13/03/2015 14:08 GMT+7

Vụ học sinh đánh bạn học: mũi dại, lái chịu đòn

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Ông bà mình có câu "Mũi dại thì lái chịu đòn". Trách nhiệm trong chuyện bạo lực học đường trước tiên thuộc về những người trực tiếp quản lý và dạy dỗ các em, là thầy cô và cha mẹ...

Nhóm học sinh dùng ghế đánh em P. khi P. bị dồn vào góc tường - Ảnh cắt từ video clip

Đó là ý kiến của bạn đọc Nguyen Tan That (nguyentanthat@...) bình luận về câu chuyện nữ sinh bị đánh ở Trà Vinh.

Bạn đọc Tan That phân tích: Trách nhiệm tiếp đến là xã hội, những người làm công tác quy hoạch giáo dục. Để cho việc đạo đức, nhân phẩm và nhân cách con người xuống cấp như vậy ngay trong môi trường giáo dục... thì thật là trên báo động đỏ.

Bạn đọc Tan That cho rằng cần nhiều lắm những mô hình nghiên cứu về tâm lý giáo dục, nhân cách con người, cách ứng xử giữa con người với con người... để áp dụng vào thực tế cho lớp trẻ và con cháu chúng ta sau này.

"Sau khi đọc loạt bài viết về gần 7.000 người nhập viện do đánh nhau và những bài viết về chuyện đoạt mạng người khác chỉ vì những lý do không phải là lý do, kể cả những cách hành xử "giang hồ" của các em học sinh trong môi trường giáo dục mà tôi (và tôi tin là rất nhiều người như mình) thấy đau lòng và mất niềm tin" - bạn đọc Tan That viết. 

Bạn đọc Duy Kòy (shjn8x@...) bổ sung: Hành vi của học sinh phần lớn do xã hội và gia đình tạo ra. Nhà trường có thể quản và giáo dục bao nhiêu mà mọi người lại đổ đầu cho nhà trường và giáo viên? Phụ huynh tại sao đụng cái là đổ thừa nhà trường, quy trách nhiệm về nhà trường? Các học sinh đó hư không lẽ do nhà trường hết?

Bạn đọc Hoàng Tuyết (tuyethoang0912@...) chia sẻ: "Thật đau lòng! Cha mẹ vì mưu sinh mà gửi gắm con cho các thầy cô giáo ở trường. Vậy mà con bị nhiều bạn bạo hành tàn nhẫn, thầy cô không hay biết. Clip tung lên mạng, xã hội mới xót xa cho con vì bị đánh đập nhưng chắc chắn sự bạo hành về tinh thần con đã và đang phải chịu mỗi khi đến trường còn khiến con tổn thương hơn rất nhiều".

"Lỗi này trước tiên phải trách các thầy cô giáo, hằng ngày ở bên học sinh mà không biết chuyện gì đang xảy ra với học sinh. Chả trách học sinh bị bạn đánh không hề tin tưởng nhờ thầy cô giúp đỡ, học sinh được thầy cô chỉ định làm lớp trưởng thì tổ chức các bạn đánh hội đồng bạn yếu thế, các học sinh còn lại thì thờ ơ hoặc hèn nhát không dám làm điều nên làm.

Trước tiên thầy cô giáo tại đây nên nhìn lại mình trước khi đưa ra hình phạt đối với các học sinh, kể cả học sinh chưa ngoan" - bạn đọc Hoàng Tuyết đề nghị. 

"Người lớn ơi! Xin đừng bàng quan về vấn đề này" là lời kêu gọi của bạn đọc Trịnh Thị Bạch Ngọc (bachngoc555@...).

Bạn đọc Bạch Ngọc đặt vấn đề: Hãy tìm lại nguyên nhân vì sao những em nhỏ nhìn dễ thương như thế mà lại có thể hành xử dã man như vậy? 

"Nhìn lại người lớn chúng ta mà xem, có phải chăng khi chúng ta xem những bộ phim hành động, kinh dị, hay khi kể những câu chuyện, hào hứng tám chuyện với những vấn đề xã hội... chúng ta chưa từng để ý quay lại xem có trẻ nhỏ ở đó không, chúng có nên và có quyền được nghe không?".

"Chính thái độ và quan niệm của người lớn chúng ta làm trẻ nhỏ nghĩ rằng hành động đó là không sai trái, chính thái độ của chúng ta đã gieo vào lòng trẻ nhỏ những quan niệm sai lầm từ lúc trẻ thơ". 

"Đừng bao giờ cho rằng vì phải lo toan kiếm sống nên không có thời gian dạy bảo con cái, bởi cách dạy con không phải là dành thời gian dạy bảo mà chính từ cách hành xử, thái độ và quan niệm của chúng ta mà trẻ nhỏ sẽ học theo".

"Có thể chúng ta không biết làm thế nào để trở thành tấm gương tốt cho trẻ nhỏ noi theo nhưng chắc chắn một điều chúng ta có thể kiểm soát được là nên cho trẻ nhỏ dung nạp vào những gì và không cho trẻ nhỏ dung nạp vào đầu những gì". 

Bạn đọc Phạm Tam (tamsongtra@...) cũng chia sẻ những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này:

1. Gia đình phải quan tâm giáo dục các em, quản lý thật nghiêm khắc với những hành động không tốt.

2. Nhà trường phải theo dõi kỹ những học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục tốt hơn, chẳng hạn như hằng tuần thầy giám thị hoặc thầy hiệu trưởng mời những em học sinh đặc biệt của mình đến gặp để giáo huấn.  

Bạn đọc Thụy Đỗ (dogiathuykts@...) cho rằng: Cần bớt những giờ học lý thuyết, tổ chức học và làm công tác xã hội, từ thiện để học sinh biết đồng cảm,chia sẻ. Cũng cần có kỷ luật thật nghiêm khắc với những học sinh có hành động côn đồ vô giáo dục. Phát huy tối đa vai trò của Đoàn, Đội trong nhà trường mới mong giảm thiểu được những cảnh đau lòng như thế này... 

Bạn đọc Danhvo (danhvo2709@...) nhận định: Trong chương trình giáo dục, cần giảm tải, để dành nhiều thời gian chú trọng môn giáo dục công dân, đạo đức một cách thường xuyên, xuyên suốt trong các bậc học để học sinh được thấm nhuần. Muốn làm được điều này cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó cần nhất là cái tâm trong sắng, đạo đức nghề nghiệp của các thầy giáo, cô giáo.

"Muộn lắm rồi nhưng không phải là không thể!" - bạn đọc Danhvo kết luận.

Phản hồi bài  

Sau khi clip một nữ sinh Trường Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) bị bạn học đánh hội đồng được tung lên mạng, báo chí vào cuộc..., một tác giả đã có bài gửi đến báo Tuổi Trẻ cho rằng "nạn quay clip rồi tung lên mạng là tiếp tay bạo lực học đường".

Tác giả này cho rằng lẽ ra không nên quay clip; chuyện HS đánh nhau xưa nay không hiếm nhưng trước kia không quay clip (do phương tiện kỹ thuật và truyền thông chưa có hoặc chưa nhanh nhạy), bạo lực khi đó do vậy không cao. Phát tán các clip như thế vô hình trung là "truyền bá" bạo lực cho giới trẻ, mà ở đây là HS...

Thoạt nghe quan điểm trong bài viết như nói trên là đúng. Song ngẫm kỹ bỗng... giật mình (!). Vì sao? Đúng là chuyện HS đánh nhau xưa nay không hiếm, song khác nhau ở chỗ trước kia phương tiện kỹ thuật và truyền thông chưa phát triển nên có vẻ như chúng ta "không nghe, không thấy, không biết".

Tuy "không nghe, không thấy, không biết" song thực tế đó vẫn xảy ra, vẫn tiềm tàng... Con người không thể trốn khỏi nền văn minh (một triết gia nói vậy). Ngày nay thật khó cấm trẻ con sử dụng thiết bị kỹ thuật số và cũng khó "cấm" truyền thông (chính thống và không chính thống) đưa tin.

Không quay clip, không có nghĩa là không có vụ việc xảy ra. Không quay clip không thể buộc chúng ta ảo tưởng rằng không có bạo lực học đường. Nó cũng giống như một người nào đó ra đường phạm pháp rồi về nhà đóng cửa trùm mền lại mà có thể tin rằng mình vô can (!).

Vậy nên, quay clip có cần không? Và cần khi nào?

Thiển nghĩ nếu không quay clip thì chắc chắn những vụ việc tương tự đã mặc nhiên đi vào quên lãng, nhưng nên nhớ nó vẫn tiềm tàng và hậu quả (bạo lực chứ không phải quay clip) là có thật và vô cùng nguy hiểm!

Cần quay clip nhưng để những clip như thế này không làm biến thái tư duy con trẻ (không để con trẻ thích thú những trò như vậy) chắc chắn phải cần đến sự răn dạy, giáo dục từ gia đình và nhà trường vậy (!).

Suy ngẫm theo thiển nghĩ cá nhân, không biết đúng không...

KTS LÊ CÔNG SĨ (congsikts@...)

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp