Từ trái sang: Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển, tướng Micael Byden; Tổng giám đốc Cảnh sát an ninh Anders Thornberg; thủ tướng Stefan Lofven và Tổng giám đốc Cơ quan Vận tải Thụy Điển Jonas Bjelfvenstam trong cuộc họp báo tại thủ đô Stockholm, ngày 24-7 về vụ lộ mật - Ảnh: REUTERS |
Hôm qua (24-7, giờ địa phương), Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven phải lên tiếng cảnh báo về những rủi ro đối với đất nước và người dân nước này do việc những thông tin nhạy cảm bị rò rỉ từ một hợp đồng với tập đoàn IBM của Mỹ.
Vụ việc bắt nguồn từ hợp đồng thuê ngoài quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe và bằng lái hồi tháng 4-2015 của Cơ quan Vận tải Thụy Điển.
Cơ quan Vận tải Thụy Điển ký kết với đối tác IBM. Theo báo Le Vif, IBM sau đó giao lại cho chi nhánh ở CH Czech và Romania thực hiện hợp đồng.
Theo kênh truyền hình Thụy Điển SVT, không rõ như thế nào mà trong hệ thống của IBM, các nhân viên có thể truy cập những thông tin nhạy cảm của người dân Thụy Điển.
“Vụ việc này là một tai nạn. Nhưng đó là vụ việc trái luật và đặt đất nước cũng như người dân Thụy Điển vào những tình huống có thể gây tổn hại”, thủ tướng Lofven tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 24-7.
Theo lãnh đạo Cơ quan Vận tải Thụy Điển, thực sự là hợp đồng trên đã được thực hiện một cách chóng vánh, lách một số đạo luật bảo vệ thông tin nhạy cảm và quy trình thủ tục trong nước, dẫn đến việc những người nước ngoài không được cấp phép trong IBM vẫn có thể tiếp cận các thông tin nhạy cảm.
Người đứng đầu Cơ quan Vận tải Thụy Điển thời điểm ký thỏa thuận nêu trên là bà Maria Agren đã xin nghỉ vào tháng 1 năm nay.
Theo truyền thông Thụy Điển, bà Agren đã nhìn nhận vi phạm luật và chấp thuận nộp phạt 70.000 krona (khoảng 8.500 USD)
Các thông tin bị lộ gồm thông tin cá nhân được ghi nhận trong đăng ký bằng lái xe có ảnh, chưa kể các thông tin nhạy cảm khác về hệ thống cầu cảng, đường sá, hệ thống đường sắt ngầm và thông tin liên quan đến những phương tiện đi lại của quân đội và cảnh sát.
Trong họp báo ngày 22-7, phía quân đội Thụy Điển có thừa nhận về lo ngại các cơ sở quốc phòng và hệ thống phòng thủ bị lộ.
Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển, tướng Micael Byden nhận định vụ rò rỉ là vấn đề nghiêm trọng, có thể tạo ra những nguy cơ tiềm tàng nếu thông tin rơi vào tay kẻ xấu.
Truyền thông Thụy Điển trong khi đó cho rằng tên tuổi các điệp viên, mật vụ Thụy Điển cũng đã bị lộ trong vụ việc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-7, Thủ tướng Lofven cho biết ông chỉ được một cộng sự thông báo về vụ việc vào đầu năm nay.
Ông đồng thời nêu rõ vụ rò rỉ thông tin này là "sự thất bại hoàn toàn", một "thảm họa" và tạo ra những nguy cơ đối với đất nước và người dân quốc gia Bắc Âu này.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven - Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên theo truyền thông Thụy Điển, các bộ trưởng Quốc phòng, Peter Hultqvist, và Nội vụ, Anders Ygeman, đã được thông báo về vụ việc từ năm 2016 nhưng họ không quyết tâm theo dõi vụ việc.
Theo Thủ tướng Lofven, chính quyền Stockholm đã tiến hành điều tra và đang xem xét đề xuất một dự luật an ninh mới, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn về việc thuê ngoài với sự giám sát của Ủy ban Hiến pháp, và dự luật này có thể có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Tuy nhiên vụ việc do truyền thông đưa ra từ vài tuần qua này có nguy cơ làm chao đảo chính quyền của thủ tướng Lofven. Nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng vài bộ trưởng phải mất ghế.
Thậm chí chính quyền của thủ tướng Lofven có thể bị mệt mỏi nếu phe đối lập - đang chiếm đa số tại Quốc hội - đưa ra yêu cầu phế truất chính phủ.
Bà Annie Lööf, lãnh đạo đảng đối lập, hôm 23-7 cũng đã tuyên bố rằng khả năng phế truất chính phủ là không phải không có!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận