22/04/2023 12:57 GMT+7

Vụ 'lúa ST25' lép hạt: Giống nhái hại giống thật

Việc hàng trăm héc ta lúa không rõ ràng nguồn gốc giống bị lép hạt ở Đắk Lắk, Đắk Nông không chỉ là câu chuyện riêng của giống lúa ST24, ST25 mà còn là vấn đề của nhiều nông đặc sản bị làm giả, làm nhái đang bán tràn lan trên thị trường.

Cơ quan chức năng đề nghị bà con nên chọn giống lúa thật để có năng suất cao. Trong ảnh: bà Hoàng Thị Ân trên cánh đồng ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah, Krông Nô  (Đắk Nông) - Ảnh: TRUNG TÂN

Cơ quan chức năng đề nghị bà con nên chọn giống lúa thật để có năng suất cao. Trong ảnh: bà Hoàng Thị Ân trên cánh đồng ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah, Krông Nô (Đắk Nông) - Ảnh: TRUNG TÂN

Nông dân cần thay đổi thói quen mua giống cây tùy tiện để chuyển sang chọn các thương hiệu đã được xác nhận, bảo hộ để tự bảo vệ mình. Doanh nghiệp và cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn trong bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như dẹp loạn thị trường giống còn nhiều kẽ hở.

Hai giống lúa thơm ST24, ST25 đã được đăng ký bảo hộ nhưng không ăn thua gì vì tình trạng làm giả, làm nhái hai giống lúa này tràn lan, diễn ra lâu nay. Tôi kêu riết nhưng không ai xử lý, mệt mỏi lắm. Giờ tôi chỉ lo tập trung làm tốt để có giống lúa chất lượng cho người dân sản xuất.

Ông Hồ Quang Cua (cha đẻ hai giống lúa ST24 và ST25)

Lòng vòng đường đi của hạt giống

Trong quá trình phản ánh thông tin khoảng 300ha lúa ST24, ST25 vụ đông xuân tại Đắk Lắk và Đắk Nông có tỉ lệ hạt lép đến 80%, phóng viên phát hiện nhiều nông dân mua giống lúa ST24 và ST25 "hàng nhái" giống lúa của cơ sở sản xuất lúa giống Hồ Quang Cua (Sóc Trăng).

Khi được hỏi về diện tích 1,5ha bị lép hạt, ông Đàm Văn Hội, trú thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah (Krông Nô, Đắk Nông), cho biết nhiều năm nay gia đình ông mua giống từ ba đại lý Hạnh Cư, Sim Bắc, Liễu Nga tại địa phương. Ngoài ra nông dân trong xã cũng mua giống ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk).

Trên bao bì đựng hạt giống đều in thông tin là giống lúa ST24 từ cơ sở sản xuất của ông Cua. Các thông tin về quy chuẩn Việt Nam, địa chỉ, số điện thoại, thông tin cơ sở và mẫu bao bì rất giống với "ông Cua chính chủ". Tuy nhiên, phóng viên Tuổi Trẻ gửi mẫu bao bì này về thì ông Cua nói không phải của cơ sở mình nhưng nhìn "rất giống".

Nói thêm về việc này, ông Lê Văn Thành, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, cũng thừa nhận việc quản lý giống cây trồng hiện nay khá khó khăn. Việc người dân trồng lúa ST24, ST25 hạt bị lép có phải do giống, có phải mua từ "ông Cua chính chủ" hay không chưa thể khẳng định gì.

Ông Phạm Tuấn Anh, giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, cũng khẳng định 5.000ha lúa ở huyện Krông Nô chủ yếu trồng lúa ST24 và ST25 nhưng đều không được ông Cua cung cấp giống. Bà con nông dân mua các giống lúa như đã nêu tại các cơ sở địa phương và từ các đại lý bên kia sông Krông Nô, thuộc huyện Krông Ana (Đắk Lắk).

Cánh đồng Buôn Choah có tới 221ha lúa mất mùa nặng trong vụ đông xuân năm nay - Ảnh: TRUNG TÂN

Cánh đồng Buôn Choah có tới 221ha lúa mất mùa nặng trong vụ đông xuân năm nay - Ảnh: TRUNG TÂN

Cha đẻ lúa ST25 "bó tay" với hàng nhái

Trao đổi vấn đề này, ông Hồ Quang Cua cho biết: "Thú thật tôi làm sao nhớ hết được. Nhưng chắc chắn người dân không trực tiếp đến cơ sở mua. Đến giờ tôi cũng chưa nghe người dân trồng lúa ở Krông Nô điện cho tôi để phản ánh. Còn người dân mua ở đại lý là câu chuyện khác", ông Cua cho biết.

Theo ông Cua, tình trạng làm giả giống lúa và gạo ST25 diễn ra nhiều nơi. Để ngăn chặn, cơ sở này in bao bì có đầy đủ thông tin, mã vạch, kể cả hình ảnh của ông Cua cho chắc ăn nhưng vừa tung ra được vài ngày thì trên thị trường đã xuất hiện hàng nhái có bao bì, nhãn mác y hệt. "Vụ năm nay tôi phải in lại bao bì mới cho giống lúa ST25", ông Cua than thở.

Ông Trần Tấn Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng - cho biết cần phải kiểm tra, chứ dựa trên bao bì cũng chưa thể nói giống lúa đó là thiệt, do cơ sở Hồ Quang Cua sản xuất. "Địa phương luôn tạo điều kiện, bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi được đăng ký bảo hộ. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất", ông Phương cho biết.

Hiện nay các loại giống cây ngắn ngày (rau, củ quả, lúa, ngô...) rất khó kiểm soát đầu vào vì bà con thường mua nhỏ lẻ, theo kênh truyền thống. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải mua giống tại các cơ sở có đủ tiêu chuẩn, có nguồn gốc...

Ông Phạm Tuấn Anh (giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông)

Nông dân cần sử dụng giống xác nhận

Ông Nguyễn Hoàng Minh - giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) - cho biết giống giả, trôi nổi, hàng nhái kém chất lượng khá phổ biến trên thị trường làm thiệt hại cho nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất giống cũng như đơn vị thu mua chế biến, xuất khẩu.

Đơn cử bên cạnh giống ST24 và ST25 bị làm giả, làm nhái nhiều, hiện nay chanh dây, cà chua của một số doanh nghiệp cũng đang bị làm giả bán cho nông dân trồng tràn lan.

Theo ông Minh, Antesco cũng đang đầu tư một số giống độc quyền để kinh doanh và làm nguyên liệu chế biến. Nhưng để làm ra những giống độc quyền, chất lượng cao thì doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, rất tốn kém thời gian và tiền bạc. Nhưng nhiều khi sản phẩm làm ra không bao lâu đã bị làm giả, làm nhái.

"Một phần do thiếu sự giám sát giữa đơn vị chủ quyền và cơ quan nhà nước dẫn đến hàng giả tràn lan. Thiệt hại vẫn thuộc về bà con nông dân", ông Minh nói.

Giám đốc một doanh nghiệp lúa gạo lớn tại ĐBSCL cho hay hiện nay Việt Nam mới dừng lại ở mức khuyến cáo nông dân phải sử dụng giống xác nhận trong khi tại Thái Lan nhà nước bắt buộc nông dân phải dùng. Câu chuyện lúa lép ở Đắk Nông sẽ là bài học cho bà con cần sử dụng giống xác nhận nếu không sẽ tự nhận rủi ro. "Nếu siết chặt quy định sử dụng giống thì nông dân sẽ không mua giống trôi nổi nữa", vị này nói thêm.

Nói về xử lý hàng giả, kém chất lượng nông sản hiện nay, ông Trần Thanh Hiệp - chánh Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang - đề nghị: "Nông dân phải lựa chọn cơ sở có uy tín; hàng hóa trong khi mua phải xem kỹ thông tin in trên hàng hóa đó; đề nghị cơ sở bán hàng hóa đó cung cấp các giấy tờ có liên quan khi cần thiết. Để tránh mua phải hàng giả của thương nhân khác".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch AFT - cho rằng để hạn chế tình trạng "lẫn lộn thương hiệu", trước hết các nhà sản xuất cần ngồi lại với nhau, tạo ra một tổ chức, liên minh để tự xúc tiến xây dựng thương hiệu, thị trường, đăng ký sở hữu trí tuệ để cùng nhau bảo vệ.

"Gạo ST25 hoặc bất cứ sản phẩm nào, nếu doanh nghiệp không chịu liên kết thì khó xây dựng, bảo vệ được thương hiệu. Ở Na Uy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bắt buộc tham gia vào hội đồng xuất khẩu thủy sản. Hay ngành sản xuất rượu ở Pháp cũng hoạt động theo mô hình tương tự.

Thông qua hội đồng này, các doanh nghiệp phải thực hiện những quy tắc chung về giá cả, chất lượng sản phẩm... để cùng tạo thương hiệu, nếu ai làm sai sẽ có chế tài nặng. Còn ở Việt Nam, không có những tổ chức hay hiệp hội kiểu vậy nên khó quản lý chất lượng sản phẩm", bà Minh nói.

Nông dân Lý Sơn thu hoạch tỏi, đây là đặc sản thường xuyên bị làm nhái bán trên các mạng xã hội với giá chỉ bằng 30 - 40% giá tỏi chính gốc - Ảnh: TRẦN MAI

Nông dân Lý Sơn thu hoạch tỏi, đây là đặc sản thường xuyên bị làm nhái bán trên các mạng xã hội với giá chỉ bằng 30 - 40% giá tỏi chính gốc - Ảnh: TRẦN MAI

Hành tím Vĩnh Châu, tỏi Lý Sơn cũng thường xuyên bị nhái

Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, hiện có nhiều sản phẩm hành tím được các cửa hàng, tiểu thương ở chợ lẻ bán với giá 10.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, nhiều nơi bán giới thiệu hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Tuy nhiên, ông Triệu Chỉnh Hên - chủ cơ sở thu mua hành tím Văn Thành (Sóc Trăng) - cho biết hành tím Vĩnh Châu là đặc sản và giá bán đang ở mức ổn định từ 30.000 - 31.000 đồng/kg. "Với giá bán trên, các sản phẩm này không thể của Vĩnh Châu, mà có thể là hàng nhập khẩu đội lốt hàng đặc sản. Vì hành tím nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... về nhiều, giá khá rẻ, thường chỉ 6.000 - 15.000 đồng/kg", ông Hên nhận định.

Theo ghi nhận, trên nhiều trang mạng, giá tỏi được quảng cáo là "tỏi cô đơn Lý Sơn" nhưng loạn giá. Cụ thể, trên Shopee, dù đã giảm giá 40% nhưng một gian hàng rao bán tỏi cô đơn Lý Sơn với giá gần 1 triệu đồng/kg, nhưng một gian hàng khác lại chỉ bán 400.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 300.000 đồng/kg.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cửa hàng Vua tỏi Lý Sơn (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết tỏi cô đơn Lý Sơn chính gốc không thể có giá dưới 1 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên 2 - 3 triệu đồng/kg vì thiếu hàng. Do đó, sản phẩm bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg cần phải xem lại.

Khuyến cáo bà con chọn giống có giấy phép

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-4, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết ngay sau khi nắm được thông tin, Cục Trồng trọt đã liên hệ với Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông. Qua báo cáo, giống lúa người dân trồng không phải giống lúa ST25 của ông Cua và lúa lép do thời tiết khí hậu.

"Giống lúa ST25 chưa được ông Hồ Quang Cua đánh giá khảo nghiệm và chưa được phép sản xuất ở vùng Tây Nguyên. Do vậy việc lưu thông, phân phối, bán giống ST25 tại khu vực Tây Nguyên là vi phạm quy định", ông Cường nói.

Theo ông Cường, một giống lúa muốn sản xuất ở vùng nào thì không thể nào sản xuất theo cảm tính mà phải có sự đánh giá, khảo nghiệm theo đúng quy định của Luật Trồng trọt để đưa ra quy trình canh tác phù hợp. Do đó việc người dân trồng giống lúa ST25 ở vùng chưa được đánh giá, khảo nghiệm mà bị lép thì "không có gì ngạc nhiên cả".

Ông Cường cũng cho biết từ năm 2022, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi sở NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn tất cả các giống chưa được khảo nghiệm, cấp phép lưu hành ở vùng chưa cho phép.

"Chúng tôi khuyến cáo các tỉnh và người dân khi sản xuất thì chỉ sử dụng các giống đã được cấp quyết định lưu hành ở vùng đó để hạn chế thấp nhất rủi ro nếu có. Thứ hai, các giống đã được cấp quyết định lưu hành rồi thì người dân cũng phải lựa chọn mua giống ở các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm và có giấy phép được sản xuất, kinh doanh", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, giống lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua đã được cấp bằng bảo hộ. Việc buôn bán, sử dụng giống lúa ST25 mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu ông Cua có ý kiến với cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra sở NN&PTNT sẽ vào cuộc để xử lý.

CHÍ TUỆ

Lúa "ST25" lép hạt, do trời lạnh bất thường?Lúa 'ST25' lép hạt, do trời lạnh bất thường?

Dù đang chính vụ gặt nhưng sáng 19-4, cánh đồng Buôn Choah, huyện Krông Nô, một trong những vựa lúa lớn ở Đắk Nông, rất thưa thớt người ra đồng. Bông lúa thẳng đứng do hạt lép, nông dân không buồn thu hoạch vì sợ đã lỗ thêm nợ tiền công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp