25/11/2015 07:09 GMT+7

Vụ kiện của Philippines gây áp lực lên Trung Quốc

TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG
TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG

TT - Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần VII đã khép lại ngày 24-11 tại Vũng Tàu. Triển vọng vụ kiện của Philippines là chủ đề được nhắc nhiều bên lề hội thảo.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo ngày 24-11 - Ảnh: M.Trung
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo ngày 24-11 - Ảnh: M.Trung

Ngày làm việc hôm qua, các học giả bàn sâu hơn về vấn đề luật quốc tế và thật trùng hợp khi cũng là ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bắt đầu tuần lễ làm việc xem xét tiếp vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn”.

Trong phần trình bày tại hội thảo ở Việt Nam, tiến sĩ Nông Hồng (Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc) khăng khăng “chủ quyền lịch sử đường chín đoạn” của Trung Quốc có ý nghĩa hơn trước pháp luật quốc tế so với khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế” của các nước khác ở Biển Đông.

Theo bà Nông Hồng, giới hàn lâm Trung Quốc tin tưởng “chủ quyền lịch sử” vẫn nằm trong phạm vi luật pháp quốc tế dù phương Tây không ủng hộ quan niệm này.

Trung Quốc không xem liệu những bằng chứng của mình có chính xác hay không, không xem xét đến nguồn từ những nước khác. Vì vậy, các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của họ được viết một cách phiến diện

Chuyên gia BILL HAYTON

Bằng chứng không đáng tin cậy

Lập luận của bà Nông Hồng tiếp nối chuỗi luận điểm gây tranh cãi của các học giả Trung Quốc tại hội thảo. Trước đó, TS Thẩm Đinh Lập (Đại học Phúc Đán) cũng nói Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ đơn thuần là quyền kinh tế và không có ý nghĩa về mặt chủ quyền.

Theo một số chuyên gia tham dự hội thảo, phần lập luận của bà Nông Hồng có tiến bộ hơn nhưng vẫn có mâu thuẫn khi dù không bác bỏ luật pháp quốc tế, vốn quy định rõ ràng về các quyền, lại vẫn khăng khăng bảo vệ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) khẳng định “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc không có căn cứ theo luật quốc tế.

“Tôi cho rằng những gì bà Nông Hồng nói lạc lõng giữa bức tranh lớn trên Biển Đông, không liên quan đến những gì Trung Quốc đang làm tại khu vực này. Trung Quốc đang lợi dụng sự mập mờ trong tuyên bố chủ quyền của mình để gạt bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong khu vực”.

Ông Cronin cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải tuân thủ những luật quốc tế mà họ đã ký kết.

Chuyên gia Bill Hayton, Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế của Anh, cho biết các nghiên cứu lưu trữ gần đây đã phản bác tuyên bố chủ quyền Biển Đông dựa trên “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Ông cho rằng các bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không đáng tin cậy.

Việc các nguồn tin chính thống Trung Quốc thường tung hỏa mù về chuyện xảy ra trên Biển Đông đã khiến không ít người nhầm lẫn những gì họ tuyên bố với sự thật lịch sử.

Ông Hayton khẳng định mối quan tâm của Bắc Kinh đối với Biển Đông chỉ xuất hiện từ thế kỷ 20 và không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức Trung Quốc từng ra quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1909.

Theo ông Hayton, hầu hết công trình nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông dựa trên một số lượng nhỏ văn thư xuất bản trong những năm 1970 và 1980, bởi vậy chúng chỉ phản ánh hiểu biết của họ vào thời điểm đó. Ông cũng cho biết những người vẽ nên các tuyên bố “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc không phải là những sử gia.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng từng nhiều lần viết lại lịch sử về các đảo trên Biển Đông và mỗi lần như vậy những sai lầm được lặp lại. Khi những nghiên cứu sai lạc này được Trung Quốc đưa lên các tạp chí hàn lâm phương Tây vào những năm 1970, họ nghiễm nhiên coi đây là “sự thật”.

Vụ kiện có ý nghĩa lịch sử

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ kiện của Philippines, chuyên gia Bill Hayton nhận định nếu PCA phán quyết phần thắng thuộc về Philippines thì đây sẽ là một phán quyết lịch sử.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không thay đổi được hiện trạng trên Biển Đông vì Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối và không công nhận phiên tòa, nên đây chỉ là một kết quả mang tính chính trị, theo ông Hayton.

Nhưng chuyên gia Hayton cũng chỉ ra thêm nếu PCA cho rằng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không tuân theo luật pháp quốc tế thì không chỉ Philippines, các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei... đều sẽ được hưởng lợi.

Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Viện nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore), phiên tòa sẽ là một cơ hội, một con đường lùi cho Trung Quốc nếu họ chấp nhận phán quyết. Ngược lại, “các áp lực của thế giới sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập. Với một quốc gia muốn trở thành một cường quốc như Trung Quốc, họ sẽ không muốn mình bị cô lập” - GS Hùng nhận định.

Tuần phán xét

48 thành viên đội ngũ tranh luận của Philippines, do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu, đã có mặt tại Hà Lan từ hôm qua để tham dự phiên điều trần đầu tiên về những khiếu nại của Philippines trước tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Các đại diện của Philippines bao gồm những quan chức tư pháp cấp cao như thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio, đại sứ Philippines tại các nước châu Âu, các chuyên gia. Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 24 đến 30-11-2015.

Việc phiên tòa PCA tuyên bố sẽ xét xử vụ kiện được coi là một thắng lợi cho Manila. Tòa tuyên bố việc Trung Quốc không tham gia phiên tòa sẽ không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của nó.

TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp