Bốn nữ du khách Việt Nam trong số những người ra trình diện ngày 27-12 - Ảnh: NOW NEWS
Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc trao đổi với cơ quan chức năng sở tại để nắm thông tin nhân thân và tiến hành thăm lãnh sự những trường hợp bị tạm giữ.
Liên quan đến thông tin 152 khách du lịch Việt Nam được cho là bỏ trốn ở Đài Loan, theo Văn phòng Kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, phía Đài Loan cho biết đến chiều 27-12 đã có 11/152 khách du lịch bị cơ quan chức năng Đài Loan tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Cá nhân bí hiểm thứ ba
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, ngoài hai doanh nghiệp liên quan đến vụ du khách bỏ trốn ở Đài Loan còn có một cá nhân bí hiểm thứ ba. Đó là phần tiết lộ bước đầu từ cuộc họp liên ngành du lịch - công an tại Sở Du lịch Hà Nội cả ngày 27-12 cùng với hai doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Vũ Công Huy - chánh thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, giám đốc Công ty TNHH Twin Bright đã khai báo tại cuộc họp rằng công ty này chỉ đứng ra giúp "một người bạn" ký hợp đồng với Công ty Kỳ nghỉ quốc tế để làm thủ tục visa cho đoàn khách đi Đài Loan và họ không hề biết gì, không nắm được thông tin về khách du lịch.
Thậm chí phía Công ty TNHH Twin Bright khai nhận chỉ có số điện thoại của "người bạn". Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xác minh về cá nhân này.
Tại buổi làm việc, các đơn vị cùng thống nhất đề nghị Bộ Công an, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, giải quyết vụ việc cũng như đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ môi trường du lịch của Việt Nam.
Bên liên ngành cũng thống nhất yêu cầu Công ty Golden Travel và Công ty Twin Bright tiếp tục liên hệ với các đối tác, cá nhân tổ chức liên quan để hỗ trợ, bảo đảm an toàn và đưa khách du lịch Việt Nam về nước sớm nhất.
Hôm nay (28-12), Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục kiểm tra xác minh và thiết lập hồ sơ vi phạm theo quy định pháp luật đối với các hoạt động lĩnh vực du lịch.
Cần tăng xử phạt
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết chỉ riêng với thị trường Đài Loan, năm 2017 khách Việt Nam đạt 380.083 lượt, tăng 96,44%. Các công ty du lịch cho biết gần như ngày nào cũng có tour khởi hành đi Đài Loan với số khách lớn.
Những người làm trong ngành du lịch lâu năm đều có những "biện pháp" phối kiểm trước các chiêu trò của công ty chuyên đưa lao động ra nước ngoài. Nhưng các đường dây tổ chức xuất khẩu lao động này rất tinh vi, họ chuyển hộ khẩu vào TP, làm giấy tờ giả, hợp đồng lao động giả... để qua mắt.
Giám đốc một công ty lữ hành lớn ở TP.HCM kể lại: "Chúng tôi từng nhận đoàn khách 15 người của một công ty. Điều lạ lùng là cả công ty đều đi hết, từ giám đốc đến nhân viên. Khi cử người đi xác minh địa chỉ trụ sở doanh nghiệp này mới té ra đó chỉ là một căn nhà lụp xụp, doanh nghiệp chỉ vừa được thành lập vài tháng".
Ông Kỳ lưu ý thêm: từ vụ của Công ty Kỳ nghỉ quốc tế nhận làm dịch vụ visa cho 153 khách với chi phí chỉ 10 USD/người, cho thấy đang tồn tại một thị trường dịch vụ mua bán visa du lịch. Việc một công ty du lịch hợp tác với công ty nước ngoài chỉ để làm visa đưa các đoàn khách đi mà không thực hiện tour là sai quy định của Luật du lịch.
Điều này làm cho chính sách ưu đãi visa của các nước đang áp dụng cho Việt Nam bị méo mó, tạo cơ hội cho thị trường mua bán visa. "Như vậy sẽ không giám sát được khách, dẫn đến không biết được ai. Đáng ra chúng ta nên có ràng buộc ai xin visa thì đơn vị đó phải thực hiện nhận tour. Phải tăng cường xử phạt và phạt nặng công ty vi phạm, hạn chế tình trạng này" - ông Kỳ nói.
Ông Trần Văn Long, giám đốc Công ty Du lịch Việt, đánh giá nếu phía Đài Loan dừng chương trình cấp visa Quan Hồng ở thời điểm này là một tổn thất nặng nề cho các công ty du lịch.
Thị trường đang bước vào cao điểm lớn nhất trong năm của hai dịp lễ lớn là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngày nào ở doanh nghiệp này cũng có đoàn khởi hành đi Đài Loan, thế nhưng mọi thứ có thể phải hoãn lại vì thủ tục visa.
Học giả Đài Loan: không nên dừng cấp visa Quan Hồng
Theo tờ Apply Daily, thông tin mới nhất của nhà chức trách Đài Loan xác nhận có 2 người "không mất tích" là một thiếu niên 17 tuổi cùng trưởng đoàn. Do đó, con số "mất tích" là 151, chứ không phải 152/153 như ban đầu.
Tính đến 17h chiều 27-12, cảnh sát Đài Loan đã biết tung tích của 13 người. Trong số này có 3 người đã bay khỏi Đài Loan, 5 người bị bắt (trong hai ngày 26 và 27-12) và 5 người tự ra trình diện (ngày 27-12). Các du khách Việt Nam được tìm thấy ở khắp các địa bàn từ miền bắc tới miền trung và nam Đài Loan như: Cao Hùng, Nam Đầu, Trung Lịch...
Tại cơ quan chức năng, có du khách khai đến Đài Loan thăm người thân, nhưng cũng có người thú nhận đến Đài Loan để ở lại lao động bất hợp pháp.
Ông Hoàng Chính Thông, phó giáo sư tại khoa du lịch thuộc Đại học Tĩnh Nghị (PU) ở Đài Loan, cho rằng đây là một trường hợp hiếm thấy do xét về tỉ lệ bỏ trốn, trước nay trong số 1.000 du khách Việt Nam tới Đài Loan chỉ có 1 -2 người bỏ đoàn.
Theo ông, chính quyền Đài Loan không nên dừng cấp thị thực cho công dân Việt Nam theo dự án Quan Hồng. Nếu thực hiện hành động "đóng cửa" này, Đài Loan sẽ mất một thị trường rộng lớn từ Việt Nam.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận