Trong đó, do có các khái niệm về kinh doanh hộ gia đình và doanh nghiệp, tương ứng với các cấp quản lý khác nhau đã sinh ra lỗ hổng lớn trong quản lý.
Bánh mì kẹp thịt chỗ nào cũng có
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khu vực TP Biên Hòa (Đồng Nai) có nhiều khu công nghiệp nên các hàng quán nhỏ lẻ, bánh mì kẹp nằm nhan nhản ở nhiều khu vực.
Tại các phường Hóa An, Long Bình Tân, Long Bình công nhân đi làm ca sáng hay ca đêm trở về đều thường ghé các quán bánh mì, bánh cuốn... mua ăn nhưng cũng không màng đến điểm bán có an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
Chị Thùy Vân, công nhân làm ở một công ty tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, chia sẻ: "Cứ thèm bánh mì, bánh cuốn thì vào mua chứ có bao giờ để ý quán có an toàn thực phẩm không. Như quán bánh mì kẹp thịt chỗ nào cũng có. Công nhân qua lại trên đường có đói thì tấp vào mua, vừa đủ túi tiền vừa thuận tiện".
Sau vụ ngộ độc bánh mì, một bác sĩ từng làm trong lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng thực tế nhan nhản nhiều hàng quán vỉa hè đặt tại các phường xã không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân có nhu cầu vào mua ăn, còn việc quản lý ở cơ sở vẫn còn lỏng lẻo. Khi xảy ra ngộ độc mới phát hiện cơ sở đó không phép hoặc không tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vị này nói thêm tỉnh Đồng Nai có hơn 30 khu công nghiệp, đi liền với đó là hàng quán bán nhỏ lẻ cho công nhân nhưng việc quản lý, cấp phép cho cơ sở bán thức ăn đường phố không phải dễ dàng. Nếu không có giải pháp chấn chỉnh thì những ca ngộ độc tập thể vẫn có thể tái diễn.
Ông Nguyễn Văn Bình, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho rằng vụ ngộ độc bánh mì xảy ra ở TP Long Khánh là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh thực phẩm. Hiện sở cùng các địa phương đang rà soát và chấn chỉnh nghiêm túc các hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sử dụng giấy phép ở địa chỉ khác
Trong ngày 3-5, lãnh đạo Sở Y tế báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế đã có gần 500 ca ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng (do bà Nguyễn Thị Khánh Băng làm chủ) tại TP Long Khánh. Tiệm bánh mì Cô Băng trung bình mỗi ngày bán hơn 1.000 ổ. Ngày 30-4, người dân mua bánh mì ở tiệm trên ăn thì xảy ra triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhập viện...
Tính đến trưa 3-5, có tổng cộng 487 ca vào các bệnh viện ở Đồng Nai cấp cứu sau khi ăn bánh mì thịt. Đến nay có 12 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thì có 2 ca tiên lượng rất nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu.
Ngoài ra có 2 ca khác tiên lượng nặng, các ca còn lại đang theo dõi sát. Trong khi đó, hơn 300 ca đang điều trị ở các bệnh viện còn lại đang tạm ổn, chưa có tình huống trở nặng xảy ra.
Giải thích việc xảy ra ngộ độc ở tiệm bánh mì trên, Sở Y tế Đồng Nai cho hay tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Cô Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh.
Tuy nhiên, bà Băng sử dụng giấy phép kinh doanh đã cấp cho con gái bà Băng (đã đi nước ngoài) có địa chỉ ở nơi khác. Bà Băng giải thích với đoàn kiểm tra vẫn đóng thuế đầy đủ hằng tháng, chỉ đổi địa chỉ và "nghĩ có giấy phép kinh doanh" là được.
Cũng theo Sở Y tế, tiệm bánh mì Cô Băng cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - yêu cầu ngành y tế Đồng Nai tập trung nguồn lực cứu chữa bệnh nhân nặng, đảm bảo tính mạng bệnh nhân. Đồng thời huy động y bác sĩ, bổ sung thuốc men điều trị cho hơn 300 bệnh nhân tại bệnh viện.
Ông Long yêu cầu khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Đình chỉ ngay các cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc trên địa bàn...
Đồng thời hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Bất cập
Nói về thẩm quyền cấp phép, quản lý hiện nay, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết theo quy định, UBND quận, huyện, TP quản lý cơ sở có quy mô kinh doanh từ 50-200 suất ăn/lần phục vụ. Trạm y tế phường xã, thị trấn quản lý cơ sở kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ, kinh doanh thức ăn đường phố.
Tuy vậy, với các trường hợp bán cả ngàn ổ bánh mì (hoặc các món ăn khác)/ngày thì ai quản lý? Ông Nguyễn Văn Bình trả lời rằng tiệm bánh mì kinh doanh theo quy mô hộ gia đình nên phòng y tế quận, huyện cấp phép, quản lý.
Nếu là doanh nghiệp thì Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép. Đây là sự bất cập đang diễn ra ở nhiều nơi nên phải rà soát, kiến nghị điều chỉnh quản lý cho tốt hơn.
Công an vào cuộc điều tra
Trong ngày 3-5, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ gần 500 người bị ngộ độc sau ăn bánh mì.
Cơ quan công an cũng làm việc với một số bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện và những người liên quan để phục vụ công tác điều tra, phối hợp với các ngành kiểm tra các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu cho tiệm bánh mì như nguồn nguyên liệu chả lụa, cơ sở giết mổ gia súc (mua về chế biến chả lụa) để làm rõ nguyên nhân.
Cùng ngày, ông Nguyễn Sơn Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc điều tra, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng.
Đồng thời yêu cầu ngành y tế, chính quyền địa phương hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận