7h sáng ngày 25-1-1995, Na Uy phóng tên lửa khí tượng Black Brant XII từ đảo Andoya để nghiên cứu hiện tượng cực quang. Tên lửa có kích thước như tên lửa hạt nhân Trident D-5 của Mỹ lại bay theo quỹ đạo khớp với quỹ đạo Bộ Quốc phòng Nga đánh giá là tối ưu nhất trong trường hợp Mỹ tấn công Nga.
Quy trình tấn công hạt nhân của Mỹ
Hệ thống cảnh báo sớm của Nga phát cảnh báo. Trong cuộc họp khẩn cấp, ba chiếc cặp hạt nhân được đặt giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pavel Grachev, Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolsnikov và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Quân đội Nga đánh giá tên lửa được phóng đi để tạo xung điện từ đánh sập mạng lưới radar và liên lạc Nga.
Ba cặp hạt nhân được kích hoạt. Các lực lượng hạt nhân chiến lược sẵn sàng. Theo trang Russia Beyond (Nga), căng thẳng chỉ lắng xuống sau khi có thông tin rõ ràng tên lửa đã rơi xuống nước gần đảo Spitsbergen (Na Uy). Sau đó, ba chiếc cặp hạt nhân đã được khóa lại.
Nhà nghiên cứu Jorge Morales Pedraza (Áo) giả định nếu hệ thống chỉ huy điều khiển hạt nhân Mỹ phát hiện tên lửa Nga bay tới Mỹ, tổng thống sẽ có 7 phút để quyết định. Chỉ duy nhất tổng thống có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân. Mỹ đã dự kiến hai trường hợp tấn công hạt nhân gồm trả đũa khi bị tấn công hạt nhân và tấn công hạt nhân phủ đầu.
Trường hợp đầu tiên (phóng theo cảnh báo) có ba bước gồm phát hiện sớm vụ tấn công, quy trình ra quyết định của tổng thống và các chỉ huy kho vũ khí hạt nhân thực hiện lệnh phóng. Theo quy trình, sau khi nhận được thông tin bị tấn công hạt nhân, Bộ Quốc phòng có một phút để báo cáo với tổng thống.
Tổng thống sẽ tham khảo ý kiến các cố vấn quân sự và dân sự nên đáp trả hay không. Tại Nhà Trắng sẽ có cuộc họp ở Phòng Tình huống. Tham gia cuộc họp sẽ có mặt phó giám đốc tác chiến Lầu Năm Góc phụ trách Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia (NMCC). Trung tâm này được gọi là "phòng chiến tranh" phụ trách chuẩn bị và truyền lệnh phóng của tổng thống.
Sau khi tổng thống phát lệnh trả đũa, "phòng chiến tranh" phải xác thực người ra lệnh tấn công đúng là tổng thống. Sĩ quan đọc mã xác thực gồm hai từ trong bảng chữ cái quân sự. Tổng thống mở cặp hạt nhân lấy thẻ chứa mật mã gồm hai từ có cùng ký tự quân sự.
Sau đó, "phòng chiến tranh" phát lệnh phóng đến các đội phóng trên tàu ngầm, máy bay và tên lửa dưới hầm chứa. Lệnh phóng đã mã hóa khoảng 150 ký tự nêu kế hoạch tác chiến, thời gian phóng, mã xác thực và mã mở khóa tên lửa.
Các đội phóng mở két lấy mã hệ thống xác thực (SAS) so sánh với mã trong lệnh phóng. Nếu mã trùng khớp, các đội sẽ nhập số kế hoạch tác chiến trong lệnh phóng vào máy tính và sử dụng mã trong lệnh phóng mở khóa tên lửa. Vào thời điểm phóng được chỉ định, năm đội đồng thời kích hoạt chìa khóa gửi năm "phiếu" cho các tên lửa.
Chỉ cần hai "phiếu" là đủ điều kiện phóng tên lửa. Do đó, kể cả khi ba đội phóng không thi hành lệnh thì vụ phóng vẫn không bị gián đoạn. Như vậy mất 5 phút để 400 tên lửa ICBM Minuteman dưới hầm ngầm phóng đi và mất khoảng 15 phút để tàu ngầm phóng tên lửa.
Trong trường hợp tấn công hạt nhân phủ đầu, theo hướng dẫn của Quốc hội về các ghi chú thủ tục, Mỹ không đặt ra quy trình riêng về tấn công phủ đầu do tổng thống Mỹ ra lệnh. Hai trường hợp nêu trên đều dễ phạm sai lầm.
Theo quy trình "phóng theo cảnh báo", thời gian đưa ra quyết định quá ngắn. Đối với tấn công phủ đầu, nhiều nghị sĩ Mỹ đề nghị cần có quy trình cụ thể như quy trình "phóng theo cảnh báo" chứ không để tổng thống là người duy nhất quyết định.
Nga: 11 bước từ cảnh báo đến phóng tên lửa
Theo sắc lệnh hành pháp số 355 có tiêu đề "Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân" có hiệu lực ngày 2-6-2020, quyền quyết định tối cao về sử dụng vũ khí hạt nhân thuộc về tổng thống Nga. Mạng truyền hình PBS (Mỹ) ghi nhận tổng thống Nga có 10 phút để quyết định phản công hạt nhân. Quy trình gồm 11 bước:
- Bước 1 (59 giây đầu): Các vệ tinh Nga phát hiện tên lửa. Hệ thống cảnh báo sớm phân tích thông tin. Trung tâm cảnh báo sớm ở Matxcơva kiểm tra và chuyển thông tin đến trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu.
- Bước 2 (từ phút thứ 1 đến 1 phút 59): Trung tâm chỉ huy kiểm tra nếu thông tin tin cậy sẽ phát cảnh báo tới ba chiếc cặp hạt nhân (tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng giữ) và trung tâm chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược.
- Bước 3 (từ phút thứ 2 đến 2 phút 59): Trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu mở đường dây liên lạc đặc biệt đến các vị trí tên lửa và bệ phóng di động.
- Bước 4 (từ phút thứ 3 đến 3 phút 59): Ba nhân vật mang cặp hạt nhân tham vấn qua điện thoại và liên lạc với các trung tâm cảnh báo sớm để xác nhận.
- Bước 5 (từ phút thứ 4 đến 4 phút 59): Tên lửa nằm trong tầm hoạt động của các trung tâm radar mặt đất. Các trung tâm xác nhận báo cáo của vệ tinh.
- Bước 6 (từ phút thứ 5 đến 5 phút 59): Nếu quyết định đáp trả, tổng thống chuyển mã cấp phép có trong cặp hạt nhân cho bộ tổng tham mưu, không quân, hải quân và trung tâm chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược.
- Bước 7 (từ phút thứ 6 đến 6 phút 59): Trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu truyền mã cho phép, kế hoạch tác chiến và mã mở khóa.
- Bước 8 (từ phút thứ 7 đến 7 phút 59): Sĩ quan chỉ huy tại mỗi điểm phóng phải xác nhận mệnh lệnh bằng cách so sánh mã cho phép đã nhận với mã lưu tại két an toàn.
- Bước 9 (từ phút thứ 8 đến 8 phút 59): Sĩ quan chỉ huy tại mỗi điểm phóng kích hoạt hệ thống tên lửa bằng chìa khóa an toàn và nhập mã mở khóa.
- Bước 10 (từ phút thứ 9 đến 9 phút 59): Các sĩ quan chỉ huy hoàn tất quy trình phóng cuối cùng.
- Bước 11 (từ phút thứ 9 đến 9 phút 59): Các sĩ quan chỉ huy phóng tên lửa.
Theo sắc lệnh hành pháp đã nêu, tổng thống Nga không có thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu. Sắc lệnh cũng không đề cập đến vấn đề tấn công hạt nhân phủ đầu trong xung đột thông thường.
Hai quy trình tấn công hạt nhân của Mỹ và Nga có 6 điểm giống nhau và khác nhau:
- Ở Mỹ và Nga, tổng thống đều là người duy nhất quyết định tấn công hạt nhân.
- Các cơ quan lập pháp ở Mỹ và Nga không có vai trò trong quy trình tấn công hạt nhân.
- Tổng thống Mỹ có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu, nhưng tổng thống Nga thì không.
- Nga có ba chiếc cặp hạt nhân, còn Mỹ chỉ có một cặp hạt nhân.
- Ở Nga, ba nhân vật giữ chiếc cặp hạt nhân tham vấn với nhau, trong khi ở Mỹ, tổng thống hỏi ý kiến các cố vấn trước.
- Các lực lượng hạt nhân chiến lược ở hai quốc gia là đơn vị thực hiện lệnh phóng của tổng thống.
----------
Kỳ tới: Tổng thống hầm ngon, dân thường tự kiếm
Ở Mỹ và Anh, hầm ngầm chỉ dành cho các nhà chính trị, giới tinh hoa và quan chức. Chính phủ không chú trọng xây hầm trú ẩn cho người dân như ở Thụy Sĩ hoặc Liên Xô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận