Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Sáng nay, 7/8 nguyên cán bộ Navibank nói mình bị oan, cáo trạng quy kết không đúng và chỉ 1 người nhận tội.
Hầu hết cán bộ Navibank kêu oan
Theo cáo trạng, Huỳnh Vĩnh Phát (Nguyên trưởng phòng kế toán) chịu trách nhiệm nhận tiền chênh lệch lãi suất trong trường hợp nhận tiền chuyển khoản.
Tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là 24,5 tỉ đồng, trong đó chuyển đến tài khoản của Phát mở tại Navibank là 15,1 tỉ. Sau đó, Phát chuyển lại cho các nhân viên trả lãi suất vay khi đến hạn hợp đồng.
Tại tòa, bị cáo Phát cho rằng mình không nhớ rõ tiền lãi chuyển vào tài khoản của bị cáo là bao nhiêu, tuy nhiên tài khoản này được mở ra để phục vụ cho việc chuyển trả tiền lãi. Sau khi tiền vào tài khoản, Phát chuyển về phòng ngân quỹ Navibank.
Theo Phát 10 bị cáo trong vụ án không gây hậu quả cho Navibank: 'Bị cáo biết về chủ trương cho nhân viên đem tiền sang gửi ở Vietinbank để lấy lãi cao từ năm 2010 nhưng bị cáo không biết chủ trương này có vi phạm luật hay không. Cá nhân bị cáo không tư lợi gì, việc cho vay không thuộc thẩm quyền của bị cáo'.
Bị cáo Đinh Thị Đoan Trang (Nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng) cũng cho rằng mình bị oan, không phải thành viên hội đồng Alco nên không tham gia bàn bạc gì.
Lý giải về việc cho các nhân viên ngân hàng vay tiền vào mục đích tiêu dùng với tài sản đảm bảo là tiền gửi ở Vietinbank, Trang nói đây là chuyện bình thường trong giao dịch của ngân hàng.
'Khi ký cho vay bị cáo nghĩ đây là trường hợp đơn giản, muốn đem lại lợi ích cho ngân hàng, bị cáo không lường trước rủi ro sẽ bị Huyền Như chiếm đoạt', bị cáo Trang nói.
Tương tự, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (Nguyên trưởng phòng pháp chế) khai rằng không tham gia bất kỳ cuộc họp, chủ trương, chỉ đạo nào của hội đồng Alco.
Bị cáo chỉ ký vào biên bản họp HĐTD đồng ý cấp tính dụng 1.543 tỉ đồng cho 14 nhân viên.
Theo quy chế của HĐTD, mỗi thành viên chịu trách nhiệm về mảng của mình, nên bị cáo chịu trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, trong đó tài sản đảm bảo là tiền gửi tại Vietinbank là loại tài sản được phép làm tài sản đảm bảo.
Khi chủ tọa hỏi tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank với lãi suất 14%/năm có đảm bảo được cho khoản vay 22,5%/năm không thì Hiền cho biết không trả lời được câu hỏi này.
Các bị cáo Trần Thanh Bình (Nguyên trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp), các Nguyên phó tổng giám đốc: Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Giang Nam, Cao Kim Sơn Cương đều cho rằng mình bị oan, không tư lợi.
Navibank chủ trương gửi tiền Vietinbank lấy lãi cao
Đó là lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (Nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro) tại tòa.
Oanh là bị cáo duy nhất trong vụ án không kêu oan.
Theo bị cáo này, tiền mà các nhân viên Navibank gửi tại Vietinbank thực chất là tiền của Navibank gửi vào để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Đây là chủ trương của ngân hàng.
Tuy nhiên tại thời điểm thực hiện hành vi, bị cáo không nhận thức được việc để nhân viên ngân hàng gửi tiền sang Vietinbank hưởng lãi suất chênh lệch là sai và không biết số tiền này bị Huyền Như chiếm đoạt, bị cáo không hưởng một chút lợi nào.
Oanh khai cuối năm 2010 mẹ bị cáo bị bệnh nan y giai đoạn cuối và mất sau đó nên bị cáo bị sốc, tinh thần làm việc bị xao lãng.
Bị cáo biết việc bị cáo Luật báo cáo hội đồng Alco về nhu cầu huy động vốn của Vietinbank CN Nhà Bè nhưng không tham gia bàn bạc.
Trong phần xét hỏi, hầu hết các bị cáo đều khai không biết hoặc khẳng định luật các tổ chức tín dụng không cấm ngân hàng này gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lãi.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc vì sao phải thông qua các nhân viên ngân hàng mà Navibank không trực tiếp đứng ra cho Vietinbank vay thì hầu hết các bị cáo đều trả lời không biết, hoặc không phải chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận