Hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa ngày 8-2 - Ảnh: XUÂN HƯNG
Ngày 8-2, TAND TP.HCM đã đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM) thực hiện ra xét xử.
Đây là phiên tòa sơ thẩm xét xử lại một phần bản án phúc thẩm trước đó bị TAND tối cao (nay là cấp cao) tại TP.HCM tuyên hủy một phần bản án để điều tra lại.
Trong phiên tòa này, hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung xét xử hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như và Anh Tuấn đối với 5 công ty với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, đồng thời đề nghị làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của một nhóm 7 đối tượng liên quan.
Sau khi điều tra lại, cáo trạng của Viện KSND tối cao thể hiện: Từ năm 2007, Như vay khoảng 200 tỉ đồng với lãi suất cao của các cá nhân, tổ chức để kinh doanh, tới năm 2010 thì mất khả năng chi trả.
Lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch, Như thuyết phục khách hàng huy động tiền gửi cho VietinBank với lãi suất ngoài cao.
Như cũng hứa hẹn sẽ trả hoa hồng cho những người môi giới, giới thiệu khách hàng, thực tế đã trả nhiều tỉ đồng cho những người môi giới.
Khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản của chính họ tại các chi nhánh của VietinBank, Như làm giả các loại hồ sơ rồi chiếm đoạt. Năm doanh nghiệp bị chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa - Ảnh: XUÂN HƯNG
Quá trình điều tra lại, Viện KSND tối cao cũng xác định 5 đối tượng có hành vi cho Huyền Như vay tiền với lãi suất cao chỉ có lời khai, không có bằng chứng chứng minh.
Hai đối tượng cho vay với lãi suất cao nhất thì một người đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người còn lại đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.
Tại phiên tòa ngày 8-2, đại diện của 5 doanh nghiệp được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án đều đề nghị HĐXX tuyên buộc VietinBank Việt Nam phải trả cho các doanh nghiệp này toàn bộ tiền gốc cộng với lãi suất theo quy định.
Vì theo các bị hại này, họ đã gửi tiền của mình vào tài khoản của VietinBank, tài khoản đã hiển thị số dư, bị trừ tiền phí theo đúng quy định của VietinBank. Do đó, VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền.
Việc Huyền Như làm giả hồ sơ, thao tác trên hệ thống của VietinBank để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng gửi tại VietinBank là việc nội bộ, chứ các bị hại không quan hệ giao dịch với cá nhân Huyền Như.
Tuy nhiên, khi được HĐXX hỏi ý kiến, người đại diện cho VietinBank khẳng định các bị hại đã có những thỏa thuận trái pháp luật với Huyền Như, thể hiện qua cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố nên từ chối nhận trách nhiệm trả tiền.
Nội dung cáo trạng giải thích việc TAND tối cao TP.HCM yêu cầu làm rõ dấu hiệu hành vi tham ô tài sản của Huyền Như và đồng phạm như sau: Lỗi của 5 công ty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần quy định.
Lỗi trong quá trình thực hiện gửi tiền vào VietinBank. Lỗi thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản khi bị Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
Viện KSND tối cao cũng cho rằng: "Xem xét lỗi của VietinBank trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng cho thấy quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt tới khi phạm tội hoàn thành, hành vi của Huyền Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, không có căn cứ để thay đổi tội danh từ "lừa đảo" sang "tham ô tài sản" như bản án phúc thẩm đặt ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận