Vụ việc nữ sinh bị đánh vừa xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7, TP.HCM) đang khiến mạng xã hội xôn xao. Trong clip, nữ sinh lớp 8 túm tóc, tát, đá, đánh liên tiếp vào đầu một nữ sinh khác trong nhà vệ sinh.
Vì sao nạn nhân im lặng?
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đặt ra câu hỏi bức xúc này. Bởi sau khi xảy ra vụ việc, nữ sinh đánh bạn tự đăng video lên Facebook cá nhân, trong khi nữ sinh bị đánh lại im lặng, không chủ động báo gia đình, nhà trường biết!
Bạn đọc Mỹ Toàn hỏi: "Tại sao các cháu bị bạn đánh về nhà không nói cho gia đình, cha mẹ biết? Tại sao hành vi đánh bạn cứ lặp đi lặp lại hoài trong trường học?".
Và chính bạn đọc này tự trả lời chua xót: Vì cha mẹ ít quan tâm và gần gũi với con cái! Vì cơ quan chức năng xử lý theo kiểu "các cháu còn nhỏ chưa biết gì"!
Bạn đọc Trần Tuấn cũng hỏi: "Chủ ý quay hành hung bạn nhiều lần và phát tán clip bạo lực lên mạng bất chấp dư luận, bất chấp xã hội, nữ sinh đánh bạn còn giáo dục giáo dưỡng được không?".
Có con đang học tại ngôi trường xảy ra vụ việc, bạn đọc Toàn Nguyễn cho biết: "Nhà vệ sinh là nơi né tránh quản lý của nhà trường. Những học sinh cá biệt thường hay lựa chọn để làm điều không tốt. Nhưng cái quan trọng là môi trường giáo dục của trường. Bên cạnh đó các cháu bị ảnh hưởng tâm lý quá sớm những thứ tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu nhà trường không có phản ứng thích đáng và nghiêm thì hệ lụy sẽ còn tiếp diễn".
Đề cập đến góc khuất nhà vệ sinh trường học, bạn đọc Tư Cà Mau cho hay: "Hiện nay nhà vệ sinh của các trường học là nơi học sinh chọn để hút thuốc lá điện tử, hẹn hò tìm hiểu tuổi mới lớn, đánh nhau… Giáo viên thì "ngồi trên đống lửa" lo lắng vì không được phép vào kiểm tra trong giờ học cũng như giờ ra chơi".
Nữ sinh bị đánh: Trách nhiệm thuộc về ai?
Bạn đọc Đức đặt vấn đề: "Tôi nghĩ người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm chính trong việc này". Bởi theo bạn đọc Nhật Tâm, "thường thấy khi xảy ra những sự việc như vậy nhà trường sẽ bưng bít thông tin để xử lý nội bộ. Xử lý thì ít còn bưng bít thì nhiều nên vấn nạn bạo lực học đường vẫn kéo dài là thế".
"Bạo lực học đường tăng nhưng nhiều trường lại bỏ đi biên chế giám thị, giáo viên ít tiết phải ra làm giám thị, không đủ nghiệp vụ, làm không liên tục... rất khó trong quản lý nề nếp học sinh" - bạn đọc Lo Lắng có ý kiến.
Trong khi đó, một bạn đọc không nêu tên cho rằng: "Công tác giáo dục hiện nay cần sự vào cuộc của cả hệ thống, nhất là gia đình vì gia đình là một tế bào của xã hội. Một số gia đình hiện nay còn phó mặc cho nhà trường cũng như xã hội. Nếu gia đình mà nuôi dưỡng con cái tốt thì xã hội mới tốt được. Không thể để xảy ra tình trạng này lại đổ cho nhà trường và xã hội được. Do đó cần thiết có sự quan tâm yêu thương dạy bảo từ gia đình, nhà trường và xã hội".
Theo bạn đọc Hùng Tâm, "cứ cách ly những học sinh côn đồ như vậy ra khỏi môi trường giáo dục bình thường, cho vào trường học chuyên biệt để vấn nạn bạo lực học đường giảm chứ tình hình này càng tồi tệ. Vấn nạn này cũng là hệ quả của quản lý và đạo đức xã hội xuống cấp".
Bạn đọc Lão Gàn bình luận: nếu cơ quan chức năng vẫn còn xử lý theo kiểu "các cháu còn nhỏ chưa biết gì" thì sẽ vẫn còn tiếp diễn tình trạng này!
Trước vụ việc đáng buồn, bạn đọc Le cho rằng "cần lắp camera khắp nơi có giám thị quan sát liên tục để giảm thiểu. Quan trọng là thay đổi phương châm dạy dỗ lễ nghĩa nhân cách lên hàng đầu!".
Bạn đọc Nguyễn Văn Đông viết: "Mỗi lần học sinh đánh bạn thì nhà trường giải quyết bằng cách cảnh cáo hoặc cho thôi học. Cách giải quyết này hoàn toàn không hiệu quả. Nếu cho thôi học thì vô tình đẩy học sinh ra đời sớm.
Nên giữ học sinh lại trong trường và cho lao động công ích, bởi học sinh rất sợ bị lao động công ích vì xấu hổ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận