30/06/2019 06:19 GMT+7

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Cuối tháng 6 thi, tháng 5 đã bàn... nâng điểm

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TTO - Theo kế hoạch, trung tuần tháng 7 tới, TAND tỉnh Hà Giang đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Nâng điểm nhờ lỗ hổng phần mềm quản lý thi - Ảnh 1.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khám nhà bị can Vũ Trọng Lương - Ảnh: GIANG LONG

Đây là vụ án gian lận thi cử được phát hiện sớm nhất (hai tỉnh phát hiện tiếp sau là Sơn La và Hòa Bình), có số lượng thí sinh được nâng điểm nhiều nhất (107 thí sinh) và có số cán bộ, đảng viên liên quan cũng nhiều nhất (210 phụ huynh).

Cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt

Đầu tháng 5-2018, Nguyễn Thanh Hoài (trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Giang) gọi Vũ Trọng Lương, phó trưởng phòng khảo thí và là kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, sang phòng làm việc của mình.

Tại đây, Hoài nói với Lương trong kỳ thi sắp tới "cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt". Lương đồng ý và cho hay cần xem thêm phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT.

Khoảng 3-4 ngày sau khi tổ chức quét và chấm thử trên phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT, Vũ Trọng Lương phát hiện phần mềm có "lỗ hổng", cụ thể là Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu gửi file Excel, nên nói với Hoài là "có thể xử lý nâng điểm được".

3 lần chuyển danh sách "nhờ vả" nâng điểm

Khoảng đầu tháng 6-2018, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tải danh sách M9 (danh sách thí sinh tham dự thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, gồm tổng số 5.499 thí sinh) từ phần mềm quản lý thi THPT quốc gia về máy tính của Hoài, sau đó bôi màu vàng để đánh dấu các thí sinh mà Hoài nhận nâng điểm giúp cùng với số điểm cần nâng vào cuối mỗi dòng thông tin của thí sinh, tổng số 55 trường hợp.

Trong số này có thí sinh Phạm Tuấn N., con trai ông Phạm Văn Khuông - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, và 20 trường hợp do bà Lê Thị Dung ở phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang "nhờ vả".

Hoài lưu danh sách thí sinh vào USB đưa cho Lương, nói danh sách thí sinh cần nâng điểm Hoài đã đánh dấu bằng cách bôi màu vàng. Hoài còn đưa Lương ba tờ giấy khổ A4, trong đó một tờ viết tay và hai tờ đánh máy vi tính, tổng cộng có thông tin của 22 thí sinh cần nâng điểm. Đây là danh sách nhờ nâng điểm đầu tiên Hoài đưa cho Lương.

Sau thời gian trên, Nguyễn Thanh Hoài trực tiếp nhắn tin nhắn của hai người quen nhờ nâng điểm cho 3 thí sinh, Hoài đã chuyển tiếp các tin nhắn này qua điện thoại cho Vũ Trọng Lương để Lương xử lý nâng điểm. Đây là lần thứ hai Hoài đưa cho Lương danh sách thí sinh nhờ nâng điểm.

Ngày 28 và 29-6-2018, Hoài dùng máy tính tại cơ quan lập danh sách 13 thí sinh được "nhờ vả" rồi gửi qua email cho Vũ Trọng Lương. Bản thân Vũ Trọng Lương cũng nhận "giúp đỡ" cho 18 thí sinh là con em bạn bè, đồng nghiệp, người thân, và thông tin của các thí sinh này cũng được Lương đưa vào bản danh sách "nhờ vả" nâng điểm trên.

Đặc biệt, khoảng 13h ngày 28-6-2018, bà Triệu Thị Chính - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang (cũng là phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban chấm thi) - đến gặp, đưa Hoài một tờ giấy khổ A4 có danh sách và thông tin của 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn ngữ văn.

Bà Chính và Hoài thống nhất số điểm cần nâng của 12 thí sinh và Hoài đã ghi số điểm này vào lề phải phía trên cuối dòng thông tin của 12 thí sinh. Có một thí sinh trong danh sách bà Chính không nhờ nâng điểm mà chỉ nhờ xem điểm.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Nâng điểm nhờ lỗ hổng phần mềm quản lý thi - Ảnh 2.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Điểm thi bị can thiệp thế nào?

Ngày 27-6-2018, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án chính thức các bài thi, Vũ Trọng Lương đã tải đáp án các mã đề thi các bài thi trắc nghiệm về máy tính.

Trong các ngày từ 30-6 đến 2-7-2018, trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm, Lương đã chuyển kết quả bài làm của thí sinh thể hiện trên ảnh quét phiếu trả lời trắc nghiệm (tệp tin ảnh gốc) sang file Excel được lập trong máy tính, sửa dữ liệu đáp án bài thi của thí sinh bằng cách copy đáp án đúng do Lương tải về và dán (paste) vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của 107 thí sinh, qua đó nâng điểm cho 107 thí sinh này. 

Ngày 3-7-2018, Lương sao lưu kết quả vào hai đĩa CD (gọi là CD1) gửi cho Bộ GD-ĐT và chủ tịch hội đồng thi.

Sáng 7-7-2018, Hoài và Lương gặp nhau, Lương lo ngại số thí sinh được nâng điểm rất cao, sợ khi công bố điểm, Bộ GD-ĐT thấy bất thường sẽ kiểm tra, nên cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã được nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã gửi về Bộ GD-ĐT.

Hoài đồng ý với đề xuất của Lương và đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài thi trắc nghiệm, và một phong bì chứa chìa khóa hòm chứa bài thi trắc nghiệm, để Lương mang các bài thi về Sở GD-ĐT sửa.

Có thí sinh được nâng đến... 29,95 điểm!

Trong số 107 thí sinh được nâng điểm bài thi trắc nghiệm, thí sinh số báo danh 05000592 được nâng "khủng" nhất - tổng số tới 29,95 điểm (trong khi ở tỉnh Sơn La, thí sinh được nâng nhiều nhất là 26,55 điểm).

Theo dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018, thí sinh này dự thi 4 môn: toán, ngoại ngữ, hóa học và vật lý, điểm công bố lần đầu lần lượt là 8,6 - 9,6 - 9,5 - 9,5, đứng vị trí thứ 75 trong các thí sinh có điểm thi cao tại Hà Giang. Như vậy, thực tế tổng điểm 4 môn thi của thí sinh này chỉ đạt 7,25 điểm.

Gian lận thi cử Hà Giang: Cảnh cáo phó chủ tịch tỉnh và nguyên giám đốc Sở GD-ĐT

TTO - Tỉnh ủy Hà Giang thông báo thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT liên quan vụ gian lận thi cử tại tỉnh này.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp