Ông Đinh Bằng My trước ngày bị bắt - Ảnh: QUANG THẾ
Chiều 18-12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý vụ xâm hại học sinh ở Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đưa ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ về hành vi xâm hại tình dục học sinh.
Các bộ GD-ĐT, LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt là các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Lưu Đức Tỉnh - phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ - xác nhận với Tuổi Trẻ rằng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông My.
Ông My bị khởi tố để điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật hình sự 2015.
Trong 2 năm qua xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trong trường học, nên cần phải giải quyết bằng vĩ mô. Nhà trường, Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ trẻ em phải làm gì để thay đổi câu chuyện này? Cần có việc làm thiết thực cho trường học, không nên chỉ bàn tán sôi nổi để xong là đâu lại vào đấy.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Vân Anh
Biện pháp phòng ngừa còn kém
Chiều 18-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhìn nhận các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em ở nước ta còn kém.
"Chúng ta chỉ nhồi nhét kiến thức sách vở, còn kỹ năng bảo vệ mình thì không có. Không ai có thể bảo vệ các em 24/24 giờ. Các em phải được đào tạo, dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ mình" - bà Thúy nhấn mạnh.
Theo bà Thúy, với những sự việc đã xảy ra, xác định đúng hành vi tội phạm phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe phòng ngừa các đối tượng khác có hành vi tương tự.
"Đối với hành vi vi phạm của thầy giáo mà lại là hiệu trưởng thì phải xử lý nặng hơn. Các em thuộc nhóm người yếu thế cần được bảo vệ".
Đồng tình với việc xử nặng, xử nghiêm, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - phân tích:
"Nếu đúng như tố cáo, hành vi xâm phạm học sinh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức của nhà giáo, khi xét xử nên coi đó là tình tiết tăng nặng. Nhà trường có trách nhiệm chăm sóc các em, đáng ra là nơi nêu gương sáng nhưng lại lợi dụng để xâm hại tình dục thì không thể chấp nhận được".
Lãnh đạo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết thêm: "Nhận được thông tin học sinh tố cáo, chúng tôi xác minh thì được biết có những em đang học tại trường này nhưng cũng có em đã ra trường, lên học cấp III tại địa phương.
Cục đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH và Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ ngay lập tức cử chuyên gia đến trường hỗ trợ học sinh. Sau khi nắm bắt thông tin sự việc, cục đã báo cáo bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để tìm các giải pháp xử lý".
Một trong các học sinh tố hành vi ấu dâm của ông My - Ảnh: Q.THẾ
Cần làm rõ trách nhiệm quản lý ở địa phương về vai trò thanh tra, kiểm tra các đơn vị có liên quan, trong đó cụ thể là sở và phòng giáo dục - đào tạo sau khi để xảy ra vụ việc, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội như vậy.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)
Cần lên tiếng mạnh mẽ!
Luật sư Tạ Ngọc Vân - Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon) - cho biết bản thân đã tham gia bảo vệ cho nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục, mà trong đó đều là trẻ em nam.
Về vụ việc vừa xảy ra tại trường dân tộc nội trú, luật sư Vân cho rằng trong trường hợp xảy ra ở trường theo như phản ánh diễn ra trong thời gian dài, nếu đúng như vậy thì không thể nói nhà trường, phòng, sở GD-ĐT không phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, chịu trách nhiệm ra sao tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp miễn phí cho bị hại là những em học sinh nam tố cáo hành vi ép quan hệ tình dục của hiệu trưởng My trong suốt quá trình điều tra, xét xử.
"Qua đây, Bộ GD-ĐT cần có quy định mỗi trường phải có một phòng để thầy giáo, học sinh khi tiếp xúc với nhau thì buộc phải có thầy cô chủ nhiệm, hoặc là người nhà học sinh có mặt.
Có thể thiết kế phòng gặp gỡ thân thiện, nhiều ánh sáng, mọi người qua lại dễ nhìn thấy, đồng thời đảm bảo tính riêng tư. Tránh tình trạng thầy cô gặp riêng học sinh" - luật sư Tạ Ngọc Vân nêu thêm giải pháp.
Cùng trong hướng chỉ ra giải pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ - vị thành niên, chia sẻ: Phụ huynh, nhà trường phải trang bị kiến thức cho con khi bị xâm hại phải báo ngay cho người lớn, đồng thời thông tin nhanh nhất với cơ quan công an để thu thập bằng chứng, đưa sự việc ra ánh sáng.
Bà Vân Anh cho rằng khi trẻ báo bị xâm hại, phụ huynh nên nói chuyện với các con để trẻ em quên đi đau đớn này.
"Tất nhiên không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được việc đó cả. Có bậc cha mẹ thì dằn vặt, mắng mỏ con mình" - bà Vân chỉ ra dựa trên kinh nghiệm đã thấy. Theo bà, nên động viên, nói với con hãy coi như trải nghiệm xấu mà trên đường đời mình gặp phải…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ thêm: Tình dục là kiến thức cần được phổ biến trong xã hội hiện đại, bởi muốn chống bạo lực tình dục thì phải hiểu vấn đề tình dục.
Tình dục có nhiều xu hướng, trong đó có cả xu hướng ấu dâm (làm tình với trẻ em) hay làm tình với người cùng giới. Khi xã hội hiểu rõ thì sẽ có biện pháp ngăn chặn những người có khả năng làm hại người khác.
Ở Mỹ dạy cho trẻ từ mẫu giáo biết tự vệ
Để phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em, tại Mỹ luôn có các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ tới công chúng, khuyến khích xã hội nhận ra việc một đứa trẻ bị lạm dụng là vấn đề và trách nhiệm của mọi người.
Các chương trình phòng chống lạm dụng trẻ em của Mỹ hiện nay tập trung vào việc giáo dục trẻ mẫu giáo và tiểu học về cách nhận biết các trường hợp lạm dụng và dạy chúng kỹ năng an toàn cá nhân, khuyến khích các trẻ bị lạm dụng lên tiếng.
Ví dụ như Đội phản ứng chống tấn công tình dục trẻ em hạt Jackson (SART) tại bang Oregon đã áp dụng chương trình phòng chống tấn công tình dục cho học sinh từ tuổi đi mẫu giáo đến học sinh lớp 12 tại 6 quận trong địa bàn.
Chương trình thường xuyên làm việc với trẻ về các chủ đề như sự đồng ý, sự thấu cảm, không gian cá nhân, các ranh giới trong việc tiếp xúc cơ thể, báo cáo và can thiệp, các mối quan hệ lành mạnh, an toàn trực tuyến và giới tính.
Tại Anh, trường học đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng bằng cách tạo môi trường an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên;
Đảm bảo nhân viên được đào tạo bài bản và không trở thành mối nguy hiểm đối với học sinh, dạy trẻ em và thiếu niên cách tự bảo vệ bản thân và duy trì một môi trường đáng tin để trẻ tìm đến khi cần giúp đỡ.
Bộ Giáo dục Nam Phi khởi xướng dự án Trường học an toàn để phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em nơi học đường.
Dự án thúc đẩy cải thiện môi trường an toàn trong trường học, huy động sự tham gia của cộng đồng, xây dựng các chính sách về an toàn học đường để quản lý việc lạm dụng rượu (được chứng minh là yếu tố chính gây ra bạo lực tình dục), tạo các diễn đàn không có mối đe dọa để học sinh an tâm nói ra vấn đề của bản thân.
Một số trường học tại một số nước tiên tiến có chỗ dành riêng cho giáo sư, giáo viên tiếp sinh viên, học sinh, chứ không vào phòng riêng của hiệu trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận