18/03/2023 11:12 GMT+7

Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 2: 'Siêu bom' hạt nhân 100 megaton kiểu Mỹ

Theo nhiều tài liệu giải mật của Mỹ, trong một thời gian dài các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu "siêu bom" hạt nhân với sức công phá lên đến 100 megaton, tức gấp đôi sức nổ bom Tsar Bomba của Liên Xô.

Bom Flashback lớn đến mức phải treo bên ngoài khoang pháo đài bay B-52 - Ảnh: theaviationgeekclub.com

Bom Flashback lớn đến mức phải treo bên ngoài khoang pháo đài bay B-52 - Ảnh: theaviationgeekclub.com

Thậm chí Mỹ còn nghiên cứu thiết kế vũ khí có sức công phá đến 1.000 megaton.

EDWARD TELLER
Sức nổ 15 megaton chỉ là trò trẻ con.

Không quân Mỹ muốn "siêu bom"

Theo bài viết đăng trên tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ), PGS.TS Alex Wellerstein - giám đốc nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) - cho biết từ tháng 10-1944, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ đã tính toán thiết kế "siêu bom" nhiệt hạch (bom H) đạt sức công phá 100 megaton, tức gấp nhiều ngàn lần hai quả bom được thả xuống Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai sau đó.

Mùa xuân năm 1951, hai nhà vật lý hạt nhân Edward Teller và Stanislaw Ulam bắt đầu phát triển "siêu bom". Tháng 11-1952, Mỹ thử nghiệm thiết bị Sausage đạt sức nổ 10 megaton. Một phiên bản thiết kế nhỏ gọn hơn (bom Castle Bravo) được thử nghiệm vào đầu tháng 3-1954 trên đảo Bikini đã đạt sức nổ đến 15 megaton. Bụi phóng xạ phát sinh nhiều hơn dự kiến đến mức phải sơ tán dân trên các đảo san hô dưới chiều gió.

Vài tháng sau, Teller tuyên bố sức nổ 15 megaton chỉ là trò trẻ con. Trong một cuộc họp bí mật của Ủy ban Năng lượng nguyên tử (AEC), Teller báo cáo Phòng thí nghiệm quốc gia Livermore đang nghiên cứu hai thiết kế vũ khí mới Gnomon và Sundial. Gnomon đạt sức nổ "khủng" 1.000 megaton được dùng làm mồi kích hoạt… Sundial 10.000 megaton.

Phần lớn báo cáo của Teller được giữ bí mật đến nay nhưng một số nhà khoa học tham dự cuộc họp kể lại họ đã bị sốc. Ai cũng tưởng Teller chỉ muốn "nổ" nhưng quả thật Livermore đang nghiên cứu Gnomon.

Năm 2015, một số tài liệu giải mật cho thấy đến tháng 3-1955 đã có ít nhất 40 nghiên cứu về Gnomon. Song trong tài liệu, trừ ngày và con số ra thì các từ đều bị Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) đục bỏ.

Cuối thập niên 1950, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) thúc đẩy chế tạo "siêu bom" 60 megaton và chỉ định đây là ưu tiên hàng đầu của SAC. Dù vậy, trong nội bộ có nhiều ý kiến chỉ trích. Theo tài liệu lưu trữ về thử nghiệm hạt nhân Mỹ, thành viên AEC Thomas Murray đã kiến nghị với Tổng thống Eisenhower liệu có cần thiết chế tạo "siêu bom" hay không và "siêu bom" có phù hợp với nguyên tắc đạo đức về sử dụng vũ lực theo cách ôn hòa và có phân biệt đối xử trong chiến tranh hay không.

Eisenhower bèn ủy quyền cho Lầu Năm Góc và AEC nghiên cứu. Cuối cùng họ kết luận có lẽ không thích hợp phát triển "siêu bom" vì phát sinh dư luận tiêu cực trong và ngoài nước. Dù vậy, kết luận vẫn khẳng định: "Khía cạnh đạo đức của việc sử dụng vũ khí cỡ lớn không khác với sử dụng mọi loại vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt".

Theo các tác giả Ernest May, John D. Steinbruner và Thomas W. Wolfe trong cuốn sách Lịch sử chạy đua vũ khí chiến lược 1945-1972, năm 1958 SAC vẫn tiếp tục yêu cầu AEC nghiên cứu vũ khí lớn có sức công phá từ 100-1.000 megaton. 

Sau đó, một báo cáo của SAC được giải mật nêu: "Bộ tham mưu không quân kết luận việc sử dụng vũ khí 1.000 megaton có thể khả thi nhưng không mong muốn. Nguyên do vì chất phóng xạ gây chết người có thể không chỉ khu trú trong giới hạn quốc gia thù địch và thử nghiệm loại vũ khí như vậy có thể không thực tế, vậy nên vào tháng 4-1959, Hội đồng Không quân quyết định hoãn đưa ra quan điểm về vấn đề này".

Bom nhiệt hạch B-41 (Mark 41), may là chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: atomicarchive.com

Bom nhiệt hạch B-41 (Mark 41), may là chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: atomicarchive.com

Đợi chỉ đạo của tổng thống để chế tạo "siêu bom"

Cuối tháng 8-1961, Giám đốc Ủy ban Giải trừ quân bị Mỹ John McCloy báo cáo trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev, ông Khrushchev tuyên bố Liên Xô sẽ cần thử nghiệm vũ khí 100 megaton để biết thiết kế có hoạt động hay không. Cuộc tranh luận về "siêu bom" lại bùng lên ở Mỹ.

Ngày 18-10-1961, Chủ tịch AEC Glenn Seaborg gửi báo cáo cho Tổng thống Kennedy giải thích về "siêu bom" 100 megaton và cho rằng nếu xác định đây là mục tiêu ưu tiên cao nhất thì Mỹ sẽ có "siêu bom" trong vòng từ 6-12 tháng. Dù vậy, Seaborg vẫn thuyết phục thử nghiệm "siêu bom" là ý tưởng tồi. 

Một số nhà khoa học Mỹ khẳng định "siêu bom" vô ích về chiến lược vì bom 100 megaton giải phóng năng lượng gấp 10 lần bom 10 megaton nhưng vụ nổ 100 megaton gây sát thương chỉ gấp đôi bom 10 megaton trong khi bom 100 megaton lại nặng hơn gấp 10 lần nên khó triển khai bằng máy bay hoặc tên lửa.

Chỉ vài ngày trước khi Liên Xô thử nghiệm "siêu bom" Tsar Bomba vào sáng 30-10-1961, để trấn an dân Mỹ và các đồng minh, lần đầu tiên một nghị sĩ Mỹ tiết lộ Mỹ đã chế tạo "vũ khí năng lượng rất cao" với sức nổ khoảng 25 megaton. Một tài liệu hiếm hoi được giải mật sau này (có thể giải mật nhầm) đã nêu con số chính xác là 23 megaton. 

Cuối năm 1962, Chủ tịch AEC Seaborg báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara AEC đã sẵn sàng phát triển "siêu bom" nhưng ông tiếp tục cảnh báo cần phải tăng đầu tư đáng kể và ông sẽ không làm điều đó nếu không có chỉ đạo rõ ràng từ tổng thống.

Tháng 3-1963, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân chính thức yêu cầu phát triển "vũ khí năng lượng rất cao" ném từ máy bay B-52. Seaborg tỏ ra lạnh nhạt và nhấn mạnh chính tổng thống phải đưa ra quyết định, song theo quy trình ông vẫn báo cáo rằng các phòng thí nghiệm cho biết bom dễ chế tạo nhất là bom Mark 41 thu nhỏ nặng 15,8 tấn, đường kính 1,7m, dài 7,7m có sức công phá 50 megaton. Đây gần như là kích thước tối đa vừa với khoang chứa bom của máy bay B-52.

Ghi hình vụ thử nghiệm bom hạt nhân tại bãi thử trong sa mạc Nevada năm 1958 Ảnh: atomcentral.com

Ghi hình vụ thử nghiệm bom hạt nhân tại bãi thử trong sa mạc Nevada năm 1958 Ảnh: atomcentral.com

Ngày 5-8-1963, Mỹ, Anh và Liên Xô ký kết Hiệp ước Cấm thử nghiệm có giới hạn (LTBT có hiệu lực từ ngày 10-10-1963) quy định cấm thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước (có thể thử nghiệm giới hạn dưới lòng đất). 

Sau hiệp ước, mục tiêu chế tạo "siêu bom" của Mỹ vẫn chưa dừng lại. Tuy tuyên bố không quan tâm đến "vũ khí năng lượng rất cao" nhưng Mỹ vẫn nghiên cứu bom nhiệt hạch Flashback đạt sức nổ từ 50-100 megaton để đề phòng Liên Xô vi phạm hiệp ước.

Năm 1968, mối quan tâm về "vũ khí năng lượng rất cao" không còn phù hợp nữa. CIA kết luận Liên Xô không vi phạm hiệp ước mà chỉ chú trọng sử dụng nhiều đầu đạn nhỏ trên một tên lửa để tấn công nhiều mục tiêu. Năm 1996, Liên Hiệp Quốc thông qua Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) nhưng đến nay hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực.

Vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Mỹ đã từng chế tạo trong thời kỳ chạy đua vũ trang khốc liệt với Liên Xô là bom Mark 41 với sức nổ khoảng 25 megaton, tuy nhiên bom chưa từng được thử nghiệm. Đến nay sức nổ chính xác và thông tin chi tiết về quá trình phát triển bom Mark 41 vẫn còn trong vòng bí mật.

Có lúc thế giới đã ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi Mỹ và Liên Xô phát cảnh báo bị tấn công hạt nhân. May mà hai bên phát hiện kịp thời và không trả đũa.

Kỳ tới: Cuộc gọi báo động lúc 3 giờ

Vũ khí hạt nhân và "bóng ma ngày tận thế" - Kỳ 1: Liên Xô từng phát triển "siêu bom" thế nào?Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 1: Liên Xô từng phát triển 'siêu bom' thế nào?

Vào thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã từng ráo riết chạy đua chế tạo "siêu bom" hạt nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp