Máy bay không người lái của Trung Quốc trong một lần giới thiệu trước công chúng - Ảnh chụp lại màn hình |
Những chiếc UAV trên là sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Chúng sẽ hoạt động trên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật cũng như toàn bộ Biển Đông.
“Các bãi đá và đảo là những phần quan trọng của lãnh thổ quốc gia chúng tôi. Thông tin địa lý chính xác về chúng là bằng chứng quan trọng để phân định lãnh hải và bảo vệ chủ quyền hàng hải quốc gia và an ninh” - ông Li Yingcheng, tổng giám đốc Công ty TopRS Technology Co. Ltd - đơn vị sản xuất UAV, khẳng định với tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc.
Ông Li cũng lưu ý “nhiều đảo và đá ở Biển Đông có phần chìm dưới nước rộng hơn những gì quan sát từ trên không”.
Chủ ý tham gia cuộc chơi
Các kỹ sư Trung Quốc đã thiết kế hai mẫu UAV ZC-5B và ZC-10 để thực hiện mục đích theo dõi “các đảo nằm ở xa và khó tiếp cận”.
Chúng được trang bị hệ thống dẫn đường Beidou và có tầm hoạt động xa đến 1.500 hải lý. Mẫu ZC-5B được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ, có tầm hoạt động 1.400km và hoạt động liên tục 30 giờ.
Trước đó vài tháng, truyền thông Trung Quốc từng khoe quân đội nước này còn sở hữu một loại UAV tầm xa mới có tên là Li Jian (Lợi Kiếm).
Với bán kính hoạt động 4.000km, Lợi Kiếm có thể mang theo bom, tên lửa để tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở tây Thái Bình Dương, và có thể được triển khai hoạt động ở eo biển Đài Loan, Biển Đông.
“Vùng trời trên các đảo có tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông đang ngày càng trở thành mặt trận của các cuộc cạnh tranh về UAV” - ông Michael Boyle, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định.
Theo ông Boyle, công nghệ UAV đang thay đổi cơ bản các định nghĩa về cạnh tranh toàn cầu cũng như các quy tắc cơ bản đối với nhiều cuộc xung đột và đối đầu kéo dài.
Theo đó, với các thiết bị do thám không người lái được triển khai hàng loạt, quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát những thay đổi trên bề mặt các đảo, nắm tình hình bố phòng của lực lượng đồn trú trên đảo, giám sát sự di chuyển của tàu thuyền, từ đó đề ra các chiến lược đối phó trước một thời gian dài.
Chơi chiến thuật “ruồi bu”
Chuyên gia Ian Easton, người từng nghiên cứu rất nhiều tạp chí kỹ thuật quân sự bằng tiếng Trung của Bắc Kinh, cho rằng không như UAV của Mỹ, các UAV của Trung Quốc được thiết kế để tác chiến ở không phận hẹp, rất phù hợp để theo dõi và thậm chí tham chiến tại Biển Đông.
Một số sĩ quan quân đội Trung Quốc thậm chí đã nghĩ đến việc sử dụng chiến thuật “ruồi bu” UAV để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn của đối phương, đặc biệt là các tàu sân bay của Mỹ.
Để thực hiện chiến thuật này, Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất một lực lượng UAV hùng hậu lên đến 42.000 chiếc với tổng trị giá khoảng 10,5 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2023, theo tạp chí National Interest.
Hồi tháng 5-2016, trang Fox News cũng đã công bố độc quyền các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc lần đầu tiên triển khai một máy bay không người lái với công nghệ tàng hình đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) được Fox News công bố ngày 26-5 cho thấy máy bay không người lái Harbin BZK-005 xuất hiện trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Harbin BZK-005 là máy bay không người lái do thám tầm xa có thể bay được đến 40 giờ, không trang bị vũ khí. BZK-005 không có khả năng phóng tên lửa như các loại máy bay không người lái khác của Trung Quốc.
Cũng trong năm 2015, truyền thông Mỹ dẫn bản báo cáo của Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Washington cho thấy trong tương lai gần, Trung Quốc có thể gây tổn thất nặng nề mang tính hủy diệt cho quân đội Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay và các căn cứ hải quân, bằng các loại vũ khí mới - các UAV có tầm bay xa và thời gian hoạt động lâu dài.
Nếu như lâu nay các UAV tầm trung được sử dụng chủ yếu để do thám thì những UAV tầm xa dạng này có thể giáng những đòn tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự các nước láng giềng cũng như các căn cứ chiến lược của Mỹ ở Okinawa, Philippines hoặc trên đảo Guam.
Tàu ngầm không người lái đáng sợ không kém “Các quốc gia đang ngày càng thấy rằng những tàu chiến và máy bay chiến đấu lộ diện đang trở thành mục tiêu của các hệ thống rađa hiện đại và tiếp đó hiển nhiên là hệ thống tên lửa đánh chặn của đối phương” - chuyên gia Bryan Clark, thuộc Trung tâm Thẩm định chiến lược và ngân sách (CSBA), nhận định. Nhiều nước đang tập trung phát triển các công nghệ do thám ngầm dưới nước bằng loại tàu ngầm nhỏ không người lái. Chuyên gia Clark cảnh báo: “Khuynh hướng trên đặc biệt rõ ở châu Á trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự. Trung Quốc đến nay đã chuẩn bị được khả năng phòng không và phòng thủ biển cực kỳ tinh vi cho phép ngăn chặn được mọi tàu chiến hoặc tàu sân bay của đối phương có thể tiếp cận vùng biển của mình”. Trong thời gian qua, Bắc Kinh cũng đã gia tăng thực lực của đội tàu ngầm tấn công. Theo số liệu của các chuyên gia, đến nay Trung Quốc có khoảng 50 tàu ngầm chiến đấu chạy dầu diesel và 5 tàu ngầm tấn công hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận