Anh Duy và mẹ trong hành trình theo đuổi vụ án đã gửi rất nhiều đơn đến nhiều cơ quan chức năng trong 5 năm qua - Ảnh: TRẦN MAI
Việc điều tra toàn diện, xác định lỗi, hành vi sẽ rất quan trọng để xác định tội danh mà ông Nguyễn Minh Hùng (thôn 4, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã gây ra cho anh Lê Tấn Duy. Đồng thời, cần giám định bổ sung khi bị hại mất khứu giác hoàn toàn. Đây là cơ sở để xác định lại thương tật của bị hại.
Cố ý hay vô ý?
Một nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Ngãi) sau khi xem hồ sơ vụ án đã nhận định: có rất nhiều tình tiết không hợp lý theo diễn tiến sự việc. Đặc biệt, trong các kết luận giải quyết khiếu nại và chấp nhận đình chỉ điều tra vụ án của Viện KSND huyện Mộ Đức và tỉnh Quảng Ngãi có nêu lời khai của nhân chứng Thúy không trùng khớp với các nhân chứng khác cùng với các lập luận có phần khiên cưỡng để đình chỉ vụ án.
Tuy nhân chứng Thúy là người duy nhất thấy vụ việc, dù là người thân của Duy nhưng theo quy định tại khoản 2 điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì nhân chứng dù là người thân của bị hại vẫn có thể là người làm chứng nếu họ chứng kiến, biết được những tình tiết liên quan đến vụ án.
"Lời khai của người làm chứng phù hợp với các tình tiết khách quan thì phải công nhận là chứng cứ, làm cơ sở quan trọng để giải quyết vụ án. Tôi cho rằng lời khai của bà Thúy là hợp lý, chỉ có đánh hoặc tát khiến nạn nhân choáng, sau đó xô mạnh thì mới ngã chấn thương sọ não, thương tích 28% được", vị này nhận định.
Để xác định lỗi vô ý hay cố ý làm cơ sở cấu thành tội "cố ý gây thương tích" hay chỉ "vô ý gây thương tích", cần phải làm rõ động cơ. Với kinh nghiệm của mình, vị này cho rằng ranh giới giữa hai tội danh này rất mong manh, chỉ cần nhận định sai lỗi sẽ dẫn đến xác định sai tội danh, vì vậy cần phải điều tra toàn diện mới đi đến kết luận cuối cùng.
Thiếu tướng Lê Xuân Hòa, nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng không cần quan tâm đến tình tiết cụ thể của vụ án. Khi Viện KSND tối cao kết luận có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan phải khôi phục điều tra vụ án.
Đủ cơ sở giám định bổ sung
Luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng trong vụ án này cơ quan điều tra đủ cơ sở giám định bổ sung việc Duy bị "mất khứu giác hoàn toàn cả hai bên" khi khôi phục điều tra. Đây có thể là biến chứng do tổn thương xương sọ gây ra. Khi tiến hành giám định lần đầu, cơ quan chức năng chưa giám định biến chứng này.
Khoản 2 điều 3 thông tư 20/2014 của Bộ Y tế quy định rõ nguyên tắc khi xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể là: "Trường hợp tổn thương cơ quan này nhưng gây biến chứng ở cơ quan thứ hai đã được xác định thì cần giám định tính thêm tỉ lệ % thương tật. Việc giám định cần làm trực tiếp, không giám định qua hồ sơ. Cần áp dụng điều 210 và 211 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để tiến hành giám định", luật sư Tín nói.
Ngoài ra, luật sư Tín cho rằng phải xác định lỗi để định tội danh. Trong vụ án này, ông Hùng đã trên 18 tuổi, có đầy đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể thấy trước hoặc không thấy trước hậu quả nhưng ông Hùng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Như vậy, có cơ sở để cho rằng Hùng đã cố ý phạm tội, đáp ứng yếu tố lỗi trong cấu thành tội cố ý gây thương tích.
"Các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Hùng hoàn toàn vô ý là có phần khiên cưỡng, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án. Do đó, cần phải xác định lại", luật sư Tín nêu quan điểm.
Còn luật sư Trần Duyên (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng phải đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả. Hành vi của ông Hùng chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả (các thương tích của Duy). Nếu ông Hùng không đánh, đẩy Duy ngã thật mạnh thì không gây chấn thương sọ não. Các cơ quan tố tụng cần xác định lại mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trưởng Công an huyện Mộ Đức nói gì?
Theo đại tá Võ Văn Đãi, trưởng Công an huyện Mộ Đức, trong giai đoạn điều tra ban đầu, ông Hùng chối không nói quay lại lần 2. Sau đó, đích thân ông Đãi lấy lời khai thì ông Hùng thừa nhận việc quay trở lại lần 2.
Nhưng ông Hùng chỉ khai gặp Duy, Duy chỉ tay vào mặt và hỏi sao hồi nãy ông bóp cổ tôi, ông Hùng nói "Riêng mày thích gì tao chiều nấy". Rồi ông Hùng dùng tay hất vào tay Duy khiến ngã về phía sau. "Lúc này tôi vội quay lưng đi về nên không rõ Duy ngã thế nào. Đi được khoảng 30m, bà Thúy la lên Duy chết rồi", ông Hùng khai.
Cũng theo đại tá Đãi, dù ông Hùng có thừa nhận hay không thì cơ quan điều tra vẫn có căn cứ nhận định ông Hùng xô ngã gây thương tích cho Duy. "Lời khai của chị Thúy thấy ông Hùng quay lại lần 2, dùng tay tát và xô Duy ngã bất tỉnh, tôi cho rằng phù hợp với diễn biến vụ việc", đại tá Đãi nói.
Dù cơ quan điều tra nhận định vậy, tuy nhiên khi đưa lời khai các bên và tình tiết vụ việc, Viện KSND huyện Mộ Đức lại cho rằng việc ông Hùng hất tay khiến Duy ngã gây thương tích là hành vi bộc phát, ông Hùng không có chủ ý hất tay để đạt mục đích làm Duy ngã chấn thương, đây là lỗi vô ý gây thương tích.
"Trong luật, chỉ cần một chút chỗ đó đã thay đổi trong việc xác định tội danh. Đây là câu chuyện pháp lý, cơ quan tố tụng cấp huyện và cấp tỉnh đều nhận định là lỗi vô ý, không khởi tố bị can tội cố ý gây thương tích. Nếu Viện KSND tối cao cho là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì chúng tôi sẵn sàng điều tra lại để làm rõ, không có chuyện bao che cho tội phạm", đại tá Đãi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận