Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ - Ảnh: Hoàng Giang |
Số rượu mà dân bản đến chia buồn cùng ăn cơm uống rượu với gia đình ông Phu Vần Lèng (60 tuổi, ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) được mua ở xã Sì Lờ Lầu cùng huyện Phong Thổ.
Theo các chuyên gia, với hàm lượng methanol trong rượu thế này thì chỉ uống 1 ly đã có nguy cơ ngộ độc.
Pha cồn làm rượu
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong 3 mẫu rượu đã kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, mẫu thấp nhất có hàm lượng methanol ở mức 970 mg/l, hai mẫu còn lại có hàm lượng methanol lần lượt ở mức 475.000 mg/l và 556.000 mg/l, trong khi tiêu chuẩn VN hiện hành cho phép methanol ở mức 100 mg/l, tức những mẫu rượu liên quan đến vụ ngộ độc đều vượt mức cho phép từ hàng chục đến hàng ngàn lần.
Một chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm đang có mặt tại Lai Châu cho hay tất cả những người tử vong trong vụ ngộ độc này đều là nam giới, ngoài ra trong số 31 người bị đau đầu, buồn nôn, có ăn uống tại đám tang đã được chuyển tới các bệnh viện của tỉnh Lai Châu và Lào Cai điều trị, có 5 phụ nữ và trẻ em.
“Hầu hết phụ nữ và trẻ em không uống rượu, nhưng họ thấy những người cùng ăn uống tử vong hoặc bị ngộ độc nên hoảng sợ, họ cũng thấy mình đau đầu, buồn nôn, chúng tôi coi đây là biểu hiện hoảng sợ tập thể, còn những người ngộ độc thật đều là nam giới và có uống rượu” - chuyên gia này cho biết.
Lo số rượu đã bán nhiều nơi
Tính đến ngày 15-2, ông Đỗ Văn Giang, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, cho biết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn 10 người đang tiếp tục được điều trị, có 3 người bệnh được chuyển đi điều trị tại Lào Cai, còn lại điều trị ở huyện Phong Thổ.
Với loại rượu hàm lượng methanol rất cao kể trên, các cán bộ giám sát tại thực địa cho biết 2/3 mẫu có hàm lượng methanol tính theo khối lượng lên tới trên dưới 50% khối lượng của “rượu”, là dạng cồn công nghiệp pha với nước để giả làm rượu.
Hiện hầu hết rượu bán tại khu vực này đều đã được niêm phong, chờ kiểm nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại loại “rượu” có hàm lượng methanol cao mà người dân đã mua về nhà, lúc nào đó họ lại lấy uống và có nguy cơ ngộ độc xảy ra.
Ngộ độc methanol ngày một gia tăng
Trong khoảng 2 tuần trước và trong Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, riêng Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã có tới 5 ca tử vong do ngộ độc methanol, hầu hết người bệnh ở Hà Nội và có tiền sử uống nhiều rượu.
Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc methanol trong rượu có dấu hiệu gia tăng về số lượng và mức độ nặng.
Trước đây các bác sĩ của trung tâm có một thống kê trong 2 năm tiếp nhận 30 người ngộ độc methanol, tức là mỗi tháng có trên 1 trường hợp, nhưng thời gian gần đây thì 1-2 tuần lại gặp 1 trường hợp.
Khác với ngộ độc rượu thông thường, người ngộ độc rượu chứa methanol cao có thêm các biểu hiện như mờ mắt, đồng tử giãn, một số hôn mê sâu.
Các bác sĩ cho biết nếu có mờ mắt nhưng chưa hôn mê thì khả năng cứu sống cao, nhưng nếu đã hôn mê thì khả năng cứu sống rất thấp. Tuy nhiên, ngay cả các trường hợp cứu sống được thì biến chứng mờ mắt là không phục hồi được.
Với 10 ca ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, các bác sĩ đánh giá ít có khả năng có thêm người tử vong, do các bệnh nhân đã được cấp cứu sớm và điều trị đúng hướng.
Chuyên gia của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã đến nơi hỗ trợ ngay từ ngày 14-2 và ngày 16-2 sẽ có thêm một đoàn 16 cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có các bác sĩ giỏi về mắt, thần kinh, thận nhân tạo, chống độc... tiếp tục lên hỗ trợ Lai Châu điều trị người bệnh.
Nhưng từ vụ ngộ độc này cho thấy lượng rượu tồn dư methanol ngưỡng cao đang có mặt ở nhiều tỉnh thành, ai kiểm tra kiểm soát những loại rượu như trên? Có nên có một cuộc tổng kiểm tra và siết chặt hoạt động làm rượu, kinh doanh rượu, đặc biệt là loại rượu trôi nổi và trôi nổi cả về chất lượng?
Sẽ sớm có kết quả 17 mẫu thực phẩm, bệnh phẩm Theo thông tin từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, viện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm với 17 mẫu thực phẩm, bệnh phẩm lấy từ bữa ăn liên quan vụ ngộ độc ở Lai Châu và dịch dạ dày từ người tử vong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận