Raobot Andros F6 (Mỹ) có chức năng phá mìn - Ảnh: Remotec
Cần có thêm thời gian để ứng dụng vào thực tế tác chiến.
Giáo sư MEL SIGEL (Viện khoa học robot thuộc Đại học Carnegie-Mellon, Mỹ)
Giới nghiên cứu quân sự đã gọi vũ khí sát thương tự động (VKSTTĐ) là cuộc cách mạng công nghệ thứ ba sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.
VKSTTĐ còn gọi là giết người, tự nổ súng tiêu diệt mục tiêu mà không cần con người điều khiển. Có hai loại robot quân sự. Một là robot điều khiển từ xa (bán tự động) và robot tự động được lập trình để tự hoạt động.
Robot tử thần
Đầu tháng 7-2016, nước Mỹ rúng động vì cảnh sát đã nổ súng bắn chết hai người dân da màu vô tội ở Louisiana và Minnesota. Nhiều địa phương xuống đường biểu tình, trong đó có Dallas (bang Texas).
Đêm 7-7-2016, một gã điên bắn tỉa đã bắn chết 5 cảnh sát, 7 cảnh sát khác và 2 dân thường bị thương.
Sau 45 phút đấu súng, cảnh sát Dallas kêu gọi hung thủ đầu hàng nhưng không thành công. Khi ấy, cảnh sát trưởng David Brown quyết định sử dụng robot Remotec Andros Mark V-A1 mua tám năm trước với giá 151.000 USD.
Robot kín đáo di chuyển đặt gần nửa ký chất nổ C4 và dây điểm hỏa gần gã bắn tỉa. Cảnh sát điều khiển kích nổ từ xa tiêu diệt hung thủ nấp trong bãi đậu xe trên tầng hai. Hắn tên Micah Johnson, 25 tuổi, là dân da màu, quân nhân dự bị từng tham chiến ở Afghanistan.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Mỹ sử dụng robot tiêu diệt đối tượng. Remotec Andros Mark V-A1 là robot Andros đời F5 bán tự động do Hãng Remotec sản xuất, nặng 358kg, trang bị camera quan sát, sử dụng cánh tay nâng vật nặng đến 27kg và có thể leo cầu thang.
Từ năm 2013, quân đội Hàn Quốc đã triển khai robot tự động cố định SGR-A1 làm nhiệm vụ canh gác trên 250km dọc khu phi quân sự giáp CHDCND Triều Tiên. SGR-A1 được sản xuất từ năm 2006, nặng 117kg, cao 120cm, có giá 200.000 USD.
Nhờ cảm biến hồng ngoại và cảm biến quang, robot có thể nhận diện nhiều mục tiêu cùng lúc ở xa 4km vào ban ngày và 2km vào ban đêm, có micro và loa để trao đổi mật khẩu, có phần mềm nhận diện hình dạng để phân biệt con người với thú vật.
Nếu đối tượng bị phát hiện nói sai mật khẩu, robot sẽ phát âm thanh báo động, bắn đạn cao su hoặc khai hỏa. Chốt kiểm soát phát lệnh khai hỏa nhưng cũng có tùy chọn để robot tự động khai hỏa mà không cần lệnh con người.
SGR-A1 được trang bị súng máy Daewoo K3 5.56mm và súng phóng lựu 40mm có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 3,2km. Robot được thiết kế sẽ không nổ súng nếu đối phương giơ tay đầu hàng.
Robot cố định SGR-A1 được quân đội Hàn Quốc bố trí tại vùng phi quân sự từ năm 2013 - Ảnh: AFP
Tiết kiệm "giá máu"
Robot tự động SGR-A1 là một ví dụ về khái niệm "chiến tranh sạch" ra đời vào đầu thập niên 1990.
Giáo sư Matt Blaze ở Đại học Pennsylvania (Mỹ) giải thích "chiến tranh sạch" được dùng để chỉ chiến tranh không ảnh hưởng đến dân thường, không gây nguy hiểm đến tính mạng binh sĩ nhờ tấn công có mục tiêu và không bị công luận chỉ trích.
Từ 20 năm nay, điều khiển học ngày càng giữ vai trò quan trọng trong học thuyết "chiến tranh sạch" của các cường quốc.
Tại hội chợ quốc tế về công nghiệp vũ khí Eurosatory hồi tháng 6-2018 ở Paris (Pháp), bên cạnh các loại vũ khí truyền thống như pháo, xe tăng, tên lửa... là các loại robot mới như robot bán tự động Optio X20 trang bị pháo 20mm của Pháp, máy bay không người lái loại nhỏ Rotem 1200 của Israel có chức năng đánh bom liều chết.
Công ty tư vấn WinterGreen Research (Mỹ) dự báo thị trường robot quân sự có thể trên 10 tỉ USD vào năm 2021.
Giá robot không rẻ nhưng sử dụng robot thay thế binh sĩ có nhiều cái lợi. Ông Huh Kwang Hak - người phát ngôn của Samsung Techwin (Hàn Quốc), công ty chế tạo robot SGR-A1 - đã giải thích:
"Các binh sĩ có thể ngủ quên trong khi trực gác hoặc phải trả giá vì mất cảnh giác. SGR-A1 không có điểm yếu này và cũng không lười biếng. Nó không biết sợ chiến đấu hay kẻ thù, không chống lệnh, tiết kiệm sinh mạng và giảm được ngân sách quốc phòng".
Với robot SGR-A1, quân đội Hàn Quốc đã cắt giảm được hàng trăm binh sĩ canh gác. Ngoài ra, robot không cần hưởng lương hay trợ cấp cựu chiến binh và rất dễ thay thế.
Phạm vi phát triển robot quân sự rất rộng, từ robot loại nhỏ dò mìn, robot trinh sát trong môi trường khó xâm nhập, robot mang vác thiết bị cho đến máy bay không người lái. Riêng robot mặt đất có ba loại: robot loại nhỏ, xe chiến đấu robot và robot hạng nặng đa năng.
Từ robot điều khiển từ xa, các cường quốc quân sự tiến đến chế tạo VKSTTĐ. Đây là hệ thống vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo hoạt động tự động trên chiến trường, tức có khả năng nhận diện mục tiêu, di chuyển và ẩn nấp để chọn đường đạn, sau đó khai hỏa tiêu diệt mục tiêu.
Nhà báo Nga Vasily Sychev nhận xét cách đây vài năm, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức và một số nước tuyên bố không nhắm đến mục tiêu chế tạo VKSTTĐ. Nhưng trên thực tế, Mỹ, Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt trong nghiên cứu và phát triển VKSTTĐ.
Một số nước khác như Pháp, Anh, Úc, Israel, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc không muốn lạc hậu cũng bám theo.
Nhà nghiên cứu học thuyết quân sự Peter Singer (Mỹ) ghi nhận cuộc chạy đua VKSTTĐ tuy âm thầm nhưng lại mang tính chất toàn cầu vì có đến 45 quốc gia chế tạo, mua bán và sử dụng robot mặt đất, trong đó đi đầu là Mỹ.
Các robot quân sự được trưng bày tại hội chợ quốc tế về công nghiệp vũ khí Eurosatory ở Paris vào tháng 6-2018 - Ảnh: eurosatory.com
Chưa có robot hoàn toàn tự động
Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu vũ khí sát thương tự động có ba yếu tố cần lưu ý.
Một, chưa có robot hoạt động hoàn toàn tự động mà vẫn được điều khiển từ xa.
Hai, đây không phải là hệ thống vũ khí được thiết kế riêng mà là "bình mới rượu cũ", nghĩa là tăng thêm chức năng mới cho robot cũ như trang bị thêm cho robot mặt đất súng tiểu liên, súng phóng lựu và thậm chí tên lửa đất đối không.
Ba, trên thế giới đang có nhiều ý kiến phản đối việc triển khai vũ khí sát thương tự động ra chiến trường.
Kỳ tới: 30% quân đội Mỹ sẽ là robot
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận