Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia tại Riyadh ngày 16-10 - Ảnh: REUTERS
Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi nhà báo Jamal Khashoggi mất tích tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Người ta vẫn chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với ông Khashoggi - một người bất đồng chính kiến với chính quyền Riyadh. Liệu ông còn sống hay đã bị sát hại, thậm chí bị phanh thây đem đi nơi khác như báo chí phương Tây mô tả?
Trong lúc mọi sự nghi ngờ đều dồn về phía Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho thấy sự bình tĩnh kỳ lạ trước các áp lực phải phản ứng cứng rắn cả trong lẫn ngoài nước Mỹ. Tại sao một câu chuyện liên quan tới Saudi Arabia và xảy ra trên đất Thổ Nhĩ Kỳ lại có sự xuất hiện của người Mỹ? Tất cả xuất phát từ niềm tin rằng nước Mỹ là thành trì của các giá trị dân chủ, nhân quyền tiêu chuẩn phương Tây và mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này.
Tiêu chuẩn kép
Tổng thống Trump đang áp dụng một cách chính xác nguyên tắc giả định vô tội đối với chính quyền Riyadh, tức Saudi Arabia sẽ được xem là không hề sát hại nhà báo Khashoggi cho đến khi có đủ bằng chứng cho thấy họ đã làm điều đó. Đây là điều mà ông hiếm khi làm với các nước như Nga hay Syria khi xảy ra các vụ tấn công hóa học nhắm vào dân thường và vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc trên đất Anh.
Trong cả hai vụ việc kể trên, nước Mỹ đã nhanh chóng cảnh cáo chính quyền Syria bằng mưa tên lửa và trục xuất các nhà ngoại giao, áp các biện pháp trừng phạt Nga, mở màn cho một loạt động thái tương tự chống lại Matxcơva. Trong khi suýt trừng phạt Nga vì ủng hộ chính quyền Syria, Washington lại làm ngơ trước cuộc chiến đo Saudi Arabia phát động ở Yemen vốn cũng đang tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tương tự ở Syria.
Lý giải cho sự khác biệt đó rất đơn giản: Saudi Arabia đang là bạn hàng vũ khí lớn nhất của Mỹ, đồng minh quan trọng của Washington tại khu vực.
Trong vụ nhà báo Khashoggi bị nghi sát hại, ông Trump có thể giữ im lặng để tránh làm tổn hại chuyện làm ăn với Riyadh. Tuy nhiên, có ít nhất 3 lý do khiến tổng thống Mỹ phải miễn cưỡng can dự vào chuyện này.
Thứ nhất, sức ép từ các nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là các thành viên Đảng Dân chủ - những người đang tranh thủ chạy nước rút kiếm thêm phiếu trước cuộc đua bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Họ yêu cầu ông Trump phải phản ứng mạnh mẽ, thậm chí cần phải hủy các hợp đồng vũ khí với Saudi Arabia. Đáp lại, Tổng thống Trump chỉ thủng thẳng trả lời ông sẽ trừng phạt Riyadh nếu họ thật sự sát hại nhà báo Khashoggi. Nhưng ông không muốn làm điều đó bởi sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nước Mỹ, người lao động Mỹ.
Thứ hai, niềm tin phổ biến rằng Mỹ là thành trì của các giá trị nhân quyền, dân chủ. Trong vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc trên đất Anh, London đã nhận được sự ủng hộ tinh thần mạnh mẽ của Washington ngay cả khi sự việc chưa ngã ngũ. Lý do được đưa ra là Mỹ không chấp nhận hành vi sử dụng chất độc hóa học bị cấm trong xã hội văn minh, hiện đại như hiện tại.
Thứ ba, mối quan hệ tay ba phức tạp Riyadh – Ankara – Washington.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được êm đềm như Mỹ - Saudi Arabia nhưng Washington vẫn cần Ankara trong các vấn đề Trung Đông, nhất là Syria. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 17-10 - Ảnh: REUTERS
Chọn nhân quyền vô hình hay tiền bạc hữu hình?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 17-10 loan tin Saudi Arabia đã cam kết mở cuộc điều tra toàn diện về sự mất tích của nhà báo Khashoggi. Đây có thể xem là một bước đi nhằm xoa dịu dư luận và tiếp tục kéo dài thời gian.
Thực tế cho thấy tổng thống Mỹ chỉ đang dẫn lại các tuyên bố từ lãnh đạo Saudi Arabia, tất nhiên là luôn phủ nhận sự liên quan tới nghi án sát hại ông Khashoggi, và tránh đưa ra quan điểm cá nhân trên Twitter cá nhân. Đó được xem là cách khôn ngoan và an toàn.
Trong khi phe Dân chủ Mỹ đang tranh thủ xé to sự việc để thu hút cử tri trước bầu cử giữa kỳ bằng cách giơ ngọn cờ nước Mỹ phải bảo vệ lẽ phải của thế giới, cách tốt nhất của ông Trump lúc này là làm dịu và cố gắng kéo dài thời gian tới hết tháng 11.
Mọi thứ sau giai đoạn này có thể sẽ hoàn toàn khác. Để trả lời câu hỏi tiền hay nhân quyền quan trọng với Mỹ hơn, thật sự không phải dễ dưới thời tổng thống Trump.
Washington đã rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cùng hàng loạt tổ chức, chương trình nghị sự quốc tế khác dưới thời ông Trump. Dường như không một ai, kể cả trong nội các Mỹ, có thể đoán được tổng thống sắp làm gì tiếp theo. Dưới con mắt của ông Trump, một doanh nhân trở thành chính trị gia, một số các thiết chế đã định hình và những cam kết quốc tế đã khiến nước Mỹ bị ràng buộc vô lý, làm tổn hao thêm nhiều tài sản quốc gia.
Tuy nhiên, khác với các thiết chế hữu hình, nhân quyền và các giá trị dân chủ mà Mỹ luôn giơ cao ngọn cờ bảo vệ lại rất khó để hình dung. Thêm vào đó, việc phủ nhận các giá trị này sẽ đẩy nước Mỹ đến một cuộc khủng hoảng tư tưởng. Ông Trump sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn xác lập lại các giá trị đã tồn tại lâu đời như thế.
Khó có thể nói vụ nhà báo Khashoggi lần này đủ lớn để đẩy nước Mỹ vào một cuộc tranh luận chọn tiền hay bảo vệ các giá trị nhân quyền. Câu trả lời cho sự mất tích của nhà báo Khashoggi trước sau gì cũng có nhưng để hỏi có đúng như vậy hay không rồi trả lời chắc chỉ có người trong cuộc mới biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận