Bạn gửi thêm những dòng bạn viết để cảm ơn và tạm biệt mẹ trong phút giây ngơ ngác và bần thần nhất cuộc đời:
Chuyến đi không sắp xếp trước nên con đón nhận và tiễn mẹ lên đường trong bỡ ngỡ, nuối tiếc, đau đớn khôn nguôi. Con chết lặng trong khoảnh khắc biết từ đây sẽ mồ côi mẹ. Bao năm qua mẹ dạy con biết kính trên nhường dưới, đùm bọc chị em. Nhưng sao mẹ chưa dạy con phải sống thế nào nếu từ đây thiếu bóng mẹ.
Tao không về được. Đau lắm. Phải nhìn mẹ qua màn hình điện thoại!
"May quá, không phải ở TP.HCM", tôi nghĩ rồi thở phào khi biết mẹ bạn mất tại quê nhà. Bởi cách đây vài tháng, mẹ bạn ở cùng bạn tại căn chung cư bạn thuê bên thành phố Thủ Đức.
Trước nỗi đau mất mẹ của người bạn bên cạnh mình, nếu thốt lên "May quá" thì thật lạ lùng! Nỗi đau mất mẹ có bao giờ là nhỏ, có bao giờ đong đếm được đâu mà lại nghĩ là "May quá". Nhưng có lẽ đó là cảm nhận của những ai đang ở TP.HCM thời điểm này.
Bạn cũng nói, mẹ bạn mất tại quê nhà là điều may mắn vì việc mai táng ở thành phố hiện nay đang quá tải. May vì mong ước của mẹ bạn là khi "nằm xuống" được nằm cạnh ông bà cuối cùng đã thực hiện được.
"Con ngồi đây, nhìn di ảnh mẹ qua màn hình điện thoại, mà không biết từ nào diễn tả được nỗi đau này", bạn viết. Chẳng biết tự khi nào, chiếc camera của điện thoại lại trở thành thứ hữu ích đến như vậy.
Nó không phải để chụp nên những tấm ảnh đẹp. Mà nó là thứ để hai mẹ con nhìn mặt nhau lần cuối trước cuộc chia tay không ngày gặp lại. Nó là thứ để con tiễn biệt mẹ trước một chuyến đi biền biệt, dài đến bất tận mà không có ngày về.
Bạn không về được bên mẹ những giây phút cuối đời. Bạn là con trai duy nhất trong gia đình, lên TP.HCM học đại học và làm việc tại đây. Để rồi bạn mắc kẹt lại chính nơi này, phải thực hiện một cuộc tiễn biệt "online" (trực tuyến) với mẹ.
TP.HCM giãn cách. Những tỉnh thành khác cũng lần lượt giãn cách. Việc trở về bên mẹ lúc lâm chung là điều không thể với bạn. Ai cũng biết đến làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến… nhưng có lẽ tiễn biệt trực tuyến (online) vẫn còn quá mới.
Nó đang diễn ra giữa những ngày này ở Sài Gòn
Trước đó vài hôm, cũng vì đại dịch COVID-19 mà dượng tôi và hai đứa em họ cũng phải tiễn biệt mẹ - bà nội qua màn hình điện thoại. Cuộc gọi Zalo video để tiễn biệt bà. Và chỉ khi nhìn thấy đầy đủ con cháu qua màn hình điện thoại, bà mới trút hơi thở cuối cùng.
Kết thúc cuộc gọi, dượng tôi vứt điện thoại. Dượng bỏ đi ra ngoài cổng, châm điếu thuốc. Một người đàn ông luôn là trụ cột vững chãi cho gia đình bao năm qua đã bật khóc trước vợ và hai đứa con gái.
Dượng là con út trong nhà. Dượng mất cha từ nhỏ. Một tay mẹ dượng nuôi mấy anh em lớn lên. Dượng luôn sống rất trách nhiệm và đầy tình yêu thương với mẹ. Trong những lần ăn cơm, tôi từng nghe dượng loáng thoáng nhắc một đứa trẻ mồ côi cha khi còn quá bé đã phải lớn lên và kiếm sống giữa Sài Gòn như thế nào.
Tháng 7 âm lịch - mùa Vu Lan năm nay, tôi phải chứng kiến 4 người đàn ông mất mẹ giữa đại dịch, trong đợt giãn cách xã hội. Những đứa con đã chẳng về được bên mẹ những giây phút cuối đời, để được nắm tay mẹ, được gục đầu vào lòng mẹ mà khóc, cầm di ảnh mẹ tiễn biệt mẹ chặng đường cuối cùng.
Mỗi người đối diện với nỗi đau một cách khác nhau, bằng nước mắt, bằng sự lặng im và bất lực. Cái bất lực của những người con Sài Gòn mùa này, như cách bạn tôi viết hai từ "đau lắm!", như cách dượng tôi vứt điện thoại và bật khóc.
Bất lực chấp nhận hiện thực. Bất lực vì không thể tận tay lo hậu sự cho mẹ. Việc cuối cùng để báo đáp công ơn cho đấng sinh thành cũng không thể thực hiện.
Tuổi nào mất mẹ cũng đau, tuổi nào xa mẹ cũng cay xé lòng. Những nỗi đau mất người thân vì COVID-19 giữa Sài Gòn. Nỗi đau mất người thân mà không về được quê nhà. Sẽ chẳng so sánh và đo đếm được nỗi đau ai lớn hơn ai. Nỗi đau nào cũng cần được yêu thương và vỗ về.
Mỗi dịp Vu Lan về là mỗi lần, ta lại nhắc nhau rằng: "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không". Dặn mình luôn nhớ: "Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu" để mà sống, mà tỏ lòng thành kính với cha mẹ mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận