêu mùi vị không đạt quy chuẩn Việt Nam" - ông Dục cho biết.

Ông Dục khẳng định kết quả giám định xác định mùi "khét" có trong nguồn nước tại các nhà dân ở toàn bộ khu vực cấp nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà cho các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất styren có từ dầu thải gây ra.

Sau trả lời của ông Dục, Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với hàm lượng styren vượt quy chuẩn 1,3 - 3,65 lần sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe người dân đã dùng nguồn nước này, tuy nhiên lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này.

"Hàm lượng styren vượt 1,3 - 3,65 lần, hàm lượng này cao dần với các mẫu nước lấy ở gần phía nhà máy và thấp dần với mẫu gần phía nhà dân. Còn bản thân styren có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe thì đến nay không có tài liệu chính thống nói ảnh hưởng thế nào" - ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói.

Trước câu hỏi về thực tế nguồn nước không đảm bảo chất lượng vẫn được cung cấp tới nhà dân trong 6 ngày qua, TP có khám sức khỏe cho người dân không thì ông Hạnh cũng không trả lời câu hỏi này, mà chỉ cho biết Sở Y tế cũng khuyến cáo như trong báo cáo của TP đã nêu.

Vụ nước sạch có mùi lạ: Câu hỏi về trách nhiệm vẫn lơ lửng - Ảnh 3.

Bằng mắt thường có thể nhìn thấy nguồn nước bẩn màu đen hòa vào dòng nước sông Đà (ảnh chụp ngày 14-10) - Ảnh: LÊ HOÀNG

Điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân

Theo ông Dục, từ kết quả như trên, UBND TP Hà Nội khuyến cáo 3 nội dung tới người dân.

Thứ nhất, trong thời gian Viwasupco chưa súc xả, thay được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cung cấp thì chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

"Trường hợp sử dụng nước nấu ăn, nước uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp" - ông Dục khuyến cáo.

Thứ hai, để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng, UBND TP bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Khi cần, đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903461980 - đồng chí Hùng, tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội - để được cung cấp theo yêu cầu.

"Nguồn nước xe téc này được cung cấp tới người dân miễn phí" - ông Dục nói thêm.

Thứ ba, UBND TP Hà Nội đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh. Tổ chức điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải đã không có hành vi ngăn chặn kịp thời, dẫn đến sự cố nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cho người dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau lời ông Dục, phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Cơ quan nào, lãnh đạo nào chịu trách nhiệm khi người dân dùng nước không đảm bảo chất lượng 6 ngày qua mà nay mới khuyến cáo? Tuy nhiên, lãnh đạo các sở, ngành của TP không trả lời.

"80% muốn dừng cấp nước, nhưng không đủ căn cứ"

"Lúc đó, thâm tâm tôi là 80% cho dừng cấp nước, nhưng xét nghiệm các chỉ tiêu A không có vấn đề gì, lấy cớ gì dừng cấp nước?" - ông Nguyễn Văn Tốn, tổng giám đốc Viwasupco, phân trần chiều 15-10.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân.

Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho dân.

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Tốn cũng đính chính lại thông tin công ty phát hiện dầu tràn xuống hồ Đầm Bài vào ngày 9-10, chứ không phải ngày 8-10 như TP Hà Nội nêu. Còn việc không báo cáo các cơ quan của Hà Nội được ông Tốn lý giải do nhà máy nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trước câu hỏi vì sao biết tràn dầu mà vẫn cung cấp nước tới người dân, ông Tốn trả lời: "Ngày 10-10, khi có thông tin của khách hàng, người dân về hiện tượng nước có mùi lạ, công ty đã kiểm tra. 

Còn lý do tại sao công ty không dừng cấp nước, chia sẻ thật lúc đó với thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng.

Tại sao chúng tôi vẫn cấp nước? Vì ngày 10-10 phòng xét nghiệm của công ty về chỉ tiêu nhóm A xác định không có vấn đề gì. Tiếp nữa, tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, họ cũng khuyến cáo, phản biện nếu cắt nước thì lý do gì. 

Anh bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu, tức là các chứng cứ chống lại việc dừng cấp nước. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, trong khi nếu dừng cấp nước sông Đà thì ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Vì thế tôi xin hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước".

Về câu hỏi: Có phải vì lợi nhuận mà bất chấp? Ông Tốn nói: "Công ty cũng không phải đặt lợi nhuận lên trên hết, nhưng trước sự việc này công ty có lỗi".

Khắc phục hậu quả ra sao?

Về khắc phục hậu quả, ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của Viwasupco và các công ty trực tiếp phân phối nước.

received948788528818880-1571124876454923596613

Sau vụ đổ trộm dầu thải, dầu đã tràn vào hồ Đồng Bài, nơi dẫn nước vào Nhà máy nước mặt sông Đà - Ảnh: P.Q

Đồng thời xây dựng phương án vận hành điều tiết bổ sung nguồn nước từ các nguồn tập trung của TP, đảm bảo cấp nước an toàn.

Ông Dục cũng cho biết đến nay Viwasupco vẫn không cộng tác với các cơ quan quản lý nhà nước, chưa có báo cáo, cảnh báo, khắc phục việc để dầu vào nguồn nước nhằm chuyển các cơ quan chức năng. Vì vậy, đề nghị xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư, toàn bộ tại các địa bàn người dân sử dụng nước do công ty cung cấp.

"Kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước. Nếu các thiết bị này không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay" - ông Dục nói.

Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico): Công ty nước sạch Sông Đà phải đền bù thiệt hại cho dân

truong thanh duc 16-10 2(read-only)

Về nguyên tắc, mua bán nước sạch là mua bán hàng hóa phải tuân thủ Bộ luật dân sự. Dù nước sạch nhà sản phẩm có yếu tố đặc biệt nhưng cơ bản vẫn vậy, vì kinh doanh nước sạch vẫn có lãi, giá theo thị trường.

Vì vậy, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại về sức khỏe, ảnh hưởng gián tiếp khác, rồi công ty cũng phải chi trả lượng nước bốc mùi đã chảy vào bể ngầm các khu chung cư, hộ gia đình, chắc chắn không dừng lại ở mấy trăm nghìn mét khối công ty đã bán thời gian qua.

Việc bồi thường bao nhiêu cần có quá trình điều tra, kiểm tra, xác định sự cố, mức độ thiệt hại mới xác định mức bồi thường cho người dân.

B.NGỌC ghi

Có thành phần dầu thải trong nước sạch Có thành phần dầu thải trong nước sạch 'mùi lạ' ở Hà Nội

TTO - 5 ngày sau vụ việc nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) có mùi lạ, khét, kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy có thành phần dầu thải trong nước sạch, không đạt quy chuẩn về mùi.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp