29/03/2019 07:42 GMT+7

Vụ hành hạ bé trai Campuchia: Chưa xử được vì rắc rối pháp lý

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Vụ án Nguyễn Thành Dũng hành hạ bé trai người Campuchia xảy ra năm 2016 gây xôn xao đã được xử lý ra sao?

Vụ hành hạ bé trai Campuchia: Chưa xử được vì rắc rối pháp lý - Ảnh 1.

Hình ảnh em bé bị bạo hành khiến cộng đồng mạng phẫn nộ - Ảnh cắt từ clip

Vụ án này đã được Bộ Công an trực tiếp điều tra và Viện KSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố Dũng tội hành hạ người khác. Tuy nhiên, diễn biến mới đây cho thấy vụ án đang rơi vào bế tắc bởi những rắc rối về pháp lý.

Phạm tội ở Campuchia, đầu thú ở... Việt Nam

Theo cáo trạng, từ năm 2014, Nguyễn Thành Dũng (35 tuổi, trú tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) làm quản lý trong một quán bar tại quận 1, TP.HCM. Thời gian này, Dũng có quen biết và phát sinh tình cảm đồng tính với Stefan Struik (54 tuổi, quốc tịch Hà Lan). 

Stefan Struik thành lập một công ty tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia nên Dũng thường xuyên cùng người này sang đây để quản lý hoạt động của công ty. Trong thời gian Dũng ở tại công ty, một số công nhân làm việc ở đây thường gửi con nhỏ nhờ Dũng trông coi giúp. Trong số này có cháu So Sao (2 tuổi).

Trong các ngày 10 và 16-8-2016, do sử dụng ma túy đá nên Dũng dùng kẹp giấy bằng sắt kẹp vào tai, dương vật, dùng roi điện tự chế chích vào người, mặt và dương vật, sử dụng cây rừng chọc vào hậu môn cháu So Sao. 

Dũng đã dùng điện thoại của mình để ghi lại hình ảnh hành hạ cháu. Sau khi trở về Việt Nam, Dũng nhờ người quen mang điện thoại của mình đi cầm cố và những clip quay lại hình ảnh hành hạ cháu bé đã bị lộ, xuất hiện trên mạng xã hội.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành điều tra, xác định người đàn ông hành hạ bé trai trong các đoạn video clip đăng tải trên mạng xã hội là Nguyễn Thành Dũng. Đến ngày 7-12-2016, Nguyễn Thành Dũng đã đến cơ quan công an đầu thú.

Campuchia tuyên án vắng mặt 18 năm tù

Theo hồ sơ, do vụ án xảy ra ở Campuchia, nhưng bị can là người Việt, bị phát hiện và bị bắt tại Việt Nam nên công an Việt Nam đã thụ lý điều tra. Quá trình điều tra, cảnh sát Vương quốc Campuchia đã khám xét nơi ở của Stefan Struik và thu giữ một số dụng cụ dùng hành hạ bé So Sao cùng dụng cụ sử dụng ma túy đá. Sau đó Stefan Struik bị cảnh sát Campuchia bắt giam.

Đồng thời, trong quá trình điều tra, cảnh sát Việt Nam và Campuchia có trao đổi thông tin và hồ sơ với nhau nên sau đó tòa án Campuchia đã sử dụng chính hồ sơ, bằng chứng do cảnh sát Việt Nam điều tra, thu thập được để truy tố và xét xử vắng mặt Nguyễn Thành Dũng tại Campuchia. 

Theo đó, Tòa án tỉnh Mondulkiri (Campuchia) tuyên án vắng mặt 18 năm tù đối với Dũng về tội tra tấn và cưỡng hiếp bé trai 2 tuổi. Ngoài ra, Dũng còn bị tuyên xử bồi thường 80 triệu riel (gần 445 triệu đồng) cho gia đình nạn nhân. Bị cáo Stefan Struik bị xử 2 năm tù vì phạm tội đồng lõa trong vụ án.

Tuy nhiên sau khi xử, phía Campuchia không gửi bản án cho cơ quan tố tụng Việt Nam theo tinh thần của hiệp định tương trợ tư pháp. Các cơ quan tố tụng của Việt Nam biết được việc xét xử này qua báo chí Campuchia đăng tải.

Rắc rối vì Campuchia không phản hồi các văn bản

Theo ông Lê Minh Đức - kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM (người được thừa ủy quyền công tố), sau khi tòa án Campuchia xử Nguyễn Thành Dũng và đồng phạm, phía Campuchia không gửi bản án thông báo cho Việt Nam và cũng không có yêu cầu dẫn độ để thi hành án đối với bị cáo này. 

"Thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam chỉ biết thông tin Campuchia xét xử Dũng nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, nên Việt Nam cần có văn bản chính thức về việc xét xử này" - ông Đức cho biết.

Cũng theo ông Lê Minh Đức, đến nay vụ án không giải quyết được vì tranh chấp liên quan đến hiệp định tương trợ tư pháp. Hiện vụ án này đang rơi vào bế tắc vì Việt Nam chưa nhận được sự hợp tác từ Campuchia. 

"Sau đó TAND tối cao, Viện KSND tối cao... đều họp và tranh luận rất nhiều về tính hợp pháp bản án của Tòa án tỉnh Mondulkiri. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã gửi rất nhiều văn bản liên quan đến hiệp định tương trợ tư pháp nhưng Campuchia không trả lời về vấn đề này" - ông Đức cho biết.

Về nguyên tắc, một hành vi chỉ được xét xử bằng một tội phạm mà thôi. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Do đó, nếu Campuchia đã xét xử hành vi này (dù tội danh khác) thì phía Việt Nam sẽ không xét xử nữa. Điểm gút mắc ở đây chính là đến nay phía Việt Nam vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ phía nước bạn nên chưa biết sắp tới phải xử lý ra sao.

Xác nhận với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao - cũng cho biết cơ quan này đã gửi văn bản (cấp nhà nước) liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Campuchia. 

Trong khi đó, vào năm 2018 Nguyễn Thành Dũng đã được tại ngoại vì bệnh tật. Về hướng xử lý đối với vụ án, ông Nguyễn Trí Tuệ cho rằng nếu hành vi của Dũng đã bị phía Campuchia xét xử thì phía Việt Nam không xử nữa. Trong thời gian chờ đợi văn bản chính thức từ nước bạn thì có thể các cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả ủy thác tư pháp.

Không ai bị kết án hai lần vì một tội

Ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Nguyên tắc "không ai bị kết án 2 lần vì một tội" được quy định trong Hiến pháp 2013, tại khoản 3 điều 31. Theo đó, người phạm tội khi đã bị xét xử về tội phạm do mình thực hiện và đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì không phải chịu thêm bất kỳ một sự kết án nào khác về tội phạm đó. Trong trường hợp đã khởi tố, điều tra, truy tố về tội phạm trên thì vụ án phải được đình chỉ. Nguyên tắc này thể hiện sự nhân đạo, chính nghĩa, công bằng trong pháp luật hình sự.

Nguyễn Thành Dũng

Nguyễn Thành Dũng tại cơ quan công an - Ảnh: Tư liệu

Trong khi Tòa án Mondulkiri tuyên án vắng mặt 18 năm tù đối với Nguyễn Thành Dũng về tội "tra tấn và cưỡng hiếp bé trai 2 tuổi", thì tại Việt Nam Dũng bị truy tố tội "hành hạ người khác" có khung hình phạt tối đa 3 năm tù.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp