31/10/2017 11:00 GMT+7

Vụ Khaisilk khiến làng nghề thêm một lần đau

H.THANH - D.LIỄU -  H.KHÁ - T.VŨ
H.THANH - D.LIỄU - H.KHÁ - T.VŨ

TTO - Cơn bão hàng Trung Quốc tràn tới đã đánh sập các làng nghề dệt lụa, rồi cơn bão Khaisilk mập mờ hàng Việt lại cứa vào vết thương chưa lành đó.

Vụ Khaisilk khiến làng nghề thêm một lần đau - Ảnh 1.

Tìm về làng dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cách Hà Nội khoảng 70km, dù đang gặp không ít khó khăn trước "cơn bão" lụa Trung Quốc, song hầu hết người dân làng nghề đều cố gắng giữ nghề truyền thống.

Đề nghị sớm làm rõ

Câu chuyện Khaisilk mấy ngày nay ra rả trên loa phát thanh làng. Hiện xã có khoảng 500 khung dệt bán tự động chạy bằng điện, nguyên liệu tơ tằm phải nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) và mất 5 ngày mới làm ra được một tấm vải dài 60m. 

Vì vậy, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, cho hay người dân làng lụa cảm thấy bị xúc phạm vì sản phẩm lụa Việt bị nhập nhằng với Trung Quốc.

"Tại miền Bắc chỉ có hai làng nghề lớn là Vạn Phúc và Nha Xá, sự việc này đã chạm đến lòng tự trọng của người tiêu dùng và danh tiếng của người làm nghề. Rất mong cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ để trả lại sự công bằng cho người dân và sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng", ông Quảng nói.

Phá máy dệt vì lụa Trung Quốc

Trong khi đó, làng Đông Yên (xã Duy Trinh) và Mã Châu (thị trấn Nam Phước) của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nếu như trước đây thịnh đạt với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa thì nay đã mất nghề. 

Người dân đã phá nương dâu chuyển qua trồng khoai sắn, một trong những lý do khiến làng nghề không duy trì được là vì lụa Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Triều, một người dân làng Đông Yên, than thở rằng chừng 20 năm trước cả làng này gần như 100% hộ dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng từ ngày hàng Trung Quốc ồ ạt nhập vào thì hàng của mình làm ra không cạnh tranh nổi. 

"Hàng lụa Trung Quốc bán với giá rẻ bằng nửa hàng của chúng ta nên các cơ sở sản xuất lụa của làng phá sản", ông Triều nói.lpNhiều hộ dân cảm thấy nuối tiếc, bởi Khaisilk bán được lụa mang nhãn hiệu Việt với giá khá đắt, chứng tỏ nhu cầu của người tiêu dùng là có, dù giá cao. Nếu không gian dối, thực tâm cùng bắt tay với làng nghề để phát triển lụa Việt thì có thể mọi sự đã khác...

Ông Nguyễn Công Dũng, chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tâm sự nghề dệt không thể "sống" được vì hàng hóa nhập khẩu. 

"Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển sang một mô hình khác giúp bà con làm ăn. Vừa qua đã có một nhà đầu tư Việt kết hợp với Nhật Bản khôi phục nghề truyền thống với mô hình phát triển du lịch, dịch vụ. Chúng tôi hi vọng rằng mô hình trồng dâu nuôi tằm, dệt vải sẽ hình thành nên một chuỗi du lịch trên con đường di sản Hội An - Mã Châu - Mỹ Sơn" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, hiện tại ở làng dệt lụa Mã Châu dù có truyền thống mấy trăm năm giờ đã vắng tiếng thoi đưa. Con đường vào làng dệt hưng thịnh một thời giờ thi thoảng lại nghe tiếng búa phá máy dệt đem bán sắt vụn, khung cửi thì chẻ ra để đun lửa.

H.THANH - D.LIỄU - H.KHÁ - T.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp