17/03/2023 10:46 GMT+7

Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 1: Liên Xô từng phát triển 'siêu bom' thế nào?

Vào thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã từng ráo riết chạy đua chế tạo "siêu bom" hạt nhân.

Quả cầu lửa trong vụ thử nghiệm bom Tsar Bomba ngày 30-10-1961 - Ảnh: ROSATOM

Quả cầu lửa trong vụ thử nghiệm bom Tsar Bomba ngày 30-10-1961 - Ảnh: ROSATOM

Nhiều vụ báo động giả tấn công hạt nhân xảy ra trong nỗi sợ hãi chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Nỗi ám ảnh ngày tận thế giờ lại như lờ mờ tái diễn sau khi hiệp ước New START không còn giá trị ràng buộc.

Ý tưởng chế tạo bom nhiệt hạch (bom H, bom hydro hay bom khinh khí) với sức công phá hàng trăm megaton không phải là chuyện bất thường vào cuối những năm 1950.

Liên Xô nỗ lực phát triển vũ khí có sức công phá lớn để chống lại Mỹ bành trướng trong lĩnh vực vũ khí nhiệt hạch.

Tạp chí RUSSIA BEYOND

Cảnh tượng kỳ quái, siêu thực và thật đáng sợ!

Rạng sáng ngày 30-10-1961, một máy bay ném bom Tu-95-202 của Liên Xô bay qua biển Barents đến quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực. Treo dưới bụng máy bay là quả bom H khổng lồ như chiếc xe buýt trường học nhỏ.

Trước đó, bom đã được vận chuyển bằng đường sắt đến căn cứ không quân Olenya trên bán đảo Kola. Máy bay được sơn lớp sơn phản quang màu trắng đặc biệt để bảo vệ khỏi bức xạ nhiệt từ vụ nổ gây ra.

Các thiết bị đo lường được gắn khắp máy bay. Máy bay thứ hai bay bên cạnh phụ trách quay phim và theo dõi mức phóng xạ.

Tạp chí Russia Beyond (Nga) mô tả quả bom nặng 26 tấn, dài gần 8m, đường kính 2m và đây là quả bom H mạnh nhất trong lịch sử loài người.

Tên chính thức là RDS-220 nhưng bom được biết đến nhiều hơn với cái tên Tsar Bomba (bom Sa hoàng), cái tên không rõ ai gọi đầu tiên. Bom được thiết kế đạt sức nổ 100 megaton song sức nổ trong thử nghiệm giảm còn 50 megaton (50 triệu tấn thuốc nổ TNT) để giảm mức phóng xạ.

11h32, máy bay thả "siêu bom" Tsar Bomba từ độ cao 10.500m xuống khu thử nghiệm hạt nhân Sukhoy Nos trên đảo Severny. Chiếc dù khổng lồ nặng gần 1 tấn bung ra hãm đà rơi để phi công đưa máy bay đến khoảng cách an toàn.

Một phút sau, bom phát nổ từ độ cao 4.000m. Ánh sáng chớp lóa kéo dài hơn một phút. Quả cầu lửa tỏa ra với đường kính gần 9,7km. Trong vài phút, quả cầu lửa biến thành đám mây hình nấm lớn. Trong 10 phút, đám mây đạt tới độ cao 67km với đường kính khoảng 96km và có thể quan sát được từ xa 1.000km.

Một người quay phim quan sát từ quần đảo Novaya Zemlya nhớ lại: "Quả cầu lửa màu đỏ có kích thước khổng lồ bốc lên cao và lớn dần.

Nó càng lúc càng lớn và khi đạt đến kích thước khổng lồ vẫn tăng thêm. Đất dường như bị hút vào phía dưới nó trông giống cái phễu. Cảnh tượng vô cùng kỳ quái, siêu thực và quả cầu lửa như ở hành tinh khác. Thật đáng sợ!".

Mặc dù bom nổ cách mặt đất 4.000m nhưng khắp thế giới ghi nhận sóng địa chấn mạnh như động đất trên 5 độ Richter. Máy bay Tu-95 chở quả bom đã bay rất xa nhưng sóng xung kích đã làm máy bay lập tức mất độ cao 1.000m, sau đó máy bay may mắn hạ cánh an toàn.

Các nhà quay phim Liên Xô đã thực hiện một bộ phim tài liệu tuyệt mật dài 30 phút có tiêu đề "Thử nghiệm bom nhiệt hạch sạch với sức công phá 50 megaton". Bộ phim đã được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) giải mật vào tháng 8-2020.

Bom Tsar Bomba trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí hạt nhân Sarov (Nga) - Ảnh: TASS

Bom Tsar Bomba trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí hạt nhân Sarov (Nga) - Ảnh: TASS

Bom mạnh gấp ngàn lần bom nguyên tử năm 1945

Trong bài viết "Bí mật bom H của Liên Xô" đăng trên tạp chí Physics Today, hai tiến sĩ sử học Mỹ Alex Wellerstein và Edward Geist ghi nhận Liên Xô bắt đầu chú ý đến "siêu bom" sau khi tin tình báo xác định Mỹ đang nỗ lực bước đầu chế tạo bom H.

Năm 1953, Liên Xô thử nghiệm bom đạt sức nổ 500 kiloton. Tháng 11-1955, Liên Xô thử nghiệm "siêu bom" đầu tiên đạt sức nổ 1,6 megaton (bom nhiệt hạch RDS-37). Cuối năm 1955, tướng KGB Avraamiy P. Zavenyagin đề xuất tăng sức nổ lên "vài chục megaton".

Trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân Chelyabinsk-70 của Liên Xô bắt đầu thiết kế "siêu bom" RDS-202. Mùa thu năm 1956, bom đã sẵn sàng thử nghiệm nhưng do không chắc chắn tác động xảy ra của loại vũ khí lớn như vậy, Liên Xô đã hoãn thử nghiệm chờ nghiên cứu bổ sung.

Trong bài viết trên tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ), PGS.TS Alex Wellerstein - giám đốc nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) - ghi nhận sau khi tướng Zavenyagin qua đời vào cuối năm 1956, dự án bom RDS-202 được lệnh dừng vào tháng 3-1957. Các bộ phận được tháo dỡ và tái chế, chỉ còn để lại vỏ bom.

Trong khi đó, các nghiên cứu thiết kế bom H của Liên Xô đã được cải thiện đáng kể. Hai nhà vật lý trẻ Yuri Trutnev và Yuri Babaev tại trung tâm phát triển vũ khí hạt nhân Arzamas-16 đã đưa ra nguyên lý mới chế tạo đầu đạn hiệu quả hơn và phát tiếng nổ lớn hơn.

Thiết kế bom mới được thử nghiệm thành công vào tháng 2-1958. Nhà vật lý Igor Kurchatov ("cha đẻ" của bom nguyên tử Liên Xô) báo cáo từ nay Liên Xô đã có bom nguyên tử và bom H mạnh hơn, hiện đại hơn, đáng tin cậy hơn, nhỏ gọn hơn và rẻ tiền hơn.

Cuối năm 1958, Mỹ và Liên Xô đồng ý tạm dừng thử nghiệm hạt nhân. Đến tháng 5-1960, nhiều bài báo nước ngoài viết Mỹ đang nghiên cứu "siêu bom" có sức nổ "hàng ngàn megaton".

Các nhà vật lý hạt nhân Liên Xô nghiên cứu bom Tsar Bomba Ảnh: ROSATOM2

Các nhà vật lý hạt nhân Liên Xô nghiên cứu bom Tsar Bomba Ảnh: ROSATOM2

Các nhà khoa học Liên Xô tin là thật và lập tức chế tạo bom Tsar Bomba. Ban đầu họ thiết kế vụ thử bom có sức nổ nhỏ nhưng sau khi bắt gặp vỏ bom từ dự án bom RDS-202, họ đã thiết kế loại bom mới cùng kích thước và trọng lượng như RDS-202 nhưng sức nổ gấp đôi. Rất ít thông tin chi tiết về thiết kế này được tiết lộ.

Theo các tài liệu thời chính quyền tổng thống Kennedy được giải mật, ngày 10-7-1961 chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev đã triệu tập các nhà khoa học hạt nhân từ Arzamas-16 đến để thông báo kế hoạch tiếp tục thử nghiệm.

Tại cuộc gặp này có nhà khoa học nào đó đã đề xuất chế tạo bom 100 megaton. Đến ngày 30-8-1961, Liên Xô tuyên bố từ bỏ thỏa thuận cấm thử nghiệm hạt nhân và khẳng định "Liên Xô đã soạn thảo kế hoạch chế tạo hàng loạt bom hạt nhân siêu mạnh 20, 30, 50 và 100 triệu tấn TNT".

Đầu tháng 9, Liên Xô tiến hành nhiều vụ thử với bom đạt sức nổ đến 12,5 megaton. Đến ngày 17-10, Khrushchev chính thức thông báo cuối tháng 10 Liên Xô sẽ thử nghiệm bom H có sức công phá 50 megaton nhằm kiểm tra thiết bị kích hoạt bom 100 megaton. Ngày 30-10-1961, "siêu bom" Tsar Bomba đã được thử nghiệm.


Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử 15 kiloton xuống Hiroshima và 20 kiloton xuống Nagasaki (Nhật) vào tháng 8-1945.

Cứ thử tính toán, bom Tsar Bomba có sức công phá đến 50 megaton, tức tương đương 3.800 quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật).

Trong khi đó, chỉ cần một quả bom 10 megaton cũng đủ hủy diệt toàn khu vực trung tâm một thành phố lớn. Sóng nổ và sức nóng có thể tàn phá hơn 2.500km2 và gây thương vong cho nhiều triệu người. Mức phóng xạ sẽ tăng hàng trăm lần gây ô nhiễm trên quy mô rất lớn.

_________________________________________

Dù chỉ trích Liên Xô thử nghiệm bom Tsar Bomba là không cần thiết nhưng Mỹ vẫn nghiên cứu "siêu bom" có sức nổ lớn hơn gấp 20 lần.

Kỳ tới: "Siêu bom" 100 megaton kiểu Mỹ

Ông Medvedev: Nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, Nga sẽ tự vệ bằng mọi loại vũ khí, kể cả hạt nhânÔng Medvedev: Nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, Nga sẽ tự vệ bằng mọi loại vũ khí, kể cả hạt nhân

Trong lúc vụ Nga dừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ gây nhiều sự chú ý, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga có quyền tự vệ bằng bất kỳ loại vũ khí nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp