Bức ảnh bé N.V.P. bị buộc dây khiến nhiều người xót xa - Ảnh: VĂN ĐỨC
Liên quan trường hợp em N.V.P. bị cô giáo vào cửa sổ, ngày 3-12, bà Nguyễn Thị Nghĩa - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - đã chia sẻ quan điểm của Bộ GD-ĐT.
Theo bà Nghĩa, đây là trường hợp rất khó khăn vì trẻ là đối tượng đa tật (khuyết tật trí tuệ - tăng động, điếc - câm và có biểu hiện kèm theo rối loạn phổ tự kỷ).
Để chăm sóc, giáo dục đối tượng này cần rất nhiều điều kiện, cả về chuyên môn, cơ sở vật chất, công tác quản lý và đặc biệt cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, y tế và các lực lượng xã hội khác.
Trong khi đó, Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) chưa có giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Giáo viên phụ trách lớp chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật, chưa có nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục trẻ khuyết tật (đặc biệt đối với trẻ tự kỷ) chưa đảm bảo.
"Mặc dù vậy, chia sẻ với hoàn cảnh gia đình, thực hiện các chủ trương chung, nhà trường tiếp nhận cháu vào học, đó là điều đáng ghi nhận. Nhưng chính vì giáo viên chưa có kiến thức, phương pháp, kỹ năng quản lý hành vi và giáo dục đối tượng trẻ như em N.V.P. trong điều kiện còn phải chăm sóc giáo dục nhiều trẻ khác dẫn đến có biện pháp không phù hợp trong tình huống khó" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Bộ GD-ĐT cho rằng việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không phải chỉ có nhà trường.
Trong trường hợp trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P., gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên.
Bà Nghĩa cho biết với trường hợp em N.V.P., Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp hỗ trợ để em được chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận