Rất nhiều kim tiêm, bơm xi lanh, ống thuốc nằm lẫn lộn trong đống rác sau khi đã sử dụng vứt đầy sát trạm xe buýt ở trung tâm TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
TS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết từ ngày 23-3 đến đầu tháng 4, nơi này đã tiếp nhận 10 người dân đến tư vấn, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ dùng vật sắc nhọn tấn công, gây ra những vết thương trên người, ở tay, lưng...
Không phải trường hợp nào cũng điều trị ...
Theo người dân kể lại, đối tượng gây thương tích là một người đàn ông tuổi trung niên, có lúc đi xe máy Wave. Những người này bị đâm trong lúc đang đi tại các khu vực ở Q.5, trong đó số người bị đâm nhiều nhất trên cầu Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM).
Các bác sĩ đã cho cả 10 người dân điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV và hẹn bốn tuần sau quay lại tái khám.
Theo TS Hùng, khi người dân lo sợ bị nhiễm HIV sau một hoạt động nào đó, họ đã tìm đến bệnh viện với mong muốn được điều trị dự phòng. Có người đang đi đường bị kim đâm mà không biết kim của ai, có khả năng bị nhiễm HIV hay không? Họ là nhân viên y tế hoặc công an đang làm nhiệm vụ bị tai nạn nghề nghiệp...
Trước sự lo lắng, hoang mang của người dân, các bác sĩ sẽ xác định trường hợp này có nguy cơ, khả năng bị phơi nhiễm HIV hay không. Có nguy cơ nhiễm HIV khi tổn thương do kim có chứa máu đâm xuyên qua da gây chảy máu hay không.
Nếu là kim nòng rỗng cỡ to, chứa nhiều máu, đâm sâu thì nguy cơ cao hơn là kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông.
Hoặc tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải.
Máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc sây sát từ trước (ngay cả khi không biết có bị viêm loét hay không). Nếu viêm loét hoặc sây sát rộng thì nguy cơ cao hơn.
Không có nguy cơ nhiễm HIV khi máu và dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành.
Nếu có nguy cơ nhiễm HIV, dù là rất thấp, bác sĩ vẫn phải tiến hành điều trị dự phòng. Chỉ khi bác sĩ xác định không có khả năng lây nhiễm HIV thì tư vấn và hỗ trợ người bị tai nạn xử lý vết thương, không điều trị uống thuốc dự phòng.
Nên đến trước 72 giờ
Khi người bị phơi nhiễm HIV được bác sĩ chỉ định điều trị dự phòng, người đó sẽ được làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe và tình trạng nhiễm HIV.
Sau đó, người bị phơi nhiễm sẽ được cho uống thuốc điều trị dự phòng HIV trong 3 ngày. Ngày thứ 4, người điều trị phơi nhiễm quay lại bệnh viện để biết kết quả xét nghiệm của ngày đầu tiên, bác sĩ kiểm tra tình trạng tâm lý, tuân thủ điều trị và có bị tác dụng phụ của thuốc cần can thiệp hay không.
Nếu mọi chuyện diễn tiến thuận lợi, người bị phơi nhiễm sẽ được tiếp tục uống thuốc dự phòng thêm cho đủ 28 ngày và được hẹn quay trở lại để kiểm tra tình trạng sức khỏe, mức độ tuân thủ điều trị...
Sau 3 tháng kể từ ngày uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV, bệnh viện sẽ làm xét nghiệm kiểm tra xem người bị phơi nhiễm có bị nhiễm HIV hay không.
Điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV là điều trị khẩn cấp nội khoa. Vì vậy, TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh người bệnh nên đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt, không nên quá 3 ngày (72 giờ) để có hiệu quả điều trị cao.
Người dân không nên quá lo lắng hay hoang mang vì hiệu quả điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV rất cao.
Từ năm 1999 cho đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiến hành điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV trên 10.000 trường hợp và chưa có ca nào bị nhiễm HIV.
Sau vài phút nên rửa vết thương bằng nước sạch và thuốc sát trùng rồi đến cơ quan y tế gần nhất để được sơ cứu, sau đó đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được tư vấn, xem xét, xử lý ban đầu, điều trị phơi nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận